Ngoại ơi, nước mắt chỉ dành cho những điều đẹp nhất, phải không?

Thứ bảy, 14/08/2021 10:34 (GMT+7)

Khi đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch, bác sĩ Nguyễn Đặng Phương Ngọc nhận được tin bà ngoại qua đời vì COVID-19.

7 giờ tối, điện thoại reng lên, giọng mẹ gấp rút, đủ để tưởng tượng đầu dây bên kia là một gương mặt đầy âu lo:

- Ngọc ơi, mẹ vừa đưa ngoại đi cấp cứu. Ngoại bị viêm ruột thừa, con ạ!

Chị nhẹ giọng, trấn an: “Ngoại sẽ không sao đâu mẹ, ngoại rồi sẽ ổn mà”. Nói vậy, nhưng lòng chị như lửa đốt.

Lần 1, mẹ âm tính, ngoại âm tính.

Lần 2, mẹ âm tính, ngoại dương tính.

Ngày hôm sau, ca mổ ruột thừa của ngoại được tiến hành. Lúc này, chị vẫn đang miệt mài ở các khu phong tỏa, cách ly để lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Quận Bình Tân là một trong những khu vực “nóng” nhất thành phố, bởi số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng khá lớn.

Mẹ không được vào chăm sóc ngoại. Đằng sau cánh cổng bệnh viện, chỉ còn mình ngoại chiến đấu với COVID-19. Cả nhà chỉ có thể trò chuyện với ngoại qua điện thoại. BS Ngọc nhớ rõ từng cột mốc trong hành trình ngoại chống chọi COVID-19.

Ngày 20/7, chị nhận được thông báo về tình trạng trở nặng của ngoại. Bà nằm thiêm thiếp trên giường, kiệt sức, không thể ăn, cũng chẳng thể uống. Ngày nào điện thoại, bà cũng khóc chỉ muốn được về nhà với con cháu. Ngoại thấy cơ thể mình ngày càng yếu đi, phải để các điều dưỡng thay tã giúp, bà buộc phải truyền đạm vào người. “Ngoại ước gì có liều thuốc nào làm ngoại chết đi, để không đau đớn nữa”. Từng lời, từng lời của ngoại như cứa vào ruột gan của chị.

Bác sĩ Nguyễn Đặng Phương Ngọc

Ngày 7/8, một linh cảm về chuyện chẳng lành cứ ám ảnh chị. Chị bị mất ngủ suốt đêm, liên tục gọi về cho gia đình nhưng không ai bắt máy. 6 giờ 55 phút, bà ngoại chị qua đời.

Là bác sĩ, chứng kiến sự ra đi của các bệnh nhân mắc COVID-19, lần nào chị cũng run run, nghẹn ngào. Nỗi đau mất bà quả thực quá lớn, nó khiến tim chị thắt lại, nước mắt tuôn rơi. Không ai có thể kề cận bên ngoại, lúc bà nhắm mắt. Chị cố lấy lại bình tĩnh để gọi về cho mẹ. “Mẹ mình mắc bệnh tim. Khi hay tin ngoại mất, mình gọi về cho mẹ để xem bà có ổn không”, BS Ngọc kể.

4 giờ 30 chiều, BS Ngọc mở điện thoại, tin nhắn thông báo ngoại đã được tẫn liệm khiến đôi tay chị run run. Ngày 9/8, ngoại được đưa đến Trung tâm hỏa táng Hòa Lạc Viên, Long Thành, Đồng Nai để hỏa táng.

“Mình luôn cố tỏ ra mạnh mẽ với gia đình, bạn bè, động viên bệnh nhân. Nhưng những lúc mình ở một mình, là lúc mình yếu đuối nhất. Từ khi ngoại mất đến nay, mình chưa có một giấc ngủ nào là bình yên, cứ bồn chồn, khó chịu và quay quắt”, chị kể.

Trong nhà, chị là đứa cháu giống ngoại nhất. Lúc mới nghe tin cháu gái lên đường tình nguyện, bà cứ la: “Con Ngọc nó ốm nhom, nhỏ xíu chống dịch sao mà nổi”. Ấy vậy mà đêm nào, ngoại cũng chong đèn chờ chị về rồi mới ngủ. Mấy hôm về muộn, bà luôn hỏi người này, người kia, rồi Ngọc đâu.

BS Ngọc nhớ cuộc gọi cuối cùng của ngoại, bà nói trong tiếng khóc nấc: “Ngoại sợ ngoại ra đi bất đắc kì tử, không kịp gọi cho con. Ngoại thấy người ta mất không kịp gặp ai cả, chỉ quấn lại rồi có người đẩy đi thôi… Con chống dịch ráng giữ gìn sức khỏe, nghen con”.

“Mình chỉ mong hết dịch, cuộc chiến với COVID-19 kết thúc. Mình đã thấy quá nhiều nỗi đau và mất mát rồi”, BS Ngọc nói.

Ngày hết dịch, được trở về nhà nhưng chị sẽ không còn thấy bóng dáng của bà đang đợi chờ mình nữa. "Ngày đó, con sẽ lại khóc, nhưng lúc này nước mắt chỉ dành cho những điều đẹp nhất, phải không ngoại?"

NGỌC NGÂN

Ảnh: NVCC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: