avatar ĐẶNG HỒNG THẮM

Chủ nhật, 10/09/2023 15:30 (GMT+7)

Gen Z chúng mình cùng hãy cùng nghía qua một vài “bí kíp” dành cho tân sinh viên nhé!

Làm sao để săn được học bổng?

Đây là mối quan tâm hàng đầu của nhiều sinh viên. "Chiến thần săn học bổng" Nguyễn Quang Đức - thủ khoa đầu ra khoa Công nghệ Thông tin - Truyền thông (Trường cao đẳng Công nghiệp Huế) - sẽ bật mí câu trả lời.

Thứ nhất, trước khi nghĩ đến việc săn học bổng, các bạn phải chuẩn bị hai điều cơ bản: kết quả học tập tốt và tích cực tham gia hoạt động Đoàn, phong trào thanh niên. Chuẩn bị tốt điều này có khi các bạn chưa kịp săn thì học bổng đã... tự động tìm tới.

Bỏ túi “bí kíp” dành cho tân sinh viên - Ảnh 1.

Nguyễn Quang Đức (phải) nhận học bổng "Thắp sáng tương lai" (LUYF) của Deloitte Việt Nam - Ảnh: NVCC

Thứ hai, chúng mình nên dành thời gian tìm tòi, nghiên cứu các học bổng để hiểu rõ tiêu chí, nắm bắt cơ hội. Nhớ tham gia các group săn học bổng, fanpage các học bổng mục tiêu nhé!

Hãy cho mọi người thấy được giá trị của bạn ở hiện tại và tương lai. Hãy chứng minh mình xứng đáng với những suất học bổng đó.
Nguyễn Quang Đức

Thứ ba, gen Z nên tích cực tham gia các hoạt động nâng cao kỹ năng mềm, đơn giản nhất là gia nhập các câu lạc bộ đội nhóm.

Việc này sẽ giúp các bạn tự tin hơn, linh hoạt hơn trong cách giao tiếp, tăng tỷ lệ thành công trong các buổi phỏng vấn xin học bổng và xin việc.

Thứ tư, điều quan trọng nhất mà các quỹ học bổng gửi đến chúng ta là niềm tin và sự kỳ vọng. Hãy đặt mục tiêu dài hạn cho bản thân, nỗ lực nâng cao thành tích học tập, bạn sẽ có cơ hội nhận thêm nhiều suất học bổng khác.

Nguyễn Quang Đức được gọi là "chiến thần săn học bổng". Anh chàng cựu sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Huế từng nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ; học bổng "Hiếu học Huế"; học bổng GIZ của Cộng hòa Liên bang Đức; Học bổng của Trung tâm tiếng Anh ACE (TP.HCM), học bổng của Cộng đồng Thiện chí - Vietnamese Goodwill Scholarship Program (VGSP); học bổng "Thắp sáng tương lai" (LUYF) của Deloitte Việt Nam. Bên cạnh đó, Đức còn nhận 5 kỳ học bổng khuyến khích học tập liên tục của trường.

Có nên tham gia các hoạt động ngoại khoá?

Từ những năm cấp 3, Nguyễn Đỗ Khải - thành viên CLB Phóng viên trẻ, sinh viên khoa Báo chí - Truyền thông (Trường đại học Khoa học Xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) - đã ấp ủ ý định tham gia các hoạt động ngoại khóa ở trường đại học.

Sau khoảng thời gian "dấn thân", cậu bạn đã học được rất nhiều kỹ năng bổ trợ cho nghề nghiệp trong tương lai, đồng thời phát triển và hoàn thiện bản thân theo hướng tốt hơn, điển hình là biết sắp xếp và quản lý thời gian.

Bỏ túi “bí kíp” dành cho tân sinh viên - Ảnh 3.

Nguyễn Đỗ Khải trong màu áo chiến sĩ Xuân tình nguyện - Ảnh: NVCC

Theo Khải, nếu có thể, gen Z nên tham gia các hoạt động ngoại khoá, hoạt động thiện nguyện trong thời gian học đại học. Nhưng có một điều các bạn cần lưu ý là cần cân nhắc số lượng, thời gian hoạt động/đội nhóm tham gia.

Nếu quá sa đà, các bạn không thể sắp xếp được thời gian học, thời gian dành cho gia đình và các mối quan hệ xung quanh, sự đóng góp cho CLB/tổ chức cũng mang tính nửa vời. Chất lượng quan trọng hơn số lượng nhé!

Có nên đi làm thêm?

Có khá nhiều luồng ý kiến xoay quanh câu hỏi này. Theo bạn Nguyễn Trần Liên Hoa (sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM), bất kỳ việc gì cũng có mặt tích cực và tiêu cực.

Khi có công việc làm thêm trong quãng thời gian sinh viên, chúng ta sẽ có cơ hội tiếp xúc, trải nghiệm nhiều hơn, trở nên mạnh dạn và linh hoạt hơn rất nhiều.

Hơn thế nữa, công việc làm thêm giúp các bạn giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, có thể tự mua những thứ cần thiết mà không quá phụ thuộc vào tiền của ba mẹ.

Tuy nhiên, nếu không biết cân bằng, sắp xếp quỹ thời gian hợp lý, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh, nhất là về mặt điểm số. Hãy nhớ rằng trong quãng thời gian này, học vẫn là việc chính, việc cần được ưu tiên số một.

Bỏ túi “bí kíp” dành cho tân sinh viên - Ảnh 4.

Liên Hoa luôn ưu tiên những công việc có liên quan trực tiếp đến ngành học hoặc những công việc giúp nâng cao kỹ năng mềm - Ảnh: NVCC

Làm thế nào để chinh phục lượng kiến thức khủng?

Bạn Phạm Thị Thanh Tuyền (sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM) bật mí: các bạn nên đọc tài liệu trước khi đến lớp và ghi chú cách hiểu của mình. Khi đến lớp, hãy nghe giảng, chép bài theo cách diễn giải của giảng viên.

Trở về nhà, chúng mình sẽ đối chiếu cái bản thân hiểu (tự học) với cái được giảng rồi chỉnh sửa thành một file bài học hoàn chỉnh.

Gần thi, các bạn ôn tập bằng cách ghép các file đó lại rồi rút ra các ý quan trọng, cho thêm ví dụ thực tiễn. Tóm lại quy trình học sẽ là tự tìm hiểu ---> nghe giảng ---> đối chiếu ---> diễn giải lại và cho ví dụ theo cách hiểu của bản thân.

Bỏ túi “bí kíp” dành cho tân sinh viên - Ảnh 5.

Kết thúc 4 năm đại học, Tuyền vinh dự nằm trong nhóm sinh viên có thành tích xuất sắc của Trường đại học Sư phạm TP.HCM. Ảnh: NVCC

Những lưu ý nho nhỏ dành cho tân sinh viên ở TP.HCM

- Các bạn có thể đăng ký ở ký túc xá của trường để tiết kiệm chi phí và tiện việc di chuyển. Hiện nay đa phần ký túc xá được xây dựng khang trang, tiện nghi, đảm bảo an toàn cho teen chúng mình.

- Các bạn nên tải ứng dụng Busmap để dò lộ trình của các chuyến xe, tránh bắt nhầm. Khi lên xe bus nhớ giữ gìn tư trang cẩn thận, tránh bị móc túi nha.

- Cuối tuần, nếu muốn vi vu mua sắm, teen có thể ghé chợ đêm làng Đại học (TP.Thủ Đức), những cung đường "thần thánh" như Nguyễn Trãi (quận 5); Lê Quang Định, Quang Trung (quận Gò Vấp); Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh); Lê Văn Sỹ, Trần Huy Liệu, Võ Thị Sáu, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu (quận 3)…

Chợ cuối tuần Hello Weekend Market (tổ chức tại Sân vận động Hoa Lư, quận 1) hay Trung tâm thương mại Now Zone (đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5) cũng khá thú vị đấy.

- Những địa điểm teen nên trải nghiệm: Nhà Văn hóa Sinh viên (tọa lạc trong khuôn viên Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM), Bưu điện Sài Gòn (quận 1), Đường sách TP.HCM (quận 1), phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1), Hồ Con Rùa (quận 3)...


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: