Cô học trò mong ‘lớn thật nhanh’ để làm trụ cột gia đình

Thứ ba, 12/12/2023 12:54 (GMT+7)

“Khó khăn giúp mình trưởng thành trước tuổi”, đó là “bí quyết” vượt khó, học tốt của bạn Tô Thị Thảo, một trong những gương mặt vừa nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam năm 2023 của Mực Tím.

Từ bé, bạn Tô Thị Thảo (Trường THPT Trần Bình Trọng, Phú Yên) đã chứng kiến cảnh ông bà ngoại chạy lũ trong đêm. Chính ký ức không mấy vui vẻ đó đã thúc giục cô bạn phải "lớn thật nhanh, trưởng thành thật nhanh" để làm trụ cột gia đình.

Mỗi năm chạy lũ một lần

Ba Thảo bỏ đi từ lúc cô bạn mới 6 tháng tuổi, đến nay vẫn bặt vô âm tín. Hai mẹ con được ông bà ngoại cưu mang từ đó. 

Hồi còn khỏe, ông ngoại đi làm thợ xây, có khi một năm về nhà đúng ba lần. Bà ngoại ở nhà chăm mảnh vườn nhỏ, tờ mờ sáng đã đạp xe ra chợ xã ngồi bán rau, trái cây.

Cô học trò mong ‘lớn thật nhanh’ để làm trụ cột gia đình- Ảnh 1.

Thảo gọi đây là “cây cam kiên cường”, trải qua bao nhiêu mùa lũ mà vẫn sống tốt - Ảnh: NGUYỄN LÊ KHẢI

Thảo đến tuổi đi học thì sức khỏe ông bà cũng yếu dần, kinh tế gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào mảnh vườn sau nhà. Lúc này, mẹ Thảo bắt đầu đi làm xa, thỉnh thoảng mới về.

Với nhiều gia đình, cái nghèo thật đáng sợ, nhưng gia đình Thảo còn một nỗi sợ lớn hơn - lũ sông Ba. Ngôi nhà nhỏ nằm sát bờ sông Ba (đoạn hạ nguồn), mỗi năm vào mùa mưa lớn hoặc ngay đợt xả lũ, nước dâng lên rất nhanh. Chớp mắt, căn nhà nhỏ chìm trong nước, mảnh vườn sau nhà cũng tan hoang.

Cách đây hai năm, căn nhà đổ sập khi lũ vừa rút. May sao gia đình Thảo được nhà nước hỗ trợ xây lại nhà. Để tiết kiệm tiền công thợ, ông bà quyết định tự xây, mặc tuổi cao sức yếu.

Vì năm nào lũ cũng lên nên ông bà không dám sắm thêm đồ đạc gì. Hôm phóng viên Mực Tím ghé thăm, nhà chỉ có đúng bốn cái ghế nhựa, Thảo phải chạy sang hàng xóm mượn thêm ghế.

Ông ngoại kể: “Hồi đó sắm được chục cái ghế, lũ trôi mất sáu cái. Nói chung khi lũ lên thì lo giữ mạng trước, đồ đạc gì cũng đành mặc kệ”.

Bà kể thêm: “Mỗi lần lũ lên, bà dặn ông lo ôm cái tủ lạnh mini, còn bà ôm cái tivi. Hai món này cũ lắm rồi, nhưng tính ra cũng là đồ có giá trị trong nhà, không nỡ bỏ”.

Cô học trò mong ‘lớn thật nhanh’ để làm trụ cột gia đình- Ảnh 2.

Cuối tuần về nhà, Thảo tranh thủ phụ ông bà chăm vườn - Ảnh: NGUYỄN LÊ KHẢI

Đi làm thêm không chỉ để kiếm tiền

Nhà Thảo cách trường rất xa, cô bạn lại không có xe nên phải quá giang bạn bè. Được một thời gian, Thảo cùng ba người bạn thân thuê trọ gần trường, mỗi tháng đóng khoảng một triệu đồng (chia làm bốn). Vì có hoàn cảnh giống nhau, lại chơi chung từ bé nên cả nhóm dễ dàng thấu hiểu, thông cảm cho nhau.

Có tuần, Thảo chỉ có vỏn vẹn 100.000 đồng trong người. Cô bạn không dám phung phí, chỉ ăn mì tôm cho qua bữa. “Tụi mình chủ yếu ăn mì tôm, lâu lâu cùng nhau nấu cơm. Cuối tuần bốn đứa về nhà đem đồ lên, ai có gì đem nấy. Ba bạn đem thịt cá, mình chủ yếu đem rau” - Thảo bộc bạch.

Nghe cháu kể, bà ngoại cảm thán: “Hình như chưa lần nào Thảo góp thịt, chỉ toàn hái rau mang lên, có khi phải qua nhà dì xin thêm vài loại rau cho đỡ ngán. Mấy bạn hoàn cảnh khá hơn chút, nhưng rất thông cảm, yêu thương con bé”.

Thảo làm thêm từ hồi mới lên cấp ba. Nghỉ hè, cô bạn đi phục vụ đám cưới được 17.000 đồng/giờ, làm ca sáng từ 9h30 - 15h, rồi có khi đi làm quán nhậu tới 11h đêm. 

Vào năm học, Thảo tranh thủ làm mẫu make-up, kiếm được 10.000 - 12.000 đồng/ giờ. Cô bạn tham gia các group tuyển mẫu trên Facebook, thấy ai đăng bài là vào đăng ký liền.

Tất cả các việc trên đều phải chạy xuống Tuy Hòa làm và Thảo phải quá giang bạn bè. Có khi về tới nhà đã 12h đêm, nhưng nhờ đi chung với bạn nên Thảo cũng đỡ sợ. “Cháu đi làm xa ông cũng lo lắm, vì thấy nhiều người chạy xe ẩu quá!” - ông ngoại chia sẻ.

Cô học trò mong ‘lớn thật nhanh’ để làm trụ cột gia đình- Ảnh 3.

Với ông bà, Thảo là bảo bối, là niềm tự hào của cả cuộc đời - Ảnh: NGUYỄN LÊ KHẢI

Sống xa nhà, bắt đầu làm thêm ở độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng Thảo lạc quan lắm: “Chính khó khăn đã giúp mình trưởng thành trước tuổi. Ngoài tiền, làm thêm mang lại cho mình nhiều bài học, quan trọng nhất là thái độ làm việc.

Mình luôn luôn tập trung, khách vẫy tay là thấy, nhờ vậy họ cũng ít khi khó chịu. Ở trọ cho mình kinh nghiệm sống tập thể. Chúng ta phải luôn chủ động, tự giác, về trước mà thấy nhà bẩn thì quét, rồi nấu cơm cho các bạn luôn”.

Thảo ước mơ trở thành giáo viên dạy Văn. Thấy cháu học hành chăm chỉ, lại biết nghĩ, ông bà rất hãnh diện. “Nghèo cũng nghèo rồi, phải lo cho cháu học tới nơi tới chốn. Thôi ráng nghe con, kẹt quá thì về nhà xúc gạo, nhổ rau mang đi, rồi cũng qua thôi!” - ông ngoại nhắn nhủ cháu gái thương yêu.

Tô Thị Thảo là 1 trong 40 học trò Phú Yên nhận Học bổng Vì tương lai Việt Nam 2023 vào ngày 12-11 vừa qua. Sắp tới, vào ngày 16-12, Mực Tím sẽ trao 80 suất học bổng cho học trò hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, mỗi suất trị giá 3 triệu đồng với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: