Thứ năm, 14/12/2023 21:39 (GMT+7)

Phóng viên Mực Tím gặp Phạm Mai Trinh (lớp 12C2, Trường THPT Trường Chinh) giữa một lô cao su ở xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông. Trinh, mẹ cùng ba đứa cháu đang miệt mài đánh đông mủ...

Gần 12h trưa, cả nhà mới hoàn thành công việc. Theo chân Trinh, chúng tôi di chuyển về căn nhà gỗ nằm sát lô. Mẹ con, bà cháu tất bật chuẩn bị bữa cơm đạm bạc vì thời gian nghỉ trưa chỉ khoảng một tiếng đồng hồ.

Sóng gió liên hồi

Bố qua đời khi Trinh vừa lên lớp 6, gánh nặng đè lên vai người mẹ tảo tần khi ấy đã gần 60 tuổi. Để có tiền trả nợ và lo cho con gái, mẹ Trinh phải đi làm xa dù sức khỏe đang ngày một yếu đi.

Tích góp 3 năm, nhà Trinh trả được nợ, nhưng "sóng trước chưa qua, sóng sau đã tới". Chị gái Trinh đổ vỡ hôn nhân, gửi lại ba đứa con nhỏ rồi đi biệt tích. Một lần nữa, gánh nặng đè lên vai người phụ nữ tảo tần.

Ở độ tuổi cần sự quan tâm, động viên của người cha, mình lại không may mắn. Những hôm trái gió trở trời, nghe mẹ khẽ rên vì đau cột sống (do tai nạn trước đó), tim mình như có ngàn mũi kim đâm.
Phạm Mai Trinh

"Nông dân" chính hiệu

Ngày bé, vì bố mẹ đi làm đến 6, 7 h tối mới về nên mới lớp một Trinh đã biết nấu cơm củi, lên lớp ba đã tự đi chợ, làm đồ ăn. Thời điểm mẹ đi làm xa, Trinh không hề bỡ ngỡ hay sợ hãi.

Cũng từ năm lớp ba, cô bạn đã tập tành đi đánh đông mủ cao su. Lúc chúng tôi vào lô, cô bạn vừa thoăn thoắt làm, vừa giải thích: "Mủ cao su mới cạo chảy xuống chén rất lỏng, mình phải đổ phèn chua vào, dùng cây đũa lớn đánh lên, đợi mủ đông thành khối rồi đi bóc". 

Mỗi năm, mẹ và Trinh nhận đánh đông từ 5 đến 10 lô cao su.

Nghị lực đáng nể của cô “nông dân” Mai Trinh- Ảnh 1.

Hoàn thành mỗi lô (từ 1000 -1200 gốc), hai mẹ con nhận được 80.000 - 100.000 đồng - Ảnh: ĐHT

Căn nhà mà chúng tôi ghé thăm không phải nhà của Trinh. Thấy mấy mẹ con, bà cháu khó khăn nên một người quen đã thương tình cho ở nhờ, sẵn tiện nhờ trông coi chục con dê và hai con bò.

Chính vì vậy, ngoài "nghề" đánh đông, Trinh còn kiêm luôn nhiệm vụ chăn nuôi gia súc. Mỗi tháng, chủ trả tiền công đủ mua gạo cho cả nhà. "Đồ đạc trong nhà đều là của chủ, chỉ có quần áo là của mình" - Trinh chia sẻ.

"Hằng ngày, bé Trinh thức dậy từ 3h sáng, lo cơm nước, giặt giũ rồi xay chuối trộn cám cho bò (vì mùa khô không đủ cỏ), sau đó mới đi học. Trưa về, Trinh tranh thủ phụ mẹ đi đánh đông, nếu không học chiều thì phụ bóc mủ luôn" - mẹ Trinh kể, mắt rơm rớm vì thương con gái.

Nghị lực đáng nể của cô “nông dân” Mai Trinh- Ảnh 2.

Bầy dê này do một tay Trinh chăm sóc. Cô bạn rất mát tay đỡ đẻ cho dê - Ảnh: ĐHT

Cực nhất là khi nhận trúng mấy lô cạo mủ buổi chập tối. 12h đêm, Trinh và mẹ đã phải thức dậy đội đèn đi đánh đông. Có những hôm hai mẹ con làm từ sáng đến tối quên cả ăn cơm, đến khi người lả ra, tuột huyết áp mới sực nhớ cả ngày chưa cho gì vào bụng.

Mơ về ngôi nhà của chính mình

Trinh dạy các cháu "tuổi nhỏ làm việc nhỏ", nhờ thế mà ba cô cậu luôn chủ động học hành, ăn uống, trưa còn biết phụ bà ngoại và dì đi đánh đông mấy lô gần nhà. Mẹ Trinh tự hào: "Tụi nhỏ ngoan lắm, có cái bánh cũng phải chia ba, có chị có em".

Để tiết kiệm tiền điện, Trinh chấp nhận dậy sớm nấu cơm củi. Đôi ủng 35.000 đồng được cô bạn mang trong... 2 năm. Thậm chí nhà Trinh chỉ có một bóng đèn dùng chung cho cả bếp và buồng ngủ. Cũng nhờ tiết kiệm mà lên cấp ba, Trinh đã mua được chiếc xe máy cũ để đi học.

Nghị lực đáng nể của cô “nông dân” Mai Trinh- Ảnh 3.

Vì xay chuối cho bò rất tốn điện nên Trinh quyết định nấu cơm củi thay vì dùng nồi cơm điện - Ảnh: ĐHT

Khi được hỏi: "Trinh có điều gì không dám nói với mẹ?", cô bạn trả lời ngắn gọn: "Mẹ ơi đóng học phí!". Mỗi lần nghe câu đó, Trinh thấy mẹ trầm ngâm, ngồi tính toán rất lâu, có khi cả đêm. Mấy mươi năm cuộc đời, mẹ chưa bao giờ trút được gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Ước mơ lớn nhất của mình là cất cho mẹ và các cháu một ngôi nhà tươm tất - ngôi nhà thuộc về chính mình.
Phạm Mai Trinh

Đi làm không có giờ nghỉ nhưng Trinh sở hữu thành tích học tập đáng nể:

- Nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi.

- Huy chương vàng môn địa lý kỳ thi Olympic 23/3 cấp tỉnh năm 2023.

- Giải nhất môn địa lý kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2023.

Phạm Mai Trinh là 1 trong 80 học trò Đắk Nông, Đắk Lắk được nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam 2023 do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tài trợ. Lễ trao học bổng diễn ra vào ngày 16-12 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là đợt trao cuối cùng trong năm 2023.

Năm 2023, quỹ học bổng Vì tương lai Việt Nam trao tổng cộng 335 suất cho học sinh vượt khó học tốt ở 9 tỉnh, gồm An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Thuận, Phú Yên, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông. Mỗi suất học bổng được trao trị giá 3 triệu đồng.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: