Vì sao xét nghiệm nước tiểu giúp chẩn đoán bệnh?

Thứ tư, 12/10/2022 20:15 (GMT+7)

Đã bao giờ bạn để ý tình trạng sức khỏe của mình thông qua “báo động” từ nước tiểu chưa?

Bạn biết không, mỗi ngày, chúng ta sẽ bài tiết những chất độc và sản phẩm chuyển hóa dư thừa ra khỏi cơ thể mình và nước tiểu chính là một trong những sản phẩm của sự bài tiết này. Vậy thì phải xem nước tiểu từ đâu mà ra nè.

Sự tạo thành nước tiểu sẽ xảy ra tại nhà máy thận trong cơ thể của chúng ta và quá trình này gồm 3 giai đoạn chính:

1. Lọc ở cầu thận: Khi máu trong cơ thể chúng ta chứa những chất dư thừa được đưa tới nhà máy thận, khu vực tiếp nhận đầu tiên là cầu thận và đây chính là nơi xảy ra quá trình lọc máu đầu tiên để tạo thành nước tiểu đầu.

2. Tái hấp thu ở ống thận: Sau khi ra khỏi cầu thận, chúng sẽ được chảy vào một hệ thống ống gọi là ống thận để hấp thu lại những chất cần thiết cho cơ thể. Cơ thể của chúng ta cũng rất là “tiết kiệm” đó nha.

3. Bài tiết ở ống thận: Khi những chất cần thiết được tái hấp thu, ống thận lại tiếp tục bài tiết những ion khác để tạo thành nước tiểu chính thức. Khi cơ thể có rối loạn hay nhiễm trùng sẽ làm thay đổi các thành phần trong nước tiểu. Khi đó, phân tích nước tiểu sẽ thấy sự hiện diện của protein, các tế bào máu, hay vi trùng trong nước tiểu.

Các bạn ơi, bất kỳ thay đổi nào về màu sắc, mùi, và tần suất kéo dài đều là những dấu hiệu bất thường cần được lưu ý đó:

● Bình thường màu nước tiểu của chúng ta là vàng trong cho đến vàng thẫm, tùy thuộc vào độ loãng hoặc cô đặc của nước tiểu. Thế nên, nếu màu nước tiểu bất thường như nước tiểu có màu đỏ đậm, nâu, hoặc trắng đục có thể là dấu hiệu của bệnh đó các bạn nha.

● Hoặc nước tiểu của chúng ta bình thường có mùi không nặng. Nhưng, trong một số trường hợp nhất định, nước tiểu của chúng ta có mùi bất thường hoặc khó chịu như mùi hôi, ngọt, hoặc mùi mốc thì lúc đó cơ thể đang phát tín hiệu “ét ô ét” với chúng ta đó.

Như vậy, bằng việc quan sát màu và mùi nước tiểu cũng có thể cho chúng ta một số gợi ý về những bất thường trong cơ thể. Tất nhiên, để biết chính xác nguyên nhân gây nên sự bất thường ấy và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe ra sao, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, nhân viên y tế.

Hãy cùng chăm sóc sức khỏe bằng những việc nhỏ nhất bạn nhé!

Biên soạn: ThS. BS. Nguyễn Thanh Vân (Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford)

Biên tập: Diệu Linh – Science Stan

Nguồn: Dự án Công tắc khoa học

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: