Bất ngờ về các mầm bệnh trú ngụ trên cơ thể động vật

avatar TS. NGUYỄN BÁ TIẾP

Thứ bảy, 23/03/2024 17:24 (GMT+7)

Mặc dù mầm bệnh gây ra nhiều đại dịch, làm chết từ người đến động vật khác nhưng sự thật không mầm bệnh nào muốn giết chết vật chủ!

Mầm bệnh ẩu náu trong cơ thể vật chủ - Minh họa: FREEPIK

Mầm bệnh ẩu náu trong cơ thể vật chủ - Minh họa: FREEPIK

Động vật mang mầm bệnh được gọi là vật chủ dự trữ hay “ổ chứa”, chính là “nơi ở” của chúng. Mục đích của mầm bệnh là truyền được vật chất di truyền cho thế hệ sau, hiểu nôm na là chúng chỉ muốn ăn nhờ ở đậu rồi sinh con đẻ cái.

Để đạt được mục đích ấy, mầm bệnh thường không gây bệnh nặng và không gây chết vật chủ mà chỉ âm thầm ẩn náu trong cơ thể vật chủ mà thôi.

Tuy vậy, không phải mầm bệnh nào cũng “hòa hợp” với vật chủ. Quá trình sống chung rất có thể xảy ra “mâu thuẫn”, và vật chủ sẽ chết vì sự quá quắt của mầm bệnh. Dĩ nhiên mầm bệnh cũng gánh chịu hậu quả ngược lại.

Điển hình, những chủng virus gây chết vật chủ có thể được xem như những kẻ tự làm mất đi nơi cư ngụ của mình. Chúng sẽ biến mất và nhường chỗ cho những chủng virus hiền hòa hơn. Ngoài ra, virus có thể nhiễm sang một động vật khác hay còn gọi là vật chủ trung gian rồi từ đó nhiễm sang người. Có hai trường hợp xảy ra:

- Thứ nhất, virus gây bệnh và làm chết vật chủ trung gian. Trường hợp này virus thường gây ra các đợt bùng phát dịch lẻ tẻ trên người vì nó đã tự phá “cầu nối” mất rồi.

- Thứ hai, virus sinh sôi nảy nở trong vật chủ trung gian, nhưng không gây bệnh nặng; rồi để vật chủ trung gian truyền sang vật chủ mới là con người.

Trong tương lai, các nhà khoa học dự báo vẫn có khả năng xảy ra những trận đại dịch thảm khốc với con người, do các mầm bệnh truyền từ động vật sang.

Vì thế, bạn hãy thường xuyên tập luyện thể thao, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng cường đề kháng, nâng cao sức khỏe, sẵn sàng chiến đấu với bất kỳ mầm bệnh nào xâm nhập. Cũng đừng quên rửa tay sạch sẽ sau khi chơi đùa với thú cưng hoặc tiếp xúc với động vật nhé!

Dự án Công tắc Khoa học được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: