avatar TS. NGUYỄN VĨNH TRUNG

Thứ ba, 24/10/2023 19:32 (GMT+7)

Khi chúng ta bị bệnh, chẳng hạn như đau mắt hay viêm phế quản, bác sĩ sẽ thăm khám và kết luận bệnh do vi khuẩn hay virus gây ra.

Nhiều bạn thắc mắc vì sao có sự phân biệt này bởi virus và vi khuẩn đều mang họ “vi”, đều nhỏ xíu, đều gây bệnh cho con người.

Tuy nhiên, chúng rất khác nhau! Tùy bệnh do con nào gây ra mà bác sĩ sẽ có phương án chữa bệnh khác nhau.

Điểm giống nhau giữa virus và vi khuẩn

Virus và vi khuẩn có khả năng phát triển rất nhanh nhờ vào cấu tạo đơn giản.

Cơ thể sống được cấu thành từ các tế bào. Con người chúng ta có gần 40 nghìn tỉ tế bào. Ở động vật, con số này dao động trong khoảng vài đến vài chục triệu.

Vi khuẩn cũng được xem là cơ thể sống, nhưng phần lớn chúng chỉ được cấu tạo đơn giản từ một tế bào.

Virus còn đơn giản hơn nữa khi chỉ mang “vật chất di truyền” và xâm nhập vào tế bào của loài khác để cư ngụ.

Chính việc “sở hữu” một cấu tạo cơ thể rất đơn giản nên quá trình sinh trưởng và biến đổi ở vi khuẩn diễn ra với tốc độ rất nhanh.

Nếu con người cần khoảng 20 năm để tạo ra một thế hệ mới thì việc này ở vi khuẩn chỉ cần từ 20 đến 30 phút là đủ. Ở virus có thể còn nhanh hơn.

Điểm khác nhau giữa virus và vi khuẩn

Kích thước và cấu tạo

Mang hai bạn “vi” này lên bàn cân so sánh thì virus có kích thước nhỏ hơn vi khuẩn từ 10 tới 100 lần. Nếu virus có kích thước như một căn phòng, thì vi khuẩn là cung điện khổng lồ có 10 hay tận 100 phòng. Vì kích thước như vậy, virus có thể chui vào “trú ngụ” bên trong cơ thể của vi khuẩn.

Chân dung virus - Ảnh minh họa sách Một sức khỏe

Chân dung virus - Ảnh minh họa sách Một sức khỏe

Bên cạnh đó, vi khuẩn và virus còn khác nhau ở cấu trúc. Vi khuẩn giống như chiếc bánh bao nóng hổi. Nó chỉ có một chiếc nhân tế bào chất và một lớp màng kép bao bọc bên ngoài. Vi khuẩn có thể phát triển, sinh sản và trao đổi chất với môi trường bên ngoài nên vẫn được coi là một cơ thể sống.

Trong khi đó, virus chỉ có nhân mang vật chất di truyền và đôi khi có thêm một chiếc vỏ protein đơn giản. Vật chất di truyền hay còn gọi là ADN, mang thông tin quy định mọi hoạt động sống của các loài.

Virus và vi khuẩn cùng "họ Vi" nhưng khác nhau lắm! - Ảnh 2.

Chân dung vi khuẩn - Ảnh minh họa sách Một sức khỏe

Cách tiếp cận

Vì cấu tạo khác nhau nên cách vi khuẩn và virus đột nhập vào cơ thể chúng ta cũng khác. Virus thường đi theo dịch hoặc giọt bắn để xâm nhập vào cơ thể qua các vị trí như: mắt, mũi, miệng. Chúng “mượn” những nguyên liệu sẵn có trong tế bào người để nhân lên và sinh sôi nảy nở.

Virus sẽ “đột nhập” ngôi nhà rồi sử dụng thức ăn, nước uống có sẵn trong nhà người ta. Sau khi no nê, virus “phân thân” thành 500 anh em, đánh sập các căn phòng trong nhà cũng như tiếp tục săn tìm những “ngôi nhà” lân cận.

Vi khuẩn cũng là vị khách “ô dề” như virus. Nó theo nguồn thức ăn, nước uống hoặc nguồn tiếp xúc nhiễm bẩn đi vào cơ thể chúng ta, nhưng nó lại không chui thẳng vào tế bào người.

Vi khuẩn có lớp màng kép “thần kỳ”, hỗ trợ chúng bám dính để len lỏi giữa các tế bào người, rồi thản nhiên cư ngụ trong cơ thể chúng ta. Chúng lấy nguồn dinh dưỡng xung quanh để lớn dần và từ từ sinh sôi một cách độc lập với các tế bào của người.

Nhưng có một điều bạn cần nhớ là không phải vi khuẩn nào cũng có hại. Có rất nhiều vi khuẩn có lợi trong thực phẩm cũng như đang sinh sống trong cơ thể chúng ta, được gọi là lợi khuẩn. Ví dụ như vi khuẩn trong men sữa chua giúp chúng ta tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn, hay như hệ vi khuẩn đường ruột hỗ trợ tiêu hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch !

Những thông tin trên nằm trong dự án Công tắc khoa học. Đây là dự án được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.

Công tắc Khoa học sẽ giúp bạn tiếp cận những kiến thức khoa học với góc nhìn gần gũi, sinh động, hài hước, dễ hiểu.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: