Bí quyết tạo động lực tập luyện thể thao dành cho teen ngại vận động

Thứ năm, 14/03/2024 10:21 (GMT+7)

Thể dục thể thao mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng nhiều teen ngán ngại tập. Làm thế nào để tạo động lực tập luyện thể thao?

Nhiều bạn gặp khó khăn khi theo đuổi môn thể thao nào đó. Phần lớn nguyên do đến từ việc thiếu động lực tập luyện thể thao.

101 lý do teen ngại chơi thể thao

Quá bận rộn là một trong những nguyên nhân phổ biến. Cậu bạn Nguyễn Trần Tiến Anh (Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh) thở dài: “Mình không có thời gian để quan tâm đến thể thao, nhất là vào thời điểm có các kỳ thi quan trọng. Mỗi ngày mình quay cuồng học ở trường, học thêm, học nhóm... Nhiều lúc, mình chỉ mong được ngủ một giấc cho thoải mái thôi”.

Còn bạn Phạm Minh Đạt (Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn) lại không đủ ý chí duy trì việc luyện tập mỗi ngày. Đạt không thể dậy sớm để tập thể dục, chạy bộ dù đã đặt báo thức. Có những hôm bạn rủ bạn bè cùng chạy bộ nhưng chưa được 10 phút đã ngồi nghỉ, ăn uống.

Đừng

Teen THPT Trưng Vương (quận 1) đá bóng sau giờ học -Ảnh: NGUYÊN THẢO

Nhiều bạn rất "sung" những ngày đầu, thậm chí đăng ký cả gói tập gym. Thế nhưng tập được vài ngày, các bạn lại cảm thấy lười, không có động lực nữa.

Bạn Trần Nguyễn Ngọc Mỹ (Trường THPT Thủ Thiêm, TP Thủ Đức) thà nhịn ăn để giảm cân chứ không tập thể dục. Bạn cho biết tập ngoài trời thì sợ đen da. Còn đóng tiền tập yoga, gym thì bạn cảm thấy tiếc tiền.

Ngoài ra, việc tập thể dục không mang lại kết quả nhanh khiến nhiều teen nản. Sau mỗi buổi tập các bạn thường về soi gương, cân xem bản thân đã giảm được bao nhiêu, ốm hay chưa... Tuy nhiên khi thấy “bé mỡ” vẫn nằm đó, nhiều teen đã chán chường, thất vọng.

Tập thể thao cần động lực cao

Chúng mình nên đặt ra những mục tiêu nhỏ, vừa phải, đồng thời có tự thưởng cho bản thân. Như cậu bạn Nguyễn Việt Anh (Trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh) tự đề ra mục tiêu tối nào cũng chạy bộ 10 phút. Nếu làm được bạn sẽ mua một món đồ bản thân thích, không làm được phải giải 30 đề Toán. Kết quả, dù phải... è cổ giải 30 đề Toán do không chạy được mỗi ngày, nhưng đó cũng là động lực khiến bạn cố gắng hơn.

Nếu ngại tập một mình, teen có thể tham gia các hội nhóm thể dục yêu thích. Nhờ tham gia các group đạp xe, cô bạn Nguyễn Trần Ái Vy (18 tuổi, quận 3) đã duy trì thói quen đạp xe đạp mỗi buổi sáng cuối tuần.

Vy tâm sự: “Khi tham gia group, mình gặp được rất nhiều bạn bè đồng trang lứa. Mỗi cuối tuần cả nhóm rủ nhau đến một địa điểm trong Sài Gòn để ăn sáng, uống cà phê. Một mình thì dễ nản, nhưng khi tham gia chung một nhóm tụi mình lại có thêm nhiều động lực hơn”.

Tìm bạn bè tập cùng để tạo động lực tập luyện thể thao -Ảnh: CLB BÓNG RỔ TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO

Tìm bạn bè tập cùng để tạo động lực tập luyện thể thao -Ảnh: CLB BÓNG RỔ TRƯỜNG THPT TRẦN HƯNG ĐẠO

Ngoài ra, kỷ luật cũng là một điều quan trọng. Bạn Ngọc Hiếu (cựu học sinh Trường THPT Thủ Đức, TP Thủ Đức) cho biết, dù lịch học bận rộn nhưng bạn đều thu xếp 30 phút chạy bộ mỗi tối.

Hôm nào không có thời gian ra đường, bạn tập plank, squat 10 phút tại nhà. Hiếu làm riêng lịch tập và hẹn giờ để không quên. Nhờ vậy mà suốt những năm cấp ba, Hiếu luôn giữ được body săn chắc, khỏe mạnh.

Bí quyết tập thể thao để có body xịn như nữ sinh Marie Curie

Bạn Nguyễn Trần Khánh Linh (lớp 11D07, Trường THPT Marie Curie, quận 3) cho biết bạn có tạng người to, khả năng hấp thụ tốt thức ăn nên rất dễ lên cân, tích nước. Cô bạn từng bị body shaming vì tăng cân đến mức rạn da. Vì vậy Khánh Linh quyết định tập pilates ở phòng tập kết hợp với chế độ ăn uống hàng ngày.

Đừng

Bạn Nguyễn Trần Khánh Linh hiện tại- Ảnh: NVCC

Lần đầu tập pilates, do chưa quen nên Khánh Linh thấy rất đuối, cơ thể nhức mỏi. Ngoài ra bạn còn bị căng cơ, đặc biệt là ở eo và chân.

Thế nhưng nhờ kiên trì trong thời gian dài, Linh thấy nhịp thở đều hơn, không còn nhức mỏi nữa. Đồng thời bạn cũng cải thiện cân nặng đáng kể.

“Mình ngồi học lâu nên có xu hướng bị gù lưng và đau mỏi xương cụt. Mỗi lần tập xong mình thấy lưng thẳng hơn, tự tin hơn và không còn mỏi mệt nữa”.

Đừng

Khánh Linh thành thục động tác pilates cực khó - Ảnh: NVCC

Ngoài ra Khánh Linh còn có nửa kia cùng đồng hành với bạn. Khánh Linh tập pilates, còn bạn ấy tập gym. “Mình và bạn ấy nghĩ rằng phải có sức khỏe thì mới làm được nhiều việc có ích. Thời gian của hai đứa không đồng nhất nhưng cả hai cũng cố sắp xếp tập chung mỗi tuần một lần để hỗ trợ cho nhau”.

Tập cùng đồng đội - động lực tập luyện thể thao

Việc tìm đồng đội để cùng nhau tập thể dục sẽ rất tuyệt vời. Như bạn Lê Ngọc Bảo Châu (Trường THPT Phước Thiền, Đồng Nai) hay chơi cầu lông cùng “nửa kia”. Ngày nào hai bạn cũng ra công viên gần nhà để tập tung cầu, giao cầu... Sau một tháng, cả hai đều chơi được ở mức khá, đạt điểm cao môn thể dục trong lớp.

Đừng

Thế Quang với niềm say mê bóng rổ - Ảnh: NVCC

Bạn M.T (lớp 11, một trường THPT ở quận 5) bị bệnh tiểu đường nên bác sĩ yêu cầu phải vận động mỗi ngày. Cô bạn tỉ tê với “nửa kia”, thế là bạn ấy đưa bảng kế hoạch chạy bộ hàng ngày, còn tạo một check list để điểm danh M.T.

“Trong một tháng, tụi mình chạy ở công viên gần nhà kết hợp ăn uống đúng cách. Nhờ đó lượng đường của mình đã giảm xuống, cơ thể không còn nặng nề nữa”.

Còn bạn Phạm Thế Quang (lớp 12 Anh 1, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh, Đồng Nai) từ năm lớp 8 đã được rủ rê sang trường cấp 3 hiện tại chơi bóng rổ. Bạn cho biết lúc đầu không hứng thú với môn này, các bạn rủ mãi mới chịu đi. Sau khi thử chơi vài trận, bạn mê bóng rổ luôn.

Thế Quang chia sẻ rằng trong thời gian chơi bóng rổ đã làm quen với nhiều anh chị học sinh, cựu học sinh của trường. Thế là cuối năm lớp 9, khi điền đơn đăng ký nguyện vọng vào lớp 10, Quang đã không ngần ngại để tên ngôi trường này vào nguyện vọng 1. 

Cuối cùng cậu bạn đã đỗ vào trường như mong ước và được chơi bóng rổ với các anh chị trong câu lạc bộ LTV Basketball Team. Xuyên suốt hành trình thực hiện ước mơ ấy, bóng rổ vừa là động lực vừa là mục tiêu của bạn.

Để đồng hành cùng nhau trong khi mỗi người đều có mục tiêu, sở thích riêng khi chơi thể thao, chúng mình nên ngồi lại một buổi, xác định những điểm chung. Ví dụ các bạn đều thích leo núi, đạp xe thì hãy hẹn nhau cùng đi.

Đồng thời chúng mình cũng nên làm thời khóa biểu tập thể dục và kiểm tra chéo để động viên nhau đi tập. Cũng không nên chê bai nếu bạn mình chưa tiến bộ. Mỗi người có một thế mạnh, thể chất và năng lực luyện tập khác nhau. Thay vì “dìm” bạn, chúng mình hãy cổ vũ, khuyến khích với những câu nói tích cực.

Để không lao đao khi chơi thể thao

Thầy Nguyễn Văn Hào (giáo viên thể dục Trường THPT Marie Curie, quận 3) cho biết, ở độ tuổi học sinh, tập thể thao không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, tăng cường sự tập trung, giảm căng thẳng mà còn cải thiện hiệu suất học tập.

Riêng tại Trường THPT Marie Curie, bên cạnh môn giáo dục thể chất theo chương trình, thầy cô luôn hướng dẫn và khuyến khích học sinh tự chọn một môn thể thao yêu thích để luyện tập mỗi ngày.

Đừng

Thầy Nguyễn Văn Hào -Ảnh: NVCC

Cần lưu ý khi tự luyện tập thể thao:

* Hãy chắc chắn mình hiểu rõ kỹ thuật đúng của từng động tác. Học cách thực hiện đúng sẽ giúp chúng ta giảm những chấn thương không đáng có.

* Đồ bảo hộ, đồ chuyên dụng cho từng môn thể thao luôn cần thiết. Mũ bảo hiểm, bó gối hoặc găng tay có thể giúp giảm rủi ro chấn thương ở đầu, tay và chân khi chúng ta chơi thể thao.

* Trước khi bắt đầu hoạt động thể thao nào, các bạn đừng quên thực hiện bài khởi động. Điều này giúp cơ bắp của chúng ta sẵn sàng hoạt động, giảm nguy cơ chấn thương. Và bạn cũng đừng quên nghỉ ngơi đúng cách để cơ thể phục hồi sau mỗi buổi tập nhé!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: