Càng khó khăn, càng phải sáng tạo

Thứ năm, 30/04/2020 15:50 (GMT+7)

Điều đó như trở thành mệnh lệnh, thôi thúc những bạn học trò, các cơ sở đoàn tìm kiếm những cách làm mới, hiệu quả trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Những sáng tạo của học trò

Hơn 80 chiếc máy phun sát khuẩn tự động đã được lắp đặt nhiều cơ quan, trường học tại quận 10. Theo chị Trần Thị Thanh Tâm, Phó Bí thư Quận đoàn 10, con số này sẽ tiếp tục tăng lên để phục vụ nhu cầu của các trường học, đơn vị trong thời gian tới. Điều đáng ngạc nhiên, đây lại là sản phẩm sáng tạo của các thành viên câu lạc bộ STEM trường THCS Cách Mạng Tháng Tám. Đó là các bạn Nguyễn Trương Mai Phương (lớp 9/5), Tăng Thanh Hà (lớp 9/4), Nguyễn Phương Thanh Nghi (lớp 9/4), Vũ Thị Ngọc Hân (lớp 9/3) và Nguyễn Ngọc Vũ Sang (lớp 9/4). Sau khi bàn bạc cùng nhau và được thầy chủ nhiệm CLB tư vấn, các bạn sáng tạo ra chiếc máy phun sát khuẩn tự động với chi phí chỉ khoảng 350.000 đồng.

Máy phun sát khuẩn tự động của học sinh trường THCS Cách Mạng Tháng Tám

Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các trường phải chuyển sang dạy học trực tuyến. Một số thầy cô gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hoặc sử dụng phần mềm. Thấy vậy, bạn Bùi Lê Chí Bảo (12A13 THPT Trần Phú) nảy ra ý tưởng làm ra phần mềm vừa đơn giản với thầy cô không rành công nghệ, vừa đầy đủ các tính năng những tính năng cơ bản để dạy học online. Nghĩ là làm, Chí Bảo cùng bạn bè thực hiện phần mềm Lecttr Call với khả năng thiết kế bài giảng online. Sau khi đăng kí tài khoản, thầy cô dễ dàng tạo và quản lí nhiều lớp học trên Lecttr Call.

Dù chỉ là những sáng tạo nhỏ nhưng tất cả sản phẩm của học trò đều rất thiết thực, góp phần chung tay phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Teen tiếp nối truyền thống “thành phố nghĩa tình”

Hưởng ứng lời kêu gọi đóng góp giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn ở miền Tây, tại TP.HCM đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm ấm áp tình người. Đó là những cây ATM gạo, những chiếc thùng “ai cần thì lấy, ai có góp thêm”, những suất cơm nghĩa tình, những chương trình phát tặng khẩu trang, nước rửa tay… Và nhiều bạn tuổi teen đã không đứng ngoài “dòng chảy” nghĩa tình đó. Cô bạn Trương Hồng Nghi (sinh năm 2001, Q.2), tận dụng những ngày nghỉ học trong mùa dịch của mình vẽ tranh chibi để quyên góp tiền phòng chống dịch. Bạn nhận vẽ icon hoặc chân dung chibi của mọi người với chi phí (20k/1 icon) và 100-200k/chibi. Tất cả tiền bán tranh được từ khách, Nghi nhắn tin ủng hộ vào quỹ phòng chống dịch Covid-19. Bạn bè của Nghi không chỉ hưởng ứng bằng cách đặt vẽ tranh mà còn gửi thêm tiền để cùng bạn chung tay làm việc đầy thiết thực này. Bạn Đoan Trinh và nhiều bạn sinh viên trường ĐH Kiến trúc cũng có cách gây quỹ tương tự như Nghi.

Phạm Thiệu Bảo

Cậu bạn mê sưu tập tranh Phạm Thiệu Bảo (học lớp 10 trường Kent, Mỹ) cũng có cách gây quỹ độc đáo không kém. Thiệu Bảo vận động ba mẹ ủng hộ hai bức tranh để tổ chức bán đấu giá. Biết được việc làm của bạn, các họa sĩ đã góp thêm tranh. Tổng số tiền bán tranh và ủng hộ được 55 triệu đồng, Bảo gửi tặng phòng chống dịch bệnh COVID-19. “Mình bất ngờ khi mọi người ủng hộ, quyên góp được một số tiền lớn như thế. Bên cạnh, việc đấu giá tranh ủng hộ chống dịch COVID-19, mình cũng muốn lan tỏa tình yêu nghệ thuật đến mọi người”, Bảo chia sẻ.

Bạn Lê Minh Đức và kết quả của chương trình Chia sẻ yêu thương

Còn cậu bạn Lê Minh Đức (lớp 8A9 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1) thì khởi xướng chương trình “Chia sẻ yêu thương". Điều đáng ghi nhận là cách quyên góp rất “bài bản” của Đức. Cậu bạn chắt lọc tin tức mình đọc được rồi viết thành bài kêu gọi bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh đăng trên trang cá nhân. “Mình viết lời mời gọi cả 2 thứ tiếng vì mong muốn không chỉ người Việt Nam đọc được mà cả người nước ngoài nữa”, Đức chia sẻ. Đức cảm thấy vui khi bài viết được bạn bè, gia đình, mọi người ủng hộ và còn share thông tin nữa. Trong đó có cả các cô chú, ông bà ở Singapore, Cộng hòa Séc. Và càng vui hơn khi số tiền quyên góp được đã vượt xa dự kiến ban đầu của bạn. Sau gần 10 ngày phát động (từ ngày 8 đến 15/4/2020), cậu bạn quyên góp được hơn 33,7 triệu đồng cùng 130 thùng mì, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP.HCM, chuyển đến người dân ở vùng hạn mặn ở các tỉnh miền Tây.

TRÀ NGUYỄN

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: