Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc - Bài 2: Trường đổi mới, học sinh phơi phới

Thứ sáu, 08/12/2023 06:00 (GMT+7)

Trường học hạnh phúc là gì? Học trò cảm nhận như thế nào về trường học hạnh phúc? Làm thế nào để trường học thực sự là nơi hạnh phúc với thầy cô giáo, học sinh?

Những câu hỏi trên đây sẽ được phân tích, gợi mở trong chuyên đề Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc do ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ thực hiện. Mời bạn đọc theo dõi trên chuyên trang Mực Tím (Mực Tím Online) từ ngày 7-12-2023.

Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc - Bài 2: Trường đổi mới, học sinh phơi phới

Để xây dựng trường học hạnh phúc cần có sự thay đổi lớn giữa nhà trường - thầy cô - phụ huynh - học sinh. Nhiều trường đã có thực hiện những thay đổi để học sinh vui vẻ, thoải mái đi học...

Hét thật to quên âu lo

Bạn Ái Linh (lớp 8A3 Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1) chia sẻ, học sinh chúng mình thường bị căng thẳng việc học, bị ấm ức trong các mối quan hệ bạn bè, thậm chí có bạn còn bị tẩy chay.

Hiểu được tâm lý ấy, trường của bạn vừa đưa vào sử dụng Phòng tham vấn học đường. Bước vào đây, các bạn sẽ được gặp các thầy chuyên gia tâm lý đến từ Trường ĐH Sư phạm TP.HCM…

Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc - Bài 2: Trường đổi mới, học sinh phơi phới- Ảnh 1.

Học sinh đến với Phòng tham vấn học đường - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Đây là mô hình khá mới với 3 bước: gặp thầy cô tư vấn để sẻ chia, chuyển sang phòng tư vấn đặc biệt hơn với hình thức 1 - 1 (một thầy, một trò). Kết thúc quá trình này các bạn được hướng dẫn đi đến khoảng hành lang rộng tại lầu 2 và thoải mái hét to những gì mình ấm ức. Khi nào nhẹ lòng mới đi vào Phòng tham vấn học đường uống nước ăn bánh rồi ra về.

Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc - Bài 2: Trường đổi mới, học sinh phơi phới- Ảnh 2.

Hành lang lầu 2 để các bạn hét thật to, giải phóng stress - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Bên cạnh đó, tại tầng trệt của trường còn trang trí thêm 6 hộp đựng hạt sỏi trắng mang tên: Mình thật sự không ổn, Mình rất buồn, Mình đang rất vui, Mình rất hạnh phúc, Mình cảm thấy sợ hãi, Tui đang quạu...

 Bỏ một hạt sỏi trắng vào đây trước hay sau khi đi vào Phòng tham vấn là bạn đã báo một dấu hiệu cho mọi người biết. Nhờ vậy, Linh và các bạn đã xua tan nỗi ấm ức của mình rồi!

Trải nghiệm môn học mới

Khánh Băng (lớp 7/10 Trường THCS Kim Đồng, quận 5) chia sẻ: “Nghe bạn bè các trường “flex” về CLB STEM cũng như những trải nghiệm độc đáo, thú vị về môn học mới, mình mê lắm. Chỉ mong sao trường mình sớm đưa STEM vào chương trình học để học sinh được tiếp cận”.

Trước đây, do trường học còn đang xây dựng, học sinh Trường THCS Kim Đồng phải mượn cơ sở vật chất ở các đơn vị khác để có nơi dạy và học. Dù STEM khá phổ biến tại TP.HCM nhưng học trò trường vẫn chưa được trải nghiệm.

Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc - Bài 2: Trường đổi mới, học sinh phơi phới- Ảnh 3.

Bắn tim với lớp học STEM trường mình - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Cải thiện nhà vệ sinh

Tuấn Khang (lớp 9/5 Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12) và bạn bè tặng 5 sao cho nhà vệ sinh trường mình vì đạt chuẩn sạch sẽ, thoáng mát.

Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc - Bài 2: Trường đổi mới, học sinh phơi phới- Ảnh 4.

Nhà vệ sinh sạch sẽ, tươm tất - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Được biết, nhà trường đã sửa chữa cũng như trang bị cho nhà vệ sinh của học sinh. 27 phòng vệ sinh trong trường đã sạch sẽ, lót gạch bông sáng loáng, quạt hút thổi vù, gắn thêm loa phát nhạc...

Hiểu được tâm tư này, khi xây dựng trường mới, nhà trường đã chiều lòng học trò bằng cách trang bị thêm nhiều phòng học mới, phù hợp với nhu cầu của các bạn, trong đó có lớp học STEM đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại khiến ai cũng thích mê.

“Bọn mình được trải nghiệm nhiều hoạt động thực hành thông qua cách làm việc nhóm, được thảo luận và suy nghĩ sâu hơn những gì mình đang làm và áp dụng kiến thức đã học trực tiếp vào đời sống. Mình rất vui vì trường đã kịp bắt trend môn học một cách hiệu quả”, Khánh Băng hào hứng nói.

Thầy cô không rầy la

Thầy cô "hà khắc" là nỗi sợ của rất nhiều bạn học sinh phải không nè? Khi thầy cô trách mắng, các bạn có tâm trạng rất tiêu cực, cảm thấy buồn vì mình không được trân trọng. 

Thế nhưng, Duy Linh (lớp 9/3 Trường THCS Trung An, huyện Củ Chi) lại cảm thấy vui với cách người thầy cư xử khi thấy học sinh chưa ngoan.

Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc - Bài 2: Trường đổi mới, học sinh phơi phới- Ảnh 5.

Thầy như người bạn thân thiết của học sinh - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Linh kể, thay vì rầy la, trách phạt, hỏi lý do vì sao bạn học sinh ấy vi phạm, thầy dạy giáo dục công dân trường bạn nhẹ nhàng ngồi xuống trò chuyện, giúp bạn dễ dàng chia sẻ.

Sau giờ học, thầy trò ngồi lại căng tin tâm sự hay cùng nhau chơi một trận cầu lông, “chiến” game. Lúc này, học sinh sẽ cởi mở nói ra những điều bản thân bạn không muốn nhưng vì hoàn cảnh phải như thế. Từ đó, thầy trò gần gũi, hiểu nhau hơn.

Duy Linh mong rằng ở các trường khác, thầy cô cũng thay đổi, nhẹ nhàng hơn với học trò. Có như vậy, các bạn sẽ không gặp “ác mộng” với những tiết học “hắc ám” nữa.

Trường học đổi mới thì học sinh vui. Học sinh vui thì thầy cô, cả trường cùng dạy và học tốt hơn.

Phụ huynh có cần thay đổi không?

Bạn L. (12 tuổi) hoảng hồn với cách giải quyết của mẹ bạn M., một người bạn cùng lớp. Chuyện là M. bị một bạn trong trường xô ngã. Ngay hôm sau, mẹ của M. lên trường tìm ngay người bạn đó mắng một trận thật nặng.

Về xóm, cô còn hả hê chia sẻ với mọi người về “chiến tích” của mình. Mọi người góp ý cô nên trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và giải quyết nhẹ nhàng, la mắng như vậy chẳng khác nào bạo lực đứa trẻ đó.

Từ chuyện này, các bạn trong lớp e dè khi chơi với M. bởi sợ có chuyện gì mẹ bạn ấy lại làm ầm lên.

Bạn nghĩ sao? Có phải phụ huynh cũng cần đổi mới về suy nghĩ, hành xử để cùng với mọi người tạo nên trường học hạnh phúc? Mời bạn đón xem Kì 3 trên KQĐ 47 phát hành vào sáng thứ 3 tuần tới.

-----------------

Bài 1: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 3 nhóm tiêu chuẩn về con người; dạy học và hoạt động giáo dục; môi trường.

    Trong đó, nhóm tiêu chuẩn về con người gồm 6 tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục có 8 tiêu chí và nhóm tiêu chuẩn về môi trường có 4 tiêu chí.

    Xem thêm

    Đáp án: