Tết cho em 2022: Chuyện của hai cô bạn thương bà

Thứ năm, 05/01/2023 11:45 (GMT+7)

Đi học về, bạn thường làm gì? Hai bạn nhỏ này một bạn phụ bà đi bán vé số, bạn còn lại về làm hết việc nhà vì bà không thấy đường.

Thanh Thảo và bà nội

Dù cuộc sống khó khăn nhưng trái tim bạn nào cũng đong đầy niềm vui vì có bà kề bên. Đây là một điểm chung thú vị mà KQĐ tìm được trong số 1.000 bạn nhỏ sẽ tham dự chương trình Tết cho em 2023. Mời bạn cùng thắp lên ánh lửa hồng khi đọc câu chuyện của hai bạn này nhé!

CHÁU THẢO CỦA NỘI

Trên người vẫn mặc bộ đồng phục đi học, bạn Trần Thanh Thảo (lớp 5/3 trường Tiểu học Tân Tạo, Q.Bình Tân) đã vội cầm cọc vé số trên tay đi bán cho kịp giờ. Tuy chỉ mới 10 tuổi nhưng Thanh Thảo đã làm công việc này hơn 6 năm.

Phòng trọ của hai bà cháu

Ngày Thảo chào đời thì mẹ mất, năm em lên 3 tuổi bố cũng qua đời. Từ đó Thảo lớn lên trong vòng tay của bà nội. 6 giờ sáng dậy đi học nhưng buổi tối hôm trước Thảo đi bán vé số với bà đến tận 23 giờ đêm mới về đến nhà. Đều đặn mỗi ngày sau giờ học ở trường, đúng 21 giờ tối Thảo lại đạp xe đi quanh các quán ăn trên con đường số 40, Q.Bình Tân cùng bà vừa bán vé số vừa nhặt ve chai.

Mỗi ngày hai bà cháu chỉ bán được khoảng 100 tờ, tiền lời kiếm được không nhiều. Để tiết kiệm, thấy khách trong quán bỏ thừa thức ăn, Thảo nhanh nhảu kêu bà xin chủ quán cho mang về. Cô bạn chia sẻ: “Vì không muốn bà thêm cực vừa bán vé số lại phải nấu ăn, nên mình thường hay xin cơm chiên, nước lẩu, bún… mà khách ăn dư, cô chú sẽ cho ngay”.

Có những quán treo bảng cấm hàng rong ra vào buôn bán, Thảo buồn lắm nhưng đổi lại cũng có những quán biết được hoàn cảnh của hai bà cháu nên họ sẵn sàng giúp đỡ. Có hôm Thảo chưa tới bán, nhưng các anh chị trong quán đã gói sẵn đồ ăn khách để lại, dành phần cho bạn. Bà Thảo kể nhiều lần thấy người ta mang túi cơm nguội bỏ, họ vừa quay đi bà lại nhặt mang về, trụng sơ qua nước lã rồi hấp lại ăn, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.

Vừa tan học, Thanh Thảo tranh thủ đi bán vé số ngay

Dù thức khuya vừa làm vừa học nhưng suốt 5 năm qua Thanh Thảo luôn đạt thành tích học sinh giỏi. “Bà ơi nếu sáng bà gọi mà con không thức dậy nổi, bà cứ lấy khăn ướt lau mặt con thật nhiều lần để con tỉnh, con không muốn nghỉ học”, Thảo nói với bà.

Cô bạn cũng rất yêu thích môn tiếng Anh, có lần đi bán vé số ngang trung tâm Anh ngữ thấy người nước ngoài, Thảo rụt rè thưa với bà: “Con nói điều này bà đừng la con nha. Khi nào có tiền bà cho con vào chỗ đó học thêm được không?”.

Thương cháu, bà cũng vào xin cho Thảo học, nhưng học phí quá cao dù đã được miễn giảm một phần. May mắn khi một buổi tối khuya nọ, thầy Hiệu trưởng trung tâm Anh ngữ vô tình gặp Thảo và bà vẫn lang thang đi bán vé số, hiểu được hoàn cảnh, thầy lặng lẽ dặn dò cô kế toán: “Từ nay mỗi tháng cô không cần thu học phí của hai bà cháu bán vé số nữa”.

Dù là ngày cuối tuần hay đầu tuần, chẳng đêm nào bà cháu Thanh Thảo ngơi nghỉ công việc bán bé số, lượm ve chai. Biết bà dễ đau nhức Thảo giành bán phần nhiều hơn. Thảo cũng thường “bỏ rơi” bà lại phía sau, đi xa hơn để bán thật nhiều cho bà đỡ cực. Mấy tháng gần đây chân bà bị tê mất cảm giác, còn tay thì đau nhức. Đi khám, bác sĩ yêu cầu bà phải nhập viện. Nhìn cháu gái còn nhỏ dại chưa thể sống một mình, bà chẳng biết tương lai ra sao.

Niềm vui của bà là những đêm nghe Thảo tâm sự: “Sau này đi làm có tiền, con sẽ xây cho bà một căn nhà hai tầng, bà cứ ở trong nhà nghỉ ngơi. Nếu bà buồn chiều đi làm về con sẽ dắt bà đi chơi”. Xoa nhẹ lên đầu cháu gái, bà khẽ dặn dò Thảo phải biết tự lập, cố gắng học thật giỏi để sau này nếu không còn bà Thảo có thể tự lo cho mình.

CÔ TẤM CỦA NGOẠI

Tí Nị là tên gọi thân thương của bạn Nguyễn Ngọc My (lớp 5/9 trường Phạm Hữu Lầu, Q.7). Hôm đến nhà Tí Nị, khu nhà bạn ở ngập sâu tới đầu gối. Đường hóa thành sông cũng không ngăn được nụ cười của cô bạn khi ra tận đầu hẻm đợi sẵn. “Lên xe đi chị chở”, tôi nói. Thế là hai chị em bì bõm, “bơi” vô sâu, ngoằn ngoèo mấy con hẻm nhỏ mới tới được nhà.

Suốt 13 năm nay, ngoại Sáu 80 tuổi vẫn miệt mài chăm sóc Tí Nị

Nhà Tí Nị không có gì nổi bật. Tí Nị khoe: “Nhà mình đằng sau không khóa cửa, cũng không sợ trộm vì có gì đâu mà lấy. Thứ đáng giá nhất là bao gạo người ta cho”.

Còn lại mọi thứ trong nhà từ nệm, quạt, bếp ga, bàn học… đều là hàng xóm và Mạnh Thường Quân tặng.

Tí Nị đang sống cùng bà ngoại năm nay 80 tuổi. Gọi bà ngoại nhưng hai bà cháu không có máu mủ ruột rà gì.

Bà Sáu Muối (ngoại Tí Nị) nhớ lại, năm đó ba mẹ Tí Nị thuê bà chăm giúp, được hơn tháng thì bỏ đi luôn. Bà cụ nghèo nhưng thương đứa nhỏ 1 tháng rưỡi thiếu tình thương cha mẹ nên nhận nuôi. Từ ngày đó, hai bà cháu có gì ăn nấy, ngày chỉ ăn hai bữa.

“Trước đây, bà còn khỏe nên lội ruộng, bắt cá kiếm tiền. Nhưng mấy năm nay, ngoại yếu dần, hai mắt chỉ thấy mờ mờ nên không làm được nữa. Nhà có gì ăn đó, ăn trứng gà, trứng vịt kinh niên, lâu lâu mới được bữa có thịt”, bạn kể.

Ngoại kể, khi được 7 tuổi, Tí Nị vẫn chưa được đến trường do thiếu giấy khai sinh vì không có người giám hộ hợp pháp. Thương Tí Nị ngày đêm khao khát con chữ, cô hàng xóm Minh Thu cùng Chi Hội phó phụ nữ khu phố là cô Ngô Thị Rượi thường xuyên tới lui nhờ phường hỗ trợ. Mất hơn 6 tháng để xác nhận thông tin, cuối cùng Tí Nị cũng được tới trường với tên Nguyễn Ngọc My và được cấp giấy khai sinh với người giám hộ hợp pháp là bà Sáu.

Gian bếp nhỏ với món trứng luộc

Cô Minh Thu còn gom góp lo học phí cho Tí Nị, tặng bạn laptop, điện thoại cũ để tiện học tập. “Năm lớp 1, mình thường xuyên xỉu hoài vì nhịn ăn, nhưng mấy năm nay tình trạng này không còn diễn ra nữa”, Tí Nị nhoẻn miệng cười.

Bạn khoe từ năm lớp 1 đến nay, năm nào cũng nhận 2 giấy khen từ trường và là học sinh học giỏi thứ nhì trong lớp. Môn bạn học giỏi nhất là Toán, dù không hề đi học thêm.

“Mình còn có giấy khen đạt thành tích cao môn đá banh. Thầy cô ở trường còn bảo Tí Nị có năng khiếu thể thao nên trưa nào cũng rủ rê mình tập luyện dự thi cấp quận một xíu rồi mới lên ngủ trưa. Mình biết bóng rổ, võ Vovinam, bóng chuyền, bóng ném… nhờ học kèm miễn phí với thầy cô. Thầy còn bảo mình nên tập luyện thêm vào buổi chiều để phát triển hơn, học xong thầy cô sẽ chở về. Nghe vậy, ngoại không chịu vì đường xá xa xôi. Hiện giờ, ngoại mắt yếu, việc đưa rước sáng chiều đều được chú Minh hàng xóm thương chở giúp”, bạn nói.

Tí Nị luôn là học sinh giỏi

13 năm qua, “cô Tấm” của ngoại Sáu đã lớn dần lên từng ngày. Đứa cháu không máu mủ ruột rà được bà nuôi nấng, thương yêu từ bé tẹo teo nay trở thành cô bạn cao lớn, xinh xắn, trắng trẻo khao khát trở thành bác sĩ thú y để chăm sóc những em chó mèo. “Đi đâu thấy chó mèo bị bỏ rơi, mình lại nhặt về nuôi vì thương cho hoàn cảnh của em giống hệt như mình vậy”, Tí Nị chép miệng, nói.

Ngồi trên bàn học với chiếc đèn, cuốn tập… đều do Mạnh Thường Quân tặng, Tí Nị rất vui vì ngày đêm được “nuôi con chữ”. Thế nhưng, bạn lo lắng vì mắt của bà đang mờ dần dần.

Trước đây, khi còn khỏe ngoại thường đưa bạn đi học. Hai năm nay, mắt ngoại dần mờ, sau đó bị bệnh tai biến tái phát, ốm triền miên. Thương bà không thấy đường, mọi việc trong nhà đều một tay “cô Tấm” Tí Nị đảm nhận từ nấu cơm, giặt đồ, rửa chén, quét nhà, lau nhà và dìu bà khi chân đau nhức đi không vững… Cô Tấm rất chăm ngoan, chưa bao giờ để ngoại phiền lòng.

“Ước mơ của mình là bà được mổ mắt, nhưng mình vẫn lo lắng vì số tiền lớn, hơn nữa chưa chắc ca mổ đã thành công”, bạn chia sẻ thêm.

Ngồi gần đó, bà ngoại Tí Nị cũng tiếp lời: “Bà cũng không biết mình còn sống được bao lâu. Tối đến bà thường suy nghĩ lỡ bà mất, ai sẽ lo cho Tí Nị”.

Thảo và Tí Nị là 2 trong số 1.000 trẻ em nghèo, đặc biệt khó khăn ở TP.HCM & tỉnh Long An được chăm lo trong chương trình Tết cho em 2023 do Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Nhóm Chia sẻ - Sharing của bà Mai Thị Hạnh (Phu nhân Nguyên Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang), Báo Khăn Quàng Đỏ tổ chức. Vào ngày 8/1/2023 (17 tháng Chạp Âm lịch) 600 bạn tham gia chương trình tại SC VivoCity (Q.7), mỗi bạn sẽ nhận được 1 phần quà trị giá 1 triệu đồng gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng đến thăm và trao 100 phần quà cho trẻ em nạn nhân chất độc da cam và CBNV làng Hòa Bình (bệnh viện Từ Dũ); trao 100 phần quà cho trẻ mồ côi Long Hoa Cổ Tự và CBNV, bảo mẫu; trao 200 phần quà cho trẻ em nghèo ở chùa Pháp Minh (tỉnh Long An). Chương trình được Nhóm Chia sẻ - Sharing của bà Mai Thị Hạnh (Phu nhân Nguyên Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang), Công ty TNHH Nutifood, Tập đoàn TTC, gia đình Nguyễn Trương tài trợ chính. Các đơn vị đồng tài trợ gồm: Công ty Quốc Cường Gia Lai, Công ty C - Holdings, Công ty Mikko Hương Xưa, Công ty Mĩ phẩm Letitia, SC VivoCity, Công ty TH True Milk.

PHƯƠNG VY – DUY LÊ - Ảnh: VY – DUY - PHONG

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: