Xuyên Việt tìm chất liệu sáng tác, cô bạn gen Z khiến cộng đồng mạng bùng nổ like và lời khen

Thứ hai, 04/12/2023 19:00 (GMT+7)

Trên Facebook của mình, Hờ Phương giới thiệu ngắn gọn: “Hiện tại mình đang xuyên Việt. Mỗi nơi ở vài tháng, để học hỏi và thử nghiệm các chất liệu sáng tác".

Bài đăng của Hờ Phương trên nhóm Facebook "VẼ MINH HOẠ - Illustration" - dành cho những người yêu hội hoạ - nhận được hơn 1,1K lượt tương tác cùng nhiều lời khen.‏

Bài đăng nói về quá trình cô bạn hoàn thành kỹ thuật vẽ sáp ong và nhuộm màu chàm cho một chiếc khăn quàng cổ dài 2 mét.

Phương cho biết đây là đợt thử nghiệm đầu tiên của bạn trong chuyến đi xuyên Việt tìm chất liệu sáng tác. ‏

photo-1701516212891

Một trong những bài đăng nhận hơn 1K lượt tương tác của Phương trong nhóm "VẼ MINH HOẠ - Illustration" chia sẻ về trải nghiệm vẽ sáp ong, nhuộm chàm ở Sapa - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Cũng trong hội nhóm này, Hờ Phương đã nhiều lần chia sẻ quá trình học hỏi, cũng như những thành phẩm khác của mình trong lúc học kỹ thuật vẽ sáp ong, nhuộm chàm ở bản Tả Van (thị xã Sapa, tỉnh Lào Cai). Đa số các bài đăng đều nhận lại lượt tương tác lớn, từ 500 đến trên 1K người thả tim, like.‏

Quá trình nghiêm túc chuẩn bị cho chuyến đi xuyên Việt

Phương - Hờ Phương, hay còn gọi là Hapu, 23 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế mỹ thuật hoạt hình Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.‏

Chuyến đi xuyên Việt không phải là một quyết định ngẫu hứng. Hờ Phương đã nhen nhóm ý định lần đầu tiên từ 6 năm trước, khi còn đang học lớp 11.

Phương cũng tính nhẩm chi phí, suy nghĩ kĩ về định hướng, mong muốn của bản thân một cách nghiêm túc. Vừa lên đại học, cô bạn đã đi làm thêm rất sớm, kết hợp chi tiêu trong mức tối thiểu để tiết kiệm đủ chi phí cho chuyến đi.‏

photo-1701516214190

Hờ Phương - nhân vật chính của chuyến đi xuyên Việt siêu ngầu - Ảnh: NVCC

Phương di chuyển chủ yếu bằng xe máy. ‏‏Hành lý của ‏‏cô bạn ‏‏khá đơn giản, chủ yếu là "đồ nghề", gồm các dụng cụ vẽ và tài liệu tham khảo. Trang phục và đồ dùng cá nhân chỉ gói gọn trong một chiếc balo leo núi cỡ trung.

Cô nàng dí dỏm cho biết, quá trình chuẩn bị hành lý rất dễ dàng, chỉ khó ở khâu chuẩn bị… tâm lý cho người nhà. Bạn phải mất một khoảng thời gian khá dài để nói chuyện với bố mẹ và chị gái về chuyến đi.

‏Để tìm được nguyên liệu sáng tác như ý, Hờ Phương lựa chọn hình thức đi dài hạn, dự trù kéo dài khoảng 2 – 3 năm. Mỗi điểm đến, bạn dừng chân từ một đến vài tháng, kết hợp tham gia các khoá học. Điều này đòi hỏi Phương phải gác lại mọi công việc dang dở ở Hà Nội.

photo-1701516214788

Những bức ảnh tuyệt đẹp đươc cô bạn chụp trong quá trình rong ruổi khắp Đông, Tây Bắc - Ảnh: NVCC

Trước khi đến Sapa, Phương đã "dạo một vòng" qua nhiều địa danh phía Đông và Tây Bắc như: Cao Bằng, Xuân Trường (Cao Bằng), Hà Giang, Tà Xùa (huyện Bắc Yên, Sơn La)… Nhưng đến khi chọn Sapa làm nơi dừng chân và chia sẻ về kỹ thuật vẽ sáp ong, nhuộm chàm trên mạng xã hội, cô nàng mới nhận được sự quan tâm "bùng nổ".‏

Những trải nghiệm tuyệt vời trong hành trình tuổi trẻ

‏Hờ Phương cho biết bản thân cảm thấy khá may mắn khi ngay từ "buổi bình minh" của cuộc hành trình, ở bản Tả Van, cô bạn đã tìm thấy điều mình cần. Lần đầu tiên thử nghiệm kỹ thuật vẽ sáp ong và nhuộm chàm trên vải của người Mông, bạn đã phải thốt lên trong đầu: "‏Wow! Nó đây rồi!"

Tiếp xúc với hội hoạ khá sớm, từ tiểu học, Phương đã được học vẽ bài bản, và xác định được đam mê từ khi mới cấp hai. Trong quá trình trưởng thành, cô bạn cũng kinh qua đủ loại công việc liên quan đến nghề vẽ như: dạy vẽ, làm phim hoạt hình, thiết kế game… Nhưng phải tới khi đến Sapa, bạn mới thật sự tìm thấy chất liệu sáng tác phù hợp – "‏Đó là cảm giác rõ ràng nhất từ khi mình bắt đầu tiếp cận với mỹ thuật đến tận bây giờ", Phương hào hứng kể.‏

‏Hiện tại, hoa văn thổ cẩm là chủ đề sáng tác chính của Phương trên các sản phẩm vải nhuộm. Đây cũng là thú vui yêu thích của cô bạn từ trước. Phương vốn có niềm đam mê mãnh liệt với những món đồ có hoa văn thổ cẩm (đồ pattern), nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ biến nó thành chất liệu sáng tác chính. Thời điểm học vẽ sáp ong, gặp những hoa văn tương tự trên sản phẩm của người Mông, cô bạn mới phát hiện bản thân hoàn toàn có thể tìm thấy ý tưởng từ những điều vốn rất gần gũi với mình.‏

photo-1701516215369

Cô bạn gen Z cùng với các thành phẩm khăn vẽ sáp ong, nhuộm chàm của mình - Ảnh: NVCC

‏Trong bài đăng trên group "VẼ MINH HOẠ" lẫn trang cá nhân, có rất nhiều người dành lời khen cho cô bạn: "‏Rất đẹp ạ! Nếu được, em rất muốn mua làm quà tặng bạn‏", "‏Nể thật sự, làm thủ công cực lắm‏", "‏Bạn là một trong số ít các bạn trẻ theo mảng này ngoài các nghệ nhân mình đã gặp. Mình rất cảm phục điều đó, chúc bạn gặt hái nhiều thành công‏"…‏

‏Không chỉ có tài năng hội hoạ, cô bạn Hà Nội còn "ghi dấu" trong lòng người dân địa phương bởi những điều dễ thương khác. Trang Facebook của cô nàng chia sẻ rất nhiều hình ảnh liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Lúc rãnh rỗi, Phương hay đi loanh quanh bản vẽ biển hiệu "dạo" cho mọi người, dạy các em bé trong bản vẽ tranh, làm thiệp, làm lồng đèn… Sự đáng yêu, vô tư và hiếu khách của các em nhỏ vùng cao đã góp phần tạo nên những trải nghiệm tuyệt vời cho hành trình của Phương.‏

photo-1701516216002

Phương tranh thủ đi vẽ biển hiệu "dạo", dạy các em vùng cao vẽ tranh trong lúc rảnh rỗi - Ảnh: NVCC

‏Hiện tại, Hờ Phương đã rời Sapa sau thời gian 3 tháng gắn bó. Cô bạn tiết lộ sắp tới sẽ ghé thăm Lai Châu một vài ngày, rồi dừng chân khoảng một tháng ở bản Lô Lô Chải (Hà Giang).‏

‏Nhuộm chàm, vẽ sáp ong là nghề truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Mông, đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ.‏

‏Những người bản địa sử dụng sáp ong vẽ trực tiếp trên vải cotton hoặc vải lanh đã được làm sạch, phẳng để tạo nên những hoa văn độc đáo, trang trí cho các sản phẩm truyền thống như: khăn, quần áo, túi, ví… Họ sử dụng bút vẽ bằng tre, đầu bút là hai tấm đồng có cạnh tròn và trơn, úp vào nhau để chứa sáp ong bên trong. Sáp ong dùng để vẽ luôn phải ở trạng thái nóng chảy. Các đường nét được người vẽ thể hiện theo ý mình. Thành phẩm là tấm vải trắng có các hoa văn sáp ong màu nâu vàng.

Hành trình tuổi trẻ của cô gái gen Z vẫn còn rất dài, Phương cho biết tương lai có thể Nam tiến để tiếp tục trải nghiệm những điều mới mẻ, phục vụ cho việc sáng tác mỹ thuật. Thế nhưng những thử nghiệm này sẽ được giới hạn trong phạm vi hẹp hơn - gần với kỹ thuật vẽ sáp ong và kỹ thuật xử lí vải, nhuộm vải nhất có thể. Bởi điều cô bạn tìm kiếm đã sớm xuất hiện, và "‏con đường đang ngày càng rộng hơn, rõ ràng hơn, dịu dàng hơn" - lời nhân vật.

Kỹ thuật nhuộm chàm được thực hiện sau bước vẽ sáp ong. Người ta ngâm cành, lá chàm tươi vào nước trong vài ngày. Sau đó vớt bả, bỏ vôi bột vào khuấy. Đợi bột chàm và vôi lắng xuống đáy thùng, gạn hết nước đi, giữ phần bột lại – gọi là cao chàm. Thùng nước nhuộm hoàn thiện gồm có cao chàm, nước tro bếp gạn kĩ, rượu và một số loại lá cây khác. Miếng vải được nhuộm rất nhiều lần bằng cách ngâm trong nước nhuộm rồi phơi khô, liên tục lặp lại cho đến khi có được sản phẩm màu xanh đậm, bền màu. Lưu ý thao tác nhẹ nhàng để phần hoa văn sáp ong không bị nứt.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: