Sống trong tranh vẽ nhờ công nghệ thực tế ảo

avatar THẢO NGỌC

Thứ năm, 22/02/2024 15:19 (GMT+7)

Trải nghiệm độc đáo này là công việc của chị Đặng Thị Minh Hằng (sinh năm 1985, TP.HCM) - nghệ sĩ vẽ tranh bằng công nghệ thực tế ảo VR

Ưu, nhược điểm của vẽ tranh bằng công nghệ thực tế ảo

Không sử dụng cọ và màu vẽ, chị Minh Hằng (nghệ danh MinHang) đã cho ra đời nhiều tác phẩm bằng công nghệ thực tế ảo. Thoạt nhìn, nhiều người sẽ có cảm giác như chị đang vẽ vào không khí. Nhưng thực chất chị đang vẽ trong không gian ba chiều giả lập.

Trích đoạn video về quá trình chị Hằng thực hiện tác phẩm Wood (Mộc) - Clip: NVCC

Chị dùng một chiếc kính thực tế ảo và cần điều khiển có tác dụng như cọ vẽ. Khi đeo kính, không gian xung quanh trở thành không gian 3 chiều. Sau đó chị dùng điều khiển được tích hợp bộ cọ vẽ, thiết lập ánh sáng,... để sáng tạo tác phẩm.

Sống trong tranh vẽ nhờ công nghệ thực tế ảo- Ảnh 1.

Chị Đặng Thị Minh Hằng là nghệ sĩ vẽ tranh bằng công nghệ thực tế ảo - Ảnh: NVCC

Thực tế ảo VR (virtual reality) là thuật ngữ miêu tả môi trường giả lập được tạo ra bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng. Chúng được điều khiển bởi một thiết bị thông minh.

Người dùng có thể cảm nhận, di chuyển, tương tác và khám phá trong môi trường ảo thông qua các thiết bị như mũ, tai nghe, kính thực tế ảo.

Với công nghệ này, chị Hằng thỏa sức sáng tạo mà không bị giới hạn bởi không gian và các định luật vật lý. Song song đó, không gian lưu trữ lớn, chi phí bảo trì thấp, thân thiện với môi trường... là các ưu điểm khác của vẽ tranh bằng công nghệ thực tế ảo.

Sống trong tranh vẽ nhờ công nghệ thực tế ảo- Ảnh 2.

Chị Minh Hằng thực hiện tác phẩm The girl in the shark tank (Cô gái trong bể cá mập) - một trong những tác phẩm mà chị yêu thích nhất - Ảnh: NVCC·

Chị Minh Hằng học hội họa từ năm 7 tuổi. Trước đây, chị từng có 8 năm là họa sĩ game 2D và họa sĩ vẽ truyện tranh.

Sau khi quyết định vẽ tranh bằng thực tế ảo, chị mua các công cụ và tự học qua mạng. Sau đó chị dành thời gian thực hành, luyện tập. Theo chị, vẽ tranh bằng thực tế ảo có nhiều sự khác biệt so với các phương pháp vẽ khác.

Sống trong tranh vẽ nhờ công nghệ thực tế ảo- Ảnh 3.

Chị Hằng cùng tác phẩm vẽ bằng VR xuất hiện tại chương trình Ngày Trở Về 2024 được phát sóng trên kênh VTV4 dịp Tết Giáp Thìn vừa qua - Ảnh: NVCC

Đầu tiên, người dùng sẽ vẽ vào không gian mà không có mặt phẳng nào để tựa tay. Vì thế, những người quen dùng lực tay mạnh khi vẽ sẽ gặp khó khăn.

Thứ hai là do không có khung tranh, bản lề giấy nên người vẽ có thể sáng tạo nên các tác phẩm có kích thước lớn, có chiều dài, chiều sâu hơn. Ngoài ra, do không gian lớn nên người vẽ có thể tự lựa chọn tư thế làm việc: đứng, ngồi, hoặc thậm chí là nằm.

Việc vẽ tranh bằng công nghệ thực tế ảo cũng có một vài nhược điểm như thiết bị cồng kềnh khi đeo trên mặt, chỉ tương thích với người dùng từ 10 đến 13 tuổi trở lên, xung đột giữa các ứng dụng,...

Công nghệ thực tế ảo mang lại cảm giác đắm chìm trong tác phẩm nghệ thuật

Điều khiến chị yêu thích vẽ tranh bằng công nghệ thực tế ảo chính là cảm giác được đắm chìm trong các tác phẩm nghệ thuật.

Chị Hằng chia sẻ: “Tôi mong muốn vẽ được những bức tranh mà người xem có thể bước vào, thay vì chỉ đứng ngắm. Người xem sẽ thấy được những nét cọ và màu sắc bay xung quanh mình. Cảm nhận về bức tranh cũng trở nên sâu sắc và ấn tượng hơn.”

Sống trong tranh vẽ nhờ công nghệ thực tế ảo- Ảnh 4.

Chị thích cảm giác được bao quanh bởi màu sắc và các nét vẽ - Ảnh: NVCC

Sau 1 năm 8 tháng vẽ tranh bằng công nghệ này, chị đã cho ra mắt hơn 15 tác phẩm. Chị cũng luyện vẽ gần 40 tác phẩm. Từ nhỏ, chị Hằng đã có tình yêu đặc biệt với thiên nhiên và môi trường. Do đó những tác phẩm của chị đều có sự kết nối giữa con người và thiên nhiên.

Tùy theo quy mô mà thời gian hoàn thành các tác phẩm sẽ khác nhau. Với tranh chân dung, chị thường vẽ trong một ngày. Với các tranh có đại cảnh thì cần từ 1 đến 2 tuần vì phải vẽ nhiều góc độ, hướng khác nhau của không gian.

Chị Hằng cũng tạo ra các video đa phương tiện để người xem thấy rõ toàn bộ quá trình vẽ của mình. Để làm được điều này, chị kết hợp 6 ứng dụng khác nhau cùng nhiều thiết bị để quay nét vẽ, quay thao tác, pha trộn hình ảnh đồ họa và hình ảnh của chị,...

Sống trong tranh vẽ nhờ công nghệ thực tế ảo- Ảnh 6.

Tập trung vẽ chi tiết của tác phẩm Lady Spring (Quý cô mùa xuân) - Ảnh: NVCC

Trong hệ thống phức tạp này, chỉ cần một trục trặc nhỏ sẽ rất khó biết được lỗi nằm ở đâu. Chị từng mất vài tháng để tìm, sửa chữa các lỗi kỹ thuật. Nhiều lần chị cảm thấy nản và muốn dừng lại. Tuy nhiên chính niềm đam mê cùng khao khát chinh phục khó khăn đã giúp chị bám trụ với công việc.

“Tôi thích công việc của mình bởi nó tạo ra được sự thi vị cho cuộc sống. Cảm xúc khi vượt qua khó khăn để hoàn thành sản phẩm rất hạnh phúc. Từ khi theo đuổi con đường này lúc nào tôi cũng bùng nổ ý tưởng mới. Cuộc sống vì thế mà luôn vui vẻ và tròn đầy.”

Sống trong tranh vẽ nhờ công nghệ thực tế ảo- Ảnh 7.

Tác phẩm Mother Ocean (Mẹ đại dương) được thực hiện vào cuối năm 2022 - Ảnh: NVCC

Chị Hằng cho rằng các bạn trẻ mong muốn theo đuổi công việc này trước hết cần có nền tảng kỹ thuật hội họa vững chắc. Ngoài ra cần rèn luyện sự kiên nhẫn, tinh thần khám phá và học hỏi.

Trong tương lai, chị Hằng sẽ tiếp tục thực hiện các tác phẩm và dự án còn dang dở. Chị cũng dự định mở lớp dạy vẽ bằng công nghệ thực tế ảo.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: