Bộ lịch nhạc cụ dân tộc đẹp hút hồn của cô bạn gen Z

avatar VĂN HÀO

Chủ nhật, 12/11/2023 18:00 (GMT+7)

Qua đồ án Âm sắc dân tộc, Nguyễn Huỳnh Nhã Thi (sinh năm 2002, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) mong muốn giới thiệu các loại nhạc cụ dân tộc của Việt Nam.

12 nhạc cụ dân tộc tiêu biểu trong Âm sắc dân tộc

Bật mí về lý do chọn nhạc cụ dân tộc làm đồ án, Nhã Thi cho biết: "Là người Việt Nam, mình tự hào vì đất nước có những di sản vô cùng phong phú, trong đó có các loại nhạc cụ".

Đồ án Âm sắc dân tộc được Nhã Thi thể hiện với hình thức bộ lịch năm 2024. Trong đó, 12 tháng là 12 loại nhạc cụ dân tộc khác nhau gồm: khèn, sáo, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn bầu, cồng chiêng Tây Nguyên, đàn tỳ bà, đàn nhị (đàn cò), đàn tính, đàn sến, đàn tranh và đàn tứ.

Khởi đầu, Nhã Thi phân vân không biết chọn 12 loại nhạc cụ nào. Cuối cùng cô bạn chọn 12 nhạc cụ kể trên bởi mỗi nhạc cụ mang những đặc thù riêng, thể hiện đặc trưng của từng loại hình nghệ thuật, từng vùng miền.

Bộ lịch nhạc cụ dân tộc đẹp hút hồn của cô bạn gen Z- Ảnh 1.

Đồ án của Nhã Thi - Ảnh: NVCC

Nhã Thi giải thích: “Như cồng chiêng Tây Nguyên, từ nhạc cụ này, mọi người sẽ biết thêm về Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2005.

Hay với đàn đáy, đây là loại đàn dài nhất do người Việt tạo ra. Đàn đáy được dùng trong hát ca trù, hát ả đào trình diễn chung với phách và trống đế. Chất âm của đàn đáy có chút buồn”.

Trong đồ án, Nhã Thi đã chọn vẽ đàn sến đầu tiên. Cô bạn đã mất đến ba tuần để điều chỉnh kích thước, bố cục. Càng về sau, các nhạc cụ được Nhã Thi vẽ trơn tru, ít chỉnh sửa hơn.

Nhã Thi cho biết: “Tư liệu về các nhạc cụ dân tộc khá ít. Khi thực hiện đồ án, mình tự nhủ đây không chỉ là một đồ án để chấm điểm. Mình muốn bộ lịch này là tài liệu để gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp của nhạc cụ dân tộc Việt Nam”.

Ngoài khó khăn về tư liệu, đôi lúc Nhã Thi bị bí ý tưởng. Do chưa được chứng kiến hình ảnh những nghệ nhân chơi nhạc cụ nên cô bạn khá khó khăn trong việc truyền tải thông điệp qua bản vẽ.

Những lúc như vậy, Nhã Thi thường nhớ lời căn dặn của thầy hướng dẫn: “Cần tập trung nghiên cứu kỹ và phải thể hiện được phong thái của người nghệ nhân chơi đàn. Như vậy mới giúp bức tranh có hồn và làm bật lên được nét đẹp của loại nhạc cụ”.

Thành quả “nở hoa” khi làm đồ án

Để thực hiện được đồ án về nhạc cụ, Thi cũng phải tìm hiểu về kiến thức các loại đàn từ nguồn gốc, cấu tạo, cách chơi.

“Mình ấn tượng với cấu tạo đàn nhị (đàn cò). Nó có tên như vậy là vì có hình dáng giống hình con cò. Đây là một trong những loại đàn có tuổi thọ lâu đời nhất ở Việt Nam. Âm thanh phát ra từ đàn du dương, trầm bổng thường sử dụng trong cải lương, ngũ âm, bát âm, dân ca...” - Nhã Thi chia sẻ.

Bộ lịch nhạc cụ dân tộc đẹp hút hồn của cô bạn gen Z- Ảnh 3.

Nhã Thi - Ảnh: NVCC

Điều thú vị là sau khi hoàn thành đồ án, cô bạn đã biết chơi đàn tranh. Trong một lần tìm thông tin về đàn tranh, Nhã Thi có cơ hội làm quen một CLB tự học đàn tranh. Từ một người không biết gì về đàn tranh, đến nay Nhã Thi đã có thể gảy những nốt cơ bản.

Sau khi hoàn thành đồ án, Nhã Thi hài lòng khoảng 70% những tiêu chí đã vạch ra ban đầu. 30% chưa ưng ý nằm ở các chi tiết, tinh thần của nghệ nhân chơi nhạc cụ. Hiện tại đồ án Âm sắc dân tộc của Nhã Thi đã có đơn vị đặt hàng sản xuất và đang trong quá trình thương lượng.

Bộ lịch nhạc cụ dân tộc đẹp hút hồn của cô bạn gen Z- Ảnh 4.

Đồ án của Nhã Thi đã có đơn vị đặt hàng - Ảnh: NVCC

Bạn cho rằng trước sự phát triển của xã hội và xu hướng âm nhạc hiện đại ngày nay, các nét đẹp trong nhạc cụ dân tộc đôi khi bị phai mờ và lạc lõng với người trẻ. Vậy nên thông qua đồ án bộ lịch Âm sắc dân tộc, Nhã Thi mong muốn những nét đẹp đó được biết, được lắng nghe và gợi nhắc đến mọi người về những loại nhạc cụ mộc mạc của người Việt ta.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: