Nghe thầy Võ Phổ kể chuyện những ngày gặp Bác Hồ

Thứ ba, 19/05/2020 14:47 (GMT+7)

Nhân dịp kỉ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2020), phóng viên Mực Tím đã có cơ hội được nghe thầy Võ Phổ (nguyên giảng viên ĐH Bách Khoa TP.HCM) kể lại những câu chuyện thực tế khi được gặp Bác Hồ.

Từ năm 13 tuổi thầy Võ Phổ đã cầm súng đánh giặc, trở thành một trong những “Dũng sĩ diệt Mỹ” tiêu biểu. Với những thành tích của mình, thầy Võ Phổ đã có cơ hội 4 lần ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Qua những lần được gặp Bác, được ăn cơm và trò chuyện cùng Bác, thầy Võ Phổ lại nhớ như in từng chi tiết, câu chuyện, bài học từ Bác.

Thầy Võ Phổ kể lại bức ảnh chụp cùng Bác Hồ và Bác Tôn.

Lần đầu ra Hà Nội, chúng tôi được ở trong Ban Thống Nhất Trung ương. Ngày hôm đó có chú Phó ban đến bảo: “Hôm nay các cháu dũng sĩ không được đi đâu hết, ai tóc dài thì được cắt tóc, đến chiều đi tham gia một công việc đặc biệt”. Chúng tôi không ai nghĩ sẽ được gặp Bác. Đến 2 giờ chiều, thật bất ngờ khi có một chiếc xe chở chúng tôi đến gặp Bác Hồ và Bác Tôn. Chúng tôi được ngồi nói chuyện với Bác trên một chiếc ghế dài. Tôi là đứa lớn hơn các em nên ngồi phía ngoài rìa. Bác gọi nhân viên mang một chiếc ghế thấp đặt trước mặt Bác, sau đó Bác bảo: “Cháu Võ Phổ lên đây ngồi, bây giờ cháu đã không còn ngồi xa Bác nữa”. Như thế tôi đã không còn khoảng cách với Bác, vì đã được ngồi gần Bác như tất cả các bạn khác. Vì tôi vẫn đang bị thương nên Bác lại bảo: “Cháu mở băng ra để Bác xem vết thương của cháu”. Lúc này tôi cảm động như muốn khóc, vì không nghĩ Bác quan tâm tôi đến vậy. Thấy vết thương của tôi vẫn chưa lành, Bác lại ân cần: “Sau khi ăn cơm với Bác xong, Bác sẽ đưa cháu đến gặp các cô chú tiếp tục điều trị cho cháu”.

Thầy Võ Phổ (bìa trái) lần đầu tiên gặp Bác Hồ. (ảnh tư liệu)

Tôi với Đoàn Văn Luyện là hai đứa lớn nhất trong đoàn thiếu nhi nên Bác bảo hai cháu ở lại ngủ với Bác, Bác ngủ ở trong chúng tôi nằm ở ngoài, có chiếc rèm che ở giữa. Do tôi và Đoàn Văn Luyện lâu lắm mới gặp nhau, nên chúng tôi có rất nhiều chuyện để nói, do mãi nói chuyện nên chúng tôi quên đi mọi thứ và làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của Bác. Tôi thấy Bác ngồi dậy kéo rèm che và nói: “Bác định ngủ nhưng nghe các cháu nói chuyện hay quá nên Bác ngồi dậy nghe hai cháu nói chuyện cho vui”. Lúc này chú Vũ Kỳ (thư kí của Bác) bảo các cháu đã bị Bác phê bình, đến giờ ngủ nhưng vẫn còn nói chuyện. Tuy bị Bác phê bình nhưng chúng tôi nghĩ ai được Bác phê bình như thế là hạnh phúc và coi đó như bài học ý thức để rèn luyện, sửa đổi.

Mỗi lần được gặp Bác, chúng tôi được Bác tiếp ở những căn phòng khác nhau. Ở mỗi căn phòng, Bác thường cho người treo đồng hồ của Pháp. Hôm ấy chúng tôi được thông báo 3 giờ chiều Bác sẽ đến. Đúng 3 giờ Bác xuất hiện, việc đầu tiên là Bác nhìn ngay lên đồng hồ, vui vẻ Bác bảo: “Hôm nay Bác cháu ta đều đúng giờ cả”. Việc Bác luôn đúng giờ đã trở thành bài học để tôi tự tạo cho mình thói quen phải luôn đúng giờ. Sau này, trong suốt trong quãng đời đi dạy học của mình, tôi luôn tôn trọng thời gian, luôn đúng giờ và chưa bao giờ phải để sinh viên của mình phải chờ.

Sau mỗi sự việc, dù chỉ là hành động nhỏ của Bác, cách ứng xử của Bác đều để lại trong tôi một bài học, dấu ấn cho bản thân. Những điều học được từ Bác luôn động lại trong tim và tôi mãi không thể quên, nó như động lực rèn luyện, phấn đấu cho chính bản thân mình.

AN BANG ghi

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: