Hành trình của thuốc trong cơ thể con người (phần 2)

Thứ ba, 30/01/2024 13:39 (GMT+7)

Mời bạn tiếp tục khám phá hành trình anh em “nhà” thuốc đi vào bên trong cơ thể con người.

  • Bạn có thể theo dõi phần 1 hành trình của thuốc tại đây.

Thuốc được phân bố như thế nào?

Khi vào được trong máu, thuốc sẽ nhờ nhịp đập của tim để theo dòng máu luân chuyển khắp cơ thể, giai đoạn này khoa học gọi là sự phân bố của thuốc.

Thuốc muốn có tác dụng thì phải được đưa đến cơ quan đích - nơi đáp ứng với tác dụng đó. Hiểu đơn giản thế này: chúng mình phù hợp hoặc yêu thích khu vực nào của “công viên khoa học” thì sẽ đến thẳng nơi đó để vui chơi.

Hành trình của thuốc trong cơ thể con người (phần 2)- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Sự phân bố này bị ảnh hưởng bởi đặc tính của thuốc và phụ thuộc vào tính chất của cơ quan đích: có thuốc qua được hàng rào máu não, có thuốc lại thấm vào trong mô xương…

Một số cơ quan đích rất khó thâm nhập, bao gồm dịch não tủy, xương, mắt. Chúng giống như “khu vui chơi mức độ khó”, thuốc có... trình độ cao mới được vào.

Chính vì thuốc có khả năng đi đến nhiều nơi trong cơ thể, nên khi sử dụng rất cần lưu ý: thuốc đó có được phân bố vào nhau thai hoặc sữa mẹ hay không, với lượng bao nhiêu, vì tác dụng của thuốc có thể gây hại cho bào thai hoặc đứa trẻ đang bú mẹ.

Chuẩn bị kết thúc hành trình của thuốc - sự chuyển hóa thuốc

Sau chuyến phiêu lưu đã đời, thuốc được đưa đến gan - cơ quan chính cho việc chuyển hóa thuốc nhờ các enzyme. Gan luôn xem thuốc là chất độc, nhưng đừng lo! Gan làm thế vì muốn biến thuốc thành các chất chuyển hóa không còn độc, dễ tan trong nước để thận đưa thuốc qua nước tiểu ra khỏi cơ thể.

Đôi khi gan chuyển hóa thuốc thành chất chuyển hóa có độc tính, ví dụ paracetamol. Bạn phải hết sức cẩn thận! Nếu dùng paracetamol liều cao hoặc kéo dài, nồng độ độc tính trong gan sẽ tăng lên đáng kể, cơ thể không kịp khử độc sẽ dẫn đến tổn thương nặng cho các tế bào gan.

Vì gan đóng vai trò quan trọng nên khi cơ quan này bị suy giảm chức năng, việc chuyển hóa thuốc cũng bị suy giảm. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nồng độ thuốc trong máu gây độc. Vì vậy, trong trường hợp người bệnh bị suy giảm chức năng gan, bác sĩ sẽ tránh dùng các thuốc chuyển hóa qua gan hoặc điều chỉnh liều thuốc dùng thấp hơn bình thường.

Chặng cuối hành trình - sự bài tiết thuốc

Các cơ quan chính liên quan đến việc đưa thuốc ra khỏi cơ thể là gan và thận. Gan sẽ chuyển hóa, tức phá vỡ thuốc thông qua một chuỗi các phản ứng hóa học và sinh học phức tạp, tạo thành các chất chuyển hóa. Những chất này được trữ trong gan cho đến khi sẵn sàng được chuyển đến thận.

Trong thận, chúng được xử lý kỹ hơn và được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua tiểu tiện. Đây chính là lúc anh em “nhà” thuốc chúng mình kết thúc cuộc hành trình đầy thú vị!

Nhiều thuốc còn được đưa ra khỏi cơ thể qua đường ruột (phân), da (mồ hôi), phổi (hơi thở), sữa (của người mẹ), tóc. Người ta đã phát hiện độc chất asen (thạch tín) trong tóc của Napoleon sau 150 năm để kết luận là ông bị đầu độc!

Hành trình thú vị của anh em “nhà” thuốc kết thúc rồi. Thuốc có tác dụng với cơ thể, nhưng bạn phải tuân thủ đúng những lưu ý kèm theo thì mới thực sự tốt nha!

Những thông tin này được phổ biến bởi dự án Công tắc khoa học. Đây là dự án được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.

Công tắc Khoa học sẽ giúp bạn tiếp cận những kiến thức khoa học với góc nhìn gần gũi, sinh động, hài hước, dễ hiểu.

Hành trình của thuốc trong cơ thể con người (phần 2)- Ảnh 3.
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: