Đừng "ra dẻ" khi tập luyện

Thứ ba, 04/10/2022 19:15 (GMT+7)

Song song với dinh dưỡng, rèn luyện thể chất đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ thể teen. Tuy nhiên, tập luyện thế nào, thời lượng ra sao cũng cần lưu ý bởi không chỉ làm hỏng kết quả mà còn gây nguy hiểm cho bản thân. Cùng điểm qua vài sai lầm phổ biến khi tập luyện nhé.

@ SAI LẦM LÀM HỎNG MỤC TIÊU

- Thay đổi bài tập thường xuyên sẽ mang lại hứng thú nhưng dễ phá sản mục tiêu đề ra, nhất là khi tập cơ bắp. Lời khuyên cho bạn là nên gắn bó bài tập ít nhất trong 8 tuần.

- Lặp đi lặp lại một động tác lâu ngày khiến cơ thể “lờn”, làm giảm hiệu quả, nhất là khi giảm cân.

- Đừng mất thời gian vào những bài tập giảm mỡ cục bộ như hông, đùi, mông, cánh tay... bởi rất khó “điều động” như vậy.

- Bỏ qua cách nghĩ rằng: “Phải tập hơn 30 phút mới động chạm được mỡ thừa”. Nên nhớ rằng chất lượng quyết định kết quả chứ không phải là thời gian.

@ SAI LẦM KHIẾN NGƯỜI TẬP PHÁT BỆNH

- Tập dưới thời tiết quá nóng hay quá lạnh, tập lúc sáng sớm hay tối muộn, mặc quần áo tập tréo ngoe với tiết trời... rất dễ khiến cơ thể phát bệnh.

- Thay đổi giờ tập làm xáo trộn nhịp sinh học cũng dễ sinh bệnh.

- Tập luyện quá sức sẽ khiến căng cơ, cơ thể mệt lả, chán ăn, thậm chí dẫn đến đột quỵ (teen hay có suy nghĩ “chắc nó chừa mình ra” lắm). Lời khuyên là tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tốt nhất chỉ nên tập không quá 60 phút/ngày.

- Chăm tập đến mức không nghỉ ngày nào sẽ khiến cơ thể không có thời gian hồi phục/sức khỏe kiệt quệ, cơ bắp, xương khớp hao mòn nhanh. Cơ thể cần đến 24 - 72 giờ để hồi phục sau tập luyện nặng.

@ SAI LẦM ĐƯA NGƯỜI VÀO CẤP CỨU

- Không khởi động trước, không tập tuần tự từ nhẹ đến nặng... dễ khiến bạn gặp nguy hiểm. Để tránh rủi ro nên tập ngắt quãng, có quãng nghỉ hợp lí.

- Nhiều bạn cứ nghĩ rằng khi tập dưới trời mát, tập lúc sáng sớm, cơ thể không khát nên lười uống nước. Việc không bù nước thỏa đáng sẽ khiến bạn dễ bị vọp bẻ, sốc nhiệt, dễ bị chấn thương, gãy xương. Đặc biệt, khi tập dưới trời nắng mà không bù nước sẽ khiến dễ chấn thương hơn.

@ SAI LẦM ĂN UỐNG KÈM TẬP LUYỆN

- Dinh dưỡng luôn phải “song kiếm hợp bích” với tập luyện. Thế nên, sai lầm khi ăn uống dễ khiến việc tập luyện bị “đổ sông đổ biển”.

- Nhiều bạn lấn cấn về việc nên nhịn đói hay ăn trước tập, nhất là những bạn tập giảm cân, ngừa tiểu đường. Thật ra không có khác biệt nhiều về kết quả giữa bao tử rỗng hay đầy trước khi động tay động chân. Ăn hay không tùy sở thích, tiện lợi của từng người nhiều hơn.

- Để bụng đói khi tập nặng dễ sinh hạ đường huyết, choáng váng, chấn thương, nhất là tập sáng sớm. Ngược lại bụng căng đầy khi tập khiến nhiều người gặp khó tiêu hóa, kém hấp thu dinh dưỡng, thậm chí viêm loét dạ dày về sau.

- Tập trước bữa ăn 2 giờ hoặc ăn nhẹ 1 - 2 giờ trước tập, tùy nhu cầu. Những món nên ăn là bánh mì, bơ, chuối, ngũ cốc.

- Ăn nhiều tinh bột tăng cảm giác đói khiến người tập ăn ngấu nghiến sau tập. Để phá sản âm mưu này cần thêm ít đạm vào khẩu phần.

@ SAI LẦM UỐNG NƯỚC

- Không bù đủ, hoặc bù nước sai cách là lỗi phổ biến. Bù nước trước, trong hoặc sau khi tập là được.

- Quên gia giảm lượng nước theo bài tập, cường độ, thời gian, thời tiết khiến việc bù nước công cốc.

- Bù nước trong tập luyện giúp tăng calo bị đốt cháy, từ đó kết quả giảm cân thêm khả quan.

@ SAI LẦM LINH TINH

- Nhiều bạn tìm cách bù nước bằng nước tăng lực, nước có gas, có cồn, cà phê... Cách bù nước kiểu này vô cùng sai lầm bởi làm tăng nhịp tim, huyết áp vốn đã căng thẳng sau tập.

- Tập luyện, bất kể hình thức nào thì oxy là sống còn. Oxy qua mũi chưa đủ nên cần thở thêm bằng miệng. Chú ý thở bằng bụng hiệu quả hơn thở bằng ngực, hít vào thở ra theo nhịp lên xuống của bụng là được.

- Đừng bao giờ đánh giá kết quả buổi tập (nhất là tập giảm cân) qua lượng mồ hôi đổ ra. Năng suất mồ hôi không phản ánh số calori hay mỡ thừa bị đốt cháy, thậm chí bị chúng đánh lừa.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: