avatar PHƯƠNG AN - NGUYÊN THẢO

Thứ năm, 02/11/2023 20:32 (GMT+7)

Nhiều teen thích tiết thể dục bởi được gấp sách vở, ra ngoài vận động. Thế nhưng, môn học này cũng là nỗi sợ của không ít teen.

Nỗi sợ mang tên...thể dục

Khi học thể dục, cô bạn Trần Huyền My (Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh) ám ảnh nhất là môn cầu lông. Để đạt điểm ở môn này, bạn phải phát cầu vào khung. Nếu phát vượt hoặc phát không tới, bạn sẽ không được tính điểm.

Huyền My khổ sở cho biết: “Trước giờ mình ít chơi thể thao nên khi tập cầu lông, tay chân mình rất đau nhức. Dù đã rất cố gắng tập luyện nhưng mình vẫn không thể phát cầu vào khung. Mỗi lần đến tiết thể dục, mình lại có cảm giác ám ảnh, không muốn học”.

Vượt qua môn thể dục - Ảnh 2.

Teen chơi bóng rổ ở trường - Ảnh minh họa: NGUYÊN THẢO

Mặc dù đã tiếp xúc với môn bơi lội từ năm lớp 10 nhưng cậu bạn Trần Hoàng Nam (Trường THPT Phong Phú, huyện Bình Chánh) vẫn gặp sự cố nhớ đời. Lần đó, bạn bị chuột rút do không khởi động kỹ. Sau lần đó, bạn cứ bị ám ảnh mỗi khi xuống nước.

Nhiều teen cho rằng môn thể dục không quan trọng nên tập qua loa. Chính vì thế, có nhiều bạn bị đánh rớt nhiều lần, dẫn đến tình trạng rớt môn.

Bạn Nguyễn Bảo Khánh (Trường THPT Trường Chinh, quận 12) cho biết do không thích vận động nên các bài kiểm tra thể dục bạn chỉ tập cho có. Kết quả, các bài kiểm tra của bạn bị đánh giá "chưa đạt" khá nhiều, ảnh hưởng đến kết quả học tập chung. Điều này khiến bạn rất lo lắng.

Bí kíp để vừa khỏe, vừa khỏi sợ rớt môn

Theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, với môn giáo dục thể chất, teen sẽ được tự chọn môn học phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân.

Thầy Hoàng Hiệp (giáo viên thể dục Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3) cho biết, thầy không đánh giá quá khắt khe cũng như yêu cầu cao về kỹ thuật.

“Thầy cho điểm dựa trên sự phát triển năng lực của các em qua từng tiết học. Các em sẽ được đánh giá "đạt" khi có thái độ, tinh thần học tích cực. Nếu trong các bài kiểm tra, học sinh không đạt thì sẽ được kiểm tra lại vào cuối tiết nên các bạn không cần quá lo lắng” - thầy trấn an.

Vượt qua môn thể dục - Ảnh 3.

Thầy Hoàng Hiệp - Ảnh: NVCC

Bạn Nguyễn Bảo Khánh (Trường THPT Trường Chinh, quận 12) kể thêm, mặc dù không có tố chất vận động, nhưng nhờ sự cố gắng, nghiêm túc nên cuối học kỳ, thầy cho bạn gỡ điểm bằng các bài tập thể dục khác.

Hiện tại, teen có thể tham khảo thêm môn giáo dục thể chất từ sách giáo khoa. Sách được biên soạn từ cơ bản đến nâng cao, mô phỏng động tác kỹ thuật đến động tác với dụng cụ...

Để không tạo sự căng thẳng, thầy Hiệp cũng như các thầy cô khác thường lồng ghép những trò chơi có liên quan đến nội dung bài học. Mục đích là để teen vừa phát triển về kỹ năng, vừa vui chơi giúp tăng hứng thú với môn học.

Vì vậy, teen mình có thể yên tâm nếu bạn học không tốt một môn thể dục nào đó. Hãy thể hiện cho thầy cô thấy sự nỗ lực của mình để bù đắp lại những thiếu sót, bạn nhé!

Lưu ý gì khi học thể dục?

Cùng nghe bí kíp từ các “cựu binh” để giờ học thể dục thoải mái hơn nhé!

• Nắng nóng, mồ hôi:

Nếu không thể tắm và thay đồ tại trường, bạn có thể mang theo khăn giấy ướt, khăn vải để lau khô người sau tiết học. Điều này giúp cơ thể hạ nhiệt, không bí mồ hôi. Bạn cũng nên mặc áo trong thoáng mát, mỏng nhẹ.

• Da đen sạm: Hiện nay, ngoại trừ một số trường có sân mái che, nhiều trường vẫn cho học sinh học thể dục ngoài trời, dẫn đến nhiều bạn nữ ngại bị sạm da. Bạn hãy thoa kem chống nắng đầy đủ trước khi học nhé.

• Mệt mỏi, không hoàn thành bài: Ai cũng có những lúc không khỏe, khó theo kịp bài vận động. Bạn có thể xin thầy nghỉ ngơi, uống trà đường cho tỉnh táo. Ngoài ra, vận động ngoài trời cần nhiều sức khỏe, bạn cần chú ý ăn đủ, ngủ đủ để đảm bảo sức khỏe


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: