Những con đường đến trường gập ghềnh

Thứ tư, 17/01/2024 18:38 (GMT+7)

Không may mắn được đủ đầy, mạnh khỏe như mọi người, một số bạn nhỏ chẳng may rơi vào cảnh bệnh tật, khó khăn, con đường đến trường vì vậy cũng lắm gập ghềnh.

Nhưng dù gập ghềnh các bạn vẫn cố gắng vững bước, đến trường với ước mong được học tập đàng hoàng.

“Mỗi lần nhìn con nôn ra máu, cô chỉ biết ứa nước mắt…”

Đó là tâm sự của mẹ bạn Trần Nguyễn Bảo Như (lớp 7 Trường Lê Quý Đôn, TP.Thủ Đức).

Năm lớp 6, đang ngồi chơi thì tự dưng, Như ộc ra cả chén máu tươi. Cả nhà hoảng hồn đưa bạn đi khám nhưng không tìm ra bệnh.

Tưởng chỉ có một lần đó thôi, vậy mà không ngờ khi đang học ở trường, Như tiếp tục nôn ra máu ướt đẫm khẩu trang. Bạn được thầy cô dìu xuống phòng y tế song tình trạng ấy vẫn tiếp diễn nhiều lần sau đó.

Cả nhà nháo nhào đưa bạn đi khám lẫn điều trị nhiều nơi từ Bệnh viện Truyền máu - Huyết học đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng. Vậy mà vẫn không tìm ra được bệnh. Việc điều trị tốn kém, ngoài đồng lương ít ỏi từ công việc bảo mẫu, mẹ Như phải nhờ thêm vào lương hưu của ông bà ngoại.

Những con đường đến trường gập ghềnh- Ảnh 1.

Bảo Như đã nhập viện không biết bao nhiêu lần. - Ảnh: T.THẢO

Có thời gian, một tuần Như phải đến bệnh viện khám 1 lần. Tiền thuốc thôi đã gần 2 triệu đồng. Mỗi lần nhìn con nôn ra máu, mẹ bạn chỉ biết ứa nước mắt, lấy thuốc cầm máu cho con uống chứ chẳng biết làm gì nữa.

Tình trạng lặp đi lặp lại nhiều lần khiến năm lớp 6, việc học của Như bị gián đoạn. Ngày nào khỏe, Như đi học. Ngày nào mệt thì nhập viện hoặc ở nhà. Có những bài bỏ sót, thầy cô, bạn bè sẽ giảng lại online cho bạn.

Theo cô chủ nhiệm lớp 6, dù đau bệnh và hoàn cảnh khốn khó như vậy nhưng Như vẫn theo kịp bạn bè và lên lớp. Đây là điều rất đáng khen.

Hôm mình đến thăm là lúc Như phải nghỉ học ở nhà vì bệnh tái phát. Giọng buồn buồn, Như chia sẻ ước sao gia đình bạn có thể vượt qua lúc khó khăn. Còn bạn được khỏe mạnh đến trường như bao bạn bè khác.

Được đến trường đã vui lắm rồi!

Ba mẹ chia tay khi anh em Phan Anh Khoa (lớp 6 Lớp Phổ cập Sùng Đức, TP.Thủ Đức) còn nhỏ. Anh em bạn chọn ở với mẹ. Ngoài làm nội trợ, mẹ còn nhận sửa quần áo kiếm thêm.

Thu nhập bấp bênh, mỗi tháng trung bình kiếm được khoảng 1-1,5 triệu. Cảnh nhà thiếu trước hụt sau nên có thời gian, Khoa phải nghỉ học ở nhà để tiết kiệm chi phí. Lúc ấy nhìn con loay hoay ở nhà mà mẹ bạn cũng rưng rưng.

Rồi một hôm tình cờ biết được hoàn cảnh của Khoa, một người hàng xóm tốt bụng đã giới thiệu cho bạn được học miễn phí ở Lớp Phổ cập Sùng Đức. Khoa vui, còn nỗi lòng của mẹ cũng vơi bớt nỗi niềm.

Những con đường đến trường gập ghềnh- Ảnh 2.

Được đi học là anh em nhà bạn Anh Khoa vui lắm. - Ảnh: M.HÒA

Mỗi ngày, bạn được ba mẹ cho bao nhiêu tiền tiêu vặt? Còn anh em Khoa ăn uống ở nhà, đi học mang theo nước, ít bánh kẹo. Tuần nào được cho 10k tiêu vặt là mừng lắm rồi. Nhưng điều đó chẳng là gì so với niềm vui được đến trường cùng bạn bè.

Đi học cùng tò vé số

Từ 6 giờ sáng, các tiểu thương chợ Phú Lâm (quận 6) đã nghe lời rao tha thiết: “Mua giùm con tờ vé số đi cô chú ơi!” của một bạn nhỏ mặc đồng phục, lưng đeo cặp.

Hình ảnh này xuất hiện từ cách đây hơn 3 năm và đó chính là bạn Nguyễn Tuấn Kiên (lớp 3 Trường TH Trương Công Định, quận 6).

Bạn đã bán vé số từ năm lớp 1. Mỗi ngày, bạn dậy từ 5h sáng phụ bà đếm vé số. Trên đường đến trường, bạn tranh thủ rảo qua chợ để bán vé số. Bạn bật mí bán trong chợ đông người sẽ bán được. Còn ở ngoài đường lớn, ai cũng lo chạy xe khó bán hơn.

Những con đường đến trường gập ghềnh- Ảnh 3.

Kiên (trái) vui chơi cùng bạn bè trong trường. - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Khi mình hỏi: “Bạn còn nhỏ cầm nhiều tiền không sợ nguy hiểm sao?”, Tuấn Kiên thủ thỉ khi thấy có gần 100k, bạn sẽ chạy gửi bà ngay vì bà cũng bán lòng vòng gần đó.

Trong 1 giờ đồng hồ nếu chưa bán hết, bạn sẽ gửi lại vé số cho bà chứ không đem vào lớp. Những lúc như vậy, bạn thương bà lắm vì bà sẽ phải “gánh” xấp vé số của bạn và đi nhiều nơi hơn. Vì vậy có hôm sau giờ tan trường, bạn tranh thủ ù chạy kiếm bà để phụ bán tiếp.

Những con đường đến trường gập ghềnh- Ảnh 4.

Tranh thủ thời gian đến trường, bạn đi bán vé số. - Ảnh:NGUYỄN HƯNG

Cả nhà Tuấn Kiên có 5 người đều đi bán vé số, kể cả anh trai đang học lớp 6. Thầy chủ nhiệm Lê Công Đức cho biết Kiên là học sinh rất ngoan trong lớp. Dù khó khăn nhưng từ nhỏ, bạn đã bươn chải phụ gia đình nhưng vẫn cố gắng đến trường.

Năm mới, bạn ước sao anh hai có một chiếc xe đạp điện để anh đỡ vất vả hơn khi đưa đón bạn.

Tết cho em sắp đến rồi bạn ơi!

Sắp tới đây, chương trình Tết cho em sẽ trao quà và lì xì cho 1.000 bạn có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Theo dự kiến, chương trình diễn ra ngày 21-1-2024 tại Long An và ngày 28-1-2024 tại TP.HCM.

Đây là chương trình thường niên do Nhóm Chia sẻ - Sharing phối hợp cùng Khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ thực hiện từ năm 2015 đến nay.

Chia sẻ với bạn bè, chương trình Tết cho em sẽ mang niềm vui đến Bảo Như, Anh Khoa và Tuấn Kiên cùng 1.000 bạn có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ khác.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: