Trợ thủ đắc lực cho thính giác của con người

Thứ tư, 19/10/2022 21:37 (GMT+7)

Được biết đến là “trợ thủ đắc lực” của những ai có thính lực kém, chiếc máy bé xíu này có thể giúp họ lắng nghe những âm thanh từ thế giới xung quanh.

Có ai đã từng nghe đến “Máy trợ thính” chưa? Đây là một thiết bị có kích thước nho nhỏ và khả năng khuếch đại âm thanh giúp người dùng nghe rõ hơn. Được biết đến là “người bạn thân thiết” và “trợ thủ đắc lực” của những ai có thính lực kém, chiếc máy bé xíu này có thể giúp họ lắng nghe những âm thanh từ thế giới xung quanh đó.

Chắc rằng sẽ có nhiều bạn thắc mắc rằng chiếc máy này hoạt động ra sao mà lại giúp được thính lực của nhiều người như thế ha? Vậy thì đầu tiên chúng ta cần đi một vòng vào lỗ tai của con người để tìm hiểu câu hỏi này nha.

Đầu tiên, ta phải đi qua “cánh cửa bảo vệ” - khu vực Tai ngoài gồm Loa tai và Ống tai chính. Sau đó, băng xuyên qua Màng nhĩ để đến trạm cỗ xe “Chuỗi xương con” và rồi di chuyển đến khu vực Tai trong. Đến đây, khi bước vào tòa lâu đài Ốc tai, chắc hẳn bạn sẽ choáng ngợp với “kiến trúc” xoắn ốc và sự kết nối với Chuỗi dây thần kinh. Tít từ Chân đến Đỉnh ốc tai được uốn bởi Khoang tiền đình và Khoang nhĩ. Kẹp giữa hai khoang là “chiếc cầu thang xoắn ốc” mang tên Khoang ốc. Mỗi bậc thang tương đương với tần số âm thanh, mà ở trên đó là những lớp tế bào lông. Đầu tế bào lông sẽ tiếp nhận âm thanh và chuyển về Dây thần kinh thính giác. Từ đó âm thanh được dẫn lên Thùy chẩm trên não.

Nhưng đó chỉ là tình huống lý tưởng nhất thôi, đôi khi sẽ có những vấn đề xảy ra tại những cơ quan này. Bỗng một hôm Lỗ tai nhận tin xấu: “U là trời, khu vực tế bào lông đã bị tổn thương ư? Vậy làm sao âm thanh đi qua được đây?”. Chà, tế bào lông ở đây đã bị tổn thương, bị ngắn lại và ít đi. Nguyên nhân có thể do tuổi tác, hoặc cũng có thể do tiếp xúc với tiếng ồn ở tần số lớn.

Nhưng đừng lo, mấy chuyện này Máy trợ thính “cân” được hết! Với khả năng phóng đại âm thanh, người bạn này có thể dễ dàng giúp tiếp cận các tế bào lông bị tổn thương. Máy trợ thính luôn đồng hành cùng chiếc micro giúp chuyển hoá âm thanh thu được thành tín hiệu điện tử. Sau đó, một bộ xử lý nhỏ sẽ sử dụng các bộ lọc để sửa đổi các tín hiệu, từ đó cho ra những âm thanh rõ ràng hơn. Loa cũng đóng vai trò quan trọng, nằm trong tai nghe, giúp chuyển đổi tín hiệu thành âm thanh được phát vào ống tai. Từ đó, âm thanh sẽ dễ dàng đi vào tai người.

Tiếng chim hót, tiếng lá rơi, tiếng cười của bạn bè, tiếng nói của ba mẹ,… Những âm thanh tuyệt đẹp trong cuộc sống chẳng thể nào được nghe nếu như không có một thính giác thật tốt và sự trợ giúp “đỉnh của chóp” từ máy trợ thính đúng không nào? Các bạn hãy dành ít thời gian để dừng lại, lắng nghe và cảm nhận những thanh âm kì diệu xung quanh chúng ta nha!

Biên soạn: ThS. Dương Vân Anh, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford

Biên tập: Bảo Vy – Science Stan

Nguồn: Dự án Công tắc khoa học

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: