TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUA LĂNG KÍNH TRẺ - Kì 3: "Bí kíp" của nhà chuyên môn

Thứ năm, 23/08/2018 09:38 (GMT+7)

Qua hai kì báo, Mực Tím đã giới thiệu những dự án lịch sử hay do các bạn trẻ thực hiện và nhận được nhiều phản hồi của các thầy cô, các bạn độc giả.

TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUA LĂNG KÍNH TRẺ - Kì 1: Bấm Like cho dự án lịch sử hay

TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUA LĂNG KÍNH TRẺ - Kì 2: Vượt thử thách, theo đuổi đam mê

Thêm yêu lịch sử nhờ búp bê

Đa số độc giả đồng ý rằng các dự án lịch sử hiện nay tuy quy mô còn "khiêm tốn" nhưng đã có sức lan tỏa rộng trong giới trẻ. Tiến sĩ Hà Thanh Vân (giảng viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: "Tôi đánh giá cao nỗ lực của những người như anh Dũng Phan, anh Phạm Vĩnh Lộc… và nhiều người khác. Họ đã sử dụng mạng internet nói chung và Facebook nói riêng để mang kiến thức sử học đến cho đông đảo người dân Việt. Cách viết của họ sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và đều nhằm đến mục đích giáo dục lòng tự hào về lịch sử Việt Nam và lòng yêu nước của người dân...".

Ngoài ra, các dự án cũng đã gặt hái thành công nhất định trong việc góp phần thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận của teen về môn Lịch sử theo hướng tích cực hơn. Bạn Nguyễn Hà Anh Lân (Giải nhất môn Lịch Sử, kì thi học sinh giỏi cấp Thành phố 2018) cho biết: "Mình cảm thấy rất vui khi nhiều bạn trẻ có nhận thức khách quan và nhiệt huyết với lịch sử như vậy! Những dự án ấy tuy nhỏ nhưng có sự ảnh hưởng trong giới trẻ rất nhiều. Trước đây, teen cảm thấy lịch sử khô khan, chỉ xoay quanh những trang sách giáo khoa thì giờ đây lịch sử lại hiện lên một cách sống động và gần gũi. Từ đó, khán giả/ độc giả teen sẽ có thêm hứng thú tìm hiểu cội nguồn dân tộc, vun đắp lòng yêu nước".

Một bài viết của anh Phạm Vĩnh Lộc lí giải tên Bình Đình được nhiều teen chia sẻ trên Facebook.

Bên cạnh những điểm cộng như trên, các dự án lịch sử vẫn có những mặt hạn chế nhất định, đặc biệt là tính chính xác về kiến thức. "Vì những người kể chuyện lịch sử hầu hết là đều là cây bút nghiệp dư nên còn mắc một số nhược điểm, làm cho kiến thức sử học của họ không chính xác nữa. Ví dụ như Dũng Phan trong cuốn Sử Việt 12 khúc tráng ca nhầm về miếu hiệu của vua Gia Long, cho rằng Lê Văn Duyệt là tướng nhà Tây Sơn, dùng từ Hán Việt thiếu chính xác v.v… Thêm nữa, nguồn họ tham khảo và sử dụng dữ liệu không phong phú và một chiều. Ví dụ, tôi cho rằng khi viết về chiến tranh chống Nguyên – Mông thì không chỉ dựa vào sử Việt, mà người viết còn phải tham khảo Nguyên sử, Tân Nguyên sử và sử liệu của chính Mông Cổ nữa để có cái nhìn đa chiều và khách quan hơn" – cô Vân cho biết.

Nếu không có điều kiện đi thực địa xa, bạn có thể đến bảo tàng lịch sử để tìm hiểu kiến thức thông qua những hiện vật thực tế.

"Các bạn trẻ dựng lịch sử thành phim hay viết thành bài theo lời kể của mình thì cũng đã ít nhiều đặt quan điểm và tư tưởng cá nhân vào vấn đề đang xem xét, phân tích. Do đó nếu cần tìm hiểu sâu hơn, đảm bảo tính chính xác thì sách giáo khoa, sách do các NXB uy tín phát hành vẫn là lựa chọn tối ưu" - Lân chia sẻ. Tóm lại, teen chỉ nên xem nội dung của các dự án lịch sử chỉ là nguồn tư liệu tham khảo như những nguồn tư liệu khác. Đừng vì quá yêu thích dự án mà "ngó lơ" giờ học Lịch sử ở trường, không khéo sẽ bị lệch kiến thức đó.

Nhiều bạn teen khi bắt tay thực hiện các dự án thường hay lăn tăn về việc nên sáng tạo thế nào để không bị lố, dẫn đến làm sai lệch kiến thức lịch sử, ưu tiên hình thức trình bày hay chú trọng nội dung để tạo sự thu hút...

Anh Vũ Tiến Đức (Founder dự án Anh Hoàng và là tác giả bộ tranh minh họa Triều phục Hoàng gia Việt Nam (Triều Nguyễn), tái hiện lịch sử cũng như văn hóa Việt) chia sẻ bí kíp: "Các bạn phải xác định ngay từ đầu đây là dự án phục dựng lịch sử hay dự án sáng tạo mang yếu tố lịch sử. Nếu là phục dựng thì bạn cần đảm bảo tính chính xác tuyệt đối. Còn nếu là sáng tạo thì đương nhiên phải ưu tiên về ý tưởng, nhưng để không bị rối dẫn đến sai sót thì bạn nên xác định rõ ràng ranh giới của 3 phần trong dự án: phần sáng tạo, phần lịch sử và phần kết nối với công chúng.

- Phần sáng tạo: có thể sáng tạo tùy ý/ không giới hạn với tư cách hư cấu lịch sử (bối cảnh hoặc các sự kiện lịch sử là có thật, các chi tiết còn lại được phép hư cấu), đây là cách thức đã rất phổ biến trên thế giới.

- Phần lịch sử: đảm bảo chân thực hết sức có thể về bối cảnh (trang phục, kiến trúc, lễ nghi,…) hoặc các sự kiện lịch sử mang tính dấu mốc.

- Phần kết nối: trước hết là ngôn ngữ trong dự án (lời thoại, phụ đề, chú thích,…) - riêng yếu tố này có thể miễn hoặc hạn chế tính lịch sử nếu nó làm ảnh hưởng đến sợi dây kết nối giữa lịch sử với công chúng. Teen cần lưu ý rằng đa phần công chúng muốn xem người xưa trông như thế nào, nhưng không bao giờ muốn bản thân phải quay về sống ở thời xưa (đây không phải một dự án phục dựng mang tính trải nghiệm). Vì vậy, những yếu tố thuộc về phần này, ngoài ngôn ngữ ra còn có các yếu tố về thị giác như: cách trang điểm, trang phục, tục lệ,… cũng có thể tạm thoát khỏi tính lịch sử, tạo cầu nối dẫn dắt khán giả vào nội dung chính dễ dàng hơn".

"Còn bạn nào muốn trở thành người viết sử, kể chuyện sử giỏi thì phải biết Hán Nôm để có thể đọc trực tiếp tư liệu lịch sử từ những thư tịch cổ, đồng thời thực hiện các phép đối chiếu với các nguồn tài liệu uy tín ngoài nước viết về sử Việt, từ đó chọn lọc ra những ý đúng nhất. Khi phản biện lịch sử cũng phải là cái nhìn khách quan, trung thực, không yêu ghét lẫn lộn và đặc biệt phải công minh thì mới có sức thuyết phục" - Cô Thanh Vân nhắn nhủ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: