Cuộc chiến không tiếng súng ở cầu Hiền Lương, sông Bến Hải

Thứ tư, 29/04/2020 14:38 (GMT+7)

“Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay! Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây…”, mỗi lần giai điệu hào hùng của ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" vang lên vào tháng 4, muôn triệu con tim Việt Nam chợt dạt dào niềm tự hào về chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Tuy nhiên, để có được những ngày hòa bình thế này, quân dân ta đã phải trải qua biết bao gian khổ khi đất nước bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc.

Sau Hiệp định Geneve (1954), cầu Hiền Lương cùng sông Bến Hải (xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) trở thành giới tuyến tạm thời thuộc khu phi quân sự ở vĩ tuyến 17, chia cắt 2 miền đất nước. Theo Hiệp định, Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (tên gọi Khu phi quân sự Việt Nam, Vietnamese Demilitarized Zone - V-DMZ) được lập ra dưới sự giám sát quốc tế, để sau cuộc tổng tuyển cử vào năm 1956, giới tuyến tạm thời sẽ bị xóa bỏ. Vậy mà, vào năm 1956, điều đó đã không xảy ra và miền Nam, miền Bắc vẫn bị chia cắt. Từ năm 1954-1967, cuộc chiến không tiếng súng ở khu DMZ diễn ra quyết liệt, căng thẳng với nhiều hình thức khác nhau.

Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương được chọn là khu phi quân sự vĩ tuyến 17. Ảnh Life

Cầu Hiền Lương được Pháp xây dựng năm 1952 với chiều dài 178 m, có 7 nhịp, trụ bằng bê tông cốt thép, thân cầu bằng thép, mặt cầu lát ván gỗ thông. Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 chính là nơi cả hai phía: ta và địch thể hiện trực tiếp bộ mặt của mình. Tại đây, liên tục diễn ra những cuộc “chọi cờ”.

Vào khoảng những tháng cuối 1954, các chiến sĩ của ta ở bờ Bắc vào rừng tìm một thân cây gỗ, dựng một cột cờ cao 12m ở sát đầu cầu Hiền Lương, rộng 24m2. Trong khi đó, ở bờ Nam, địch cắm lá cờ tam tài của Pháp và lá cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền Bảo Đại lên nóc lô cốt Xuân Hòa cao 15m. Khi ta tiếp tục nâng cột cờ lên cao 18m, lá cờ rộng 32m2 thì vào năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm xây cột cờ mới bằng thép cao 25m, lá cờ rộng 96m2. Ngày 19/7/1957, Khu Vĩnh Linh lắp ráp trụ cờ bằng thép ống cao 32m, cách cầu khoảng 50m về phía Bắc, lá cờ rộng 108m2.

Tiếp tục “cuộc đấu tranh”, năm 1962, ta xây dựng một trụ cờ mới bằng thép ống cao 38,6m. Đây là cột cờ cao nhất giới tuyến.

Trong chiến tranh, cột cờ bên bờ Bắc là một trong những mục tiêu phá hoại hàng đầu của địch và đã nhiều lần bị đánh sập. Tuy nhiên, lá cờ bị rách thì có những người mẹ, người chị ở làng Hiền Lương tình nguyện may vá lại để những ngày sau, lá cờ đỏ sao vàng của đất nước ta lại tung bay trong gió. Kiêu hãnh và đầy tự hào.

Anh chị, thầy cô phụ trách Đội cùng các bạn thiếu nhi TP.HCM tham quan cột cờ vĩ tuyến 17 trong Hành trình Em yêu tổ quốc Việt Nam năm 2019. (Ảnh: Nguyễn Tú)

Bạn biết không, theo thống kế, tính từ 19/5/1956 đến 8/10/1967, ta đã treo hết 267 lá cờ các cỡ. Trong đó, riêng năm 1967 có 11 lần thay cột cờ, 42 lần thay lá cờ vì bị bom và pháo của Mỹ-ngụy phá hỏng. Nhưng cột ờ này ngã xuống, ta lại làm cột cờ mới cao hơn. Lá cờ này rách, ta may vá lại hoặc thay mới bằng lá cờ khác.

Đến năm 2005, nhân dịp cả nước kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước, UBND tỉnh Quảng Trị đã tổ chức dựng lại cột cờ Hiền Lương nguyên mẫu tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành (bờ Bắc sông Bến Hải). Cột cờ hiện tại có chiều cao 38,6 m, chiều rộng lá cờ là 75,6 m (chiều rộng 10,5 m, chiều dài 7,2m).

Cụm loa phát thanh bên bờ Bắc trước 1975 và hiện nay. (Ảnh: Tư liệu và Nguyễn Tú)

Không chỉ “chạy đua” cờ, hai bờ Nam-Bắc còn thường xuyên diễn ra những cuộc chiến âm thanh căng thẳng. Các dàn loa công suất lớn được trang bị hai bên và phát thanh hàng ngày. Bên bờ Nam liên tục phát đi những thông tin ca ngợi chế độ Ngô Đình Diệm, đồng thời xuyên tạc, vu khống, nói xấu chế độ miền Bắc, chia rẽ tình cảm hai miền.

Thời gian đầu, hệ thống loa bên bờ Nam có vẻ nhiều hơn bờ Bắc. Nhưng sau đó, ta đã nâng cấp dàn loa mới với nhiều loa hơn. Trong đó còn có những loa đại đường kính lên đến 1,7m, âm thanh vang xa gần 10km.

Chẳng những thế, màu sơn của cầu Hiền Lương thường được 2 bên bờ thay đổi. Khi cầu xuống cấp, cảnh sát bên bờ Bắc chủ động kêu bờ Nam cùng sơn sửa lại. Tuy nhiên, khi phần cầu bên bờ Bắc được sơn màu nâu đỏ thì bờ Nam lại bảo đó là màu hiếu chiến. Để thể hiện sự thiện chí và mong muốn hợp nhất hai miền, quân dân ta ở bờ Bắc đã sơn sang màu xanh. Vậy mà bờ Nam lại không chịu hợp tác, cho rằng hai chế độ không thể sống chung nên bờ Nam sơn màu vàng (nền lá cờ của chế độ Ngô Đình Diệm). Cùng một cây cầu nhưng một bên là màu xanh, một bên lại màu vàng.

Trong chiến tranh, cầu Hiền Lương bị chia làm 2 bờ Nam-Bắc, ngăn cách Việt Nam thành đôi. Biết bao gia đình phải chịu cảnh xa lìa nhau. Còn khi đất nước hòa bình, thống nhất, người dân hai miền có thể tự do bước đi trên cầu và lòng tự hào về dân tộc bất khuất, kiên cường. Xin cảm ơn những người đã ngã xuống, đã hi sinh để đất nước có được những ngày trọn niềm vui như thế này đây!

NGUYỄN TÚ thực hiện

Ảnh: Nguyễn Tú - Giang 92, ảnh tư liệu

(Theo Mực Tím)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: