TÌM HIỂU LỊCH SỬ QUA LĂNG KÍNH TRẺ - Kì 1: Bấm Like cho dự án lịch sử hay

Thứ hai, 13/08/2018 13:55 (GMT+7)

Ngoài sách giáo khoa, sách tham khảo, teen còn có thể tiếp cận, tìm hiểu lịch sử thông qua những dự án hay ho, thú vị do chính các bạn trẻ thực hiện. Cùng xem các bạn ấy đã lan tỏa tình yêu sử Việt đến với mọi người thế nào nhé!

Dựa trên những số liệu, kiến thức mang tính hàn lâm, học thuật trong sách giáo khoa, sách tham khảo do các NXB uy tín trong nước phát hành, rất nhiều bạn trẻ đã dùng giọng văn và phong cách của mình để kể lại câu chuyện lịch sử, dùng mạng xã hội Facebook lan tỏa tình yêu sử Việt đến với mọi người. Khởi đầu là tác giả Dũng Phan, với những câu chuyện kể về các bậc anh hùng thời xưa như: Lê Thánh Tông, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... trên trang fanpage The X File of History, có hơn 148.000 lượt theo dõi.

Với quan niệm: "Để có được tư liệu lịch sử nghiêm túc thì cần đến những nhà sử học và khảo cổ học, còn để giảng dạy và truyền tải cho đại chúng thì cần những người kể chuyện", anh Phạm Vĩnh Lộc đã lập trang blog Kể chuyện lịch sử và chia sẻ bài viết trên trang cá nhân để trình bày lịch sử theo quan điểm, cảm nhận riêng. Đặc biệt, các sự kiện và cột mốc lịch sử đều được dẫn dắt theo đoạn đường anh đi qua với những di tích, di vật còn sót lại nhưng một minh chứng hùng hồn, thu hút nhiều bạn trẻ tìm đọc. Ý tưởng độc đáo này nảy ra khi anh tìm hiểu về cụ Lê Quý Đôn: Trong 6 tháng làm quan ở Thuận Hóa, nhà bác học đã đi quan sát rồi chép lại những điều mắt thấy tai nghe cũng như lịch sử hình thành xứ Đàng Trong từ thế kỉ 18 trở về trước...

Tuy không trải dài mà chỉ tập trung một mảng chuyện hậu phi và nội cung trong sử Việt, trang fanpage Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi của bạn Tôn Thất Minh Khôi (hiện là sinh viên trường ĐH KHXH&NV TP.HCM và là Hậu duệ của chúa Nguyễn Phúc Khoát) cũng thu hút rất nhiều teen quan tâm. Trung bình mỗi bài viết nhận được gần 1.000 lượt Like và có rất nhiều comment hỏi đáp thêm về lịch sử, trao đổi thông tin tạo nên những diễn đàn thảo luận nhỏ rất thú vị.

Ngoài ra, còn nhiều trang fanpage sử Việt khác để bạn tham khảo như: Văn sử vấn đàm, Ấm Chè, Nam Văn Hội Quán...

Không chỉ có đấu tranh giành độc lập, lịch sử còn bao gồm phong tục tập quán, sự vận động và phát triển sinh hoạt văn hóa, văn chương, hội họa, trang phục, tín ngưỡng... của ông cha ta, do tác động của các sự kiện và hoàn cảnh đất nước ở nhiều thời kì khác nhau mà thành. Vì thế, nhiều bạn trẻ đã chọn cách mượn con đường văn hóa dân gian dẫn dắt người xem trở về quá khứ, gợi cảm hứng để họ có thể chủ động tìm hiểu về lịch sử.

Từ tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, họa tiết trong các đình, chùa… các bạn trong nhóm Đại Việt Cổ Phong vẽ lại bằng công nghệ vector, còn nhóm SRiver thì phân tích, số hóa dữ liệu thành bảng mã màu, file vector họa tiết tạo nguồn tư liệu miễn phí cho tất cả mọi người sử dụng. "Qua đó, tụi mình còn có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu lịch sử thông qua sự biến đổi của các họa tiết, hoa văn của từng triều đại. Chẳng hạn, rồng thời nhà Lý có nét đặc trưng khác gì so với rồng của các triều đại khác? Sự biến đổi về hình thức của hình tượng rồng thể hiện tâm tư gì của ông cha ta lúc bấy giờ?... rất thú vị" - bạn Ngọc Hiền (Q.8) chia sẻ.

Còn nhóm Vietnam Centre hiện đang gây quỹ để xuất bản cuốn sách Dệt Nên Triều Đại - tập hợp những nghiên cứu, tìm tòi dựa trên tư liệu cổ của nhóm về trang phục của người dân Việt Nam thời Lê Sơ. Ngoài những bài viết khảo cứu, các bạn còn cung cấp hình vẽ mô tả chi tiết về cách thức tạo hình, cấu trúc, chất liệu của các bộ trang phục... để teen có thể tìm hiểu thêm về bối cảnh lịch sử, đời sống xã hội thời đó.

Bên cạnh đó, loại hình nghệ thuật dân gian hát bội đang bị mai một cũng đã được một nhóm bạn trẻ làm sống lại qua dự án Vẽ về hát bội. Hát bội xuất hiện từ thời nhà Trần và phát triển thịnh hành đến thập niên 80 của thế kỉ XX, thường gắn liền với mái đình, đền chùa, ghe hát trên sông... tạo thành nét đẹp văn hóa, dấu ấn lịch sử in sâu trong tâm trí nhiều người. Tuy nhiên, theo NSƯT Ngọc Nga, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM chia sẻ thì: "Cái khó của hát bội hiện nay là thiếu hụt lớp người kế thừa và ngày càng trở nên xa lạ với giới trẻ”. Và dự án chính là chiếc cầu kết nối người trẻ với giá trị văn hóa dân tộc, khuyến khích teen thêm yêu và tích cực bảo tồn vẻ đẹp văn hóa Việt Nam, từ đó có thêm nguồn cảm hứng tìm hiểu lịch sử nước nhà.

Từ những câu chuyện trên mạng xã hội, anh Dũng Phan đã cho ra mắt cuốn sách Sử Việt - 12 khúc tráng ca, tạo nên một hiện tượng trong ngành xuất bản khi 5000 bản in được bán hết trước khi diễn ra buổi giao lưu giới thiệu sách. Còn anh Phạm Vĩnh Lộc thì đang thiết kế game theo các giai thoại qua nhiều triều đại để teen có thêm kênh tiếp cận lịch sử Việt Nam hấp dẫn hơn.

Dự án gây quỹ cộng đồng của nhóm Đại Việt Cổ Phong, SRiver, Vietnam Center cũng đều đạt được định mức dự kiến. Đặc biệt, hôm diễn ra chương trình Nguồn ở phố cổ Hà Nội, nhiều teen đã thả tim rần rần cho những họa tiết của nhóm Đại Việt Cổ Phong xuất hiện trên trang phục truyền thống, còn các thành viên trong nhóm đều thấy rất vui khi “đứa con tinh thần” được tin tưởng sử dụng trong sự kiện văn hóa quan trọng này.

Riêng dự án Vẽ về hát bội, tuy không tổ chức gây quỹ nhưng lại thu hút rất nhiều sự góp sức của 40 họa sĩ thành viên đến từ nhiều vùng miền đất nước, thậm chí có bạn đang học tập và làm việc tại Canada, Tây Ban Nha, Singapore... Không chỉ đầu tư về tranh triển lãm, nhóm còn mở rộng phương thức tiếp cận với giới trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ chức buổi giao lưu với các nghệ sĩ nhân dân/ nhà nghiên cứu chuyên về hát bội, cho khách tham quan trải nghiệm workshop vẽ mặt nạ hát tuồng, biểu diễn các trích đoạn hát bội nổi tiếng...

Để thực hiện được những dự án lịch sử "nghe mà đã" như trên, các bạn trẻ phải tự thân vận động làm rất nhiều phần việc. Ngoài ra, một "rổ" bí kíp và kĩ năng hay ho giúp ích cho việc thực hiện dự án cũng sẽ được bật mí tiếp trong số báo MT 33 - phát hành sáng thứ 2 ngày 13/8/2018. Mời các bạn đón đọc.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: