Thêm yêu lịch sử nhờ búp bê

Thứ sáu, 17/08/2018 14:42 (GMT+7)

Hai bạn trẻ 9X Trần Hữu Phát và Nguyễn Huỳnh Anh Thư cùng thêm yêu lịch sử nhờ làm mô hình trang phục cổ cho búp bê khi tham gia dự án Dệt nên triều đại, do nhóm Vietnam Centre thực hiện.

Chơi búp bê giấy, biết thêm lịch sử

Tuy học ngành Marketing nhưng Phát lại có một niềm đam mê đặc biệt với hội họa, nhất là mảng vẽ minh họa thời trang - tức là vẽ chi tiết lại các bộ trang phục đã được may hoàn thiện và trình diễn trên sân khấu. Cộng với trò chơi búp bê giấy thuở nhỏ, anh chàng đã cho ra mắt nhiều bộ sưu tập do chính mình "múa cọ" và được nhiều tạp chí thời trang trong nước lẫn quốc tế đặt hàng.

Tiếng lành đồn xa, nhóm Vietnam Centre đã liên hệ và đặt Phát thiết kế bộ búp bê giấy với cổ phục thời Lê Sơ để làm quà tặng kèm sách. Điều này tưởng dễ nhưng lại khó, bởi vì trước giờ Phát chỉ vẽ những bộ trang phục sang trọng chứ không đụng đến cổ phục. "Nên lúc đầu nhận lời mình có hơi lăn tăn, vì chỉ cần vẽ sai phom dáng hay họa tiết là sẽ bị "ném đá" ngay. Thế là mình phải đọc nhiều sách về cổ phục, tìm hiểu bối cảnh lịch sử đất nước ta thời đó trước khi đặt bút vẽ. Càng đọc mình càng ngẫm ra một điều là những biến chuyển họa tiết trên quần áo tuy nhỏ nhưng cũng phản ánh được rất nhiều tâm tư tình cảm của người dân, tình hình đất nước lúc bấy giờ" - Phát bật mí.

Và để dáng quần áo khớp với dáng búp bê, Phát phải kê hai tờ giấy chồng lên nhau trên một mặt kính trong suốt, rọi đèn xuyên qua rồi bắt nét mà đồ. Sau đó, dùng bút màu tô các lớp đậm nhạt, tô kim tuyến để cổ phục thêm lung linh. Phát chia sẻ: "Nếu bạn cũng muốn tự vẽ cổ phục búp bê giấy thì cần chú ý các đường nét khung bên ngoài phải thật đơn giản để không gây khó khăn khi cắt, dán nhé!".

May cổ phục cho búp bê không dễ

"Nhiều bạn nghĩ rằng việc may trang phục cổ cho búp bê sẽ dễ dàng hơn so với việc may đồ cho người thật, vì có kích thước mẫu nhỏ, không cần may đúng theo số đo... là hoàn toàn sai lầm nha! Đúng là có một số chi tiết mình có thể may theo khuôn mô phỏng, không nhất thiết đúng từng milimet như áo yếm, nhưng nếu "dễ dãi" quá thì khi lên đồ cho búp bê sẽ không đẹp" - bạn Anh Thư chia sẻ.

Bởi vì trang phục cổ của người xưa gồm rất nhiều món: áo giao lĩnh, áo viên lĩnh, áo đối khâm..., có tác dụng giữ ấm vào mùa đông, phù hợp với điều kiện khí hậu và lãnh thổ nước ta thời Lê Sơ, nên nếu may không khéo thì bạn sẽ không thể mặc các lớp chồng lên nhau được. Hoặc nếu cố gắng gượng ép mặc vào sẽ khiến bộ đồ trông phùng phình, không giữ được nét đẹp nguyên bản nữa, như vậy giá trị lịch sử của bộ trang phục sẽ mất đi hoàn toàn.

Bật mí thêm: từng chi tiết hoa văn trên bộ trang phục đều được thiết kế riêng với kĩ thuật in chìm, in kim tuyến... Chất liệu vải đa số dùng gấm Hội An đảm bảo tạo dáng chuẩn cho bộ đồ để teen có thể dễ dàng cảm nhận được nét đẹp truyền thống được lưu truyền qua thời gian đó!

Bài viết này nằm trong chuyên đề: TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUA LĂNG KÍNH TRẺ. Mời bạn đọc đầy đủ các kì báo tại đây.

Bài: KHÁNH HÙNG

Ảnh: NVCC, fanpage

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: