Khám bệnh cho cây lá với những chỉ dấu bất ngờ từ thế giới loài cây

avatar ThS. LÊ THANH QUANG

Thứ tư, 01/11/2023 18:30 (GMT+7)

Mời các bạn cùng bước vào thế giới của cây cối - thế giới xanh mát âm thầm bảo vệ, cung cấp dưỡng khí cho Trái Đất.

Cây cối cũng có lúc "ngã bệnh"

Cây cũng giống như loài người vậy đó, có lúc khỏe re cũng có lúc bị bệnh nữa! Vậy đâu là nguyên nhân biến cây đang “mơn mởn, phơi phới” lại trở nên “héo queo, ủ rũ” thế nhỉ?

Trước hết, bạn cần biết cây “khỏe” là cây có hệ miễn dịch tốt và có đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như Đạm, Lân, Kali, Magie...

Nếu thiếu đi một trong những chất này, cây sẽ trở nên yếu ớt và không thể tiếp tục sinh trưởng như “bạn bè đồng trang lứa” được.

Muốn biết cây có khỏe hay không, bạn hãy nhìn vào cây. Vì các biểu hiện bên ngoài của cây sẽ giúp nhận biết được tình trạng sức khỏe của nó.

Sức khỏe của cây - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: FREEPIK

Chẳng hạn như cây bắp. Khi bị thiếu Lân, lá cây sẽ xuất hiện màu đỏ sẫm đặc trưng ở mép lá và sau đó lan rộng ra.

Khi thiếu Kali, mép lá bắp sẽ bị vàng đi.

Rồi lỡ bị thiếu Đạm thì lá cây bắp sẽ vàng từ phiến đi ra.

Hoặc với cây cà chua, khi bị thiếu Canxi, kích thước quả sẽ bị thu nhỏ lại. Dưa hấu cũng vậy mà còn bị thối ở cuống nữa.

Thế nên, nếu cây thiếu dinh dưỡng, chúng ta sẽ không có quả ngon để ăn đâu nha!

Một nhân tố nữa cũng ảnh hưởng không kém đến cây trồng chính là “nhà” của cây, hay còn gọi là môi trường sống của cây.

Môi trường ở đây bao gồm các yếu tố như đất trồng, nước, ánh sáng và không khí. Nếu cây sống trong đất có các yếu tố dinh dưỡng và độ ẩm không phù hợp thì cây dễ bị thiếu chất và “bái bai” cuộc sống này mau hơn.

Lấy ví dụ cho dễ hiểu nè, nếu cây lúa bị thiếu nước, cây sẽ nhanh chóng trở nên còi cọc, chậm phát triển, lá úa vàng. Còn khoai tây khi trồng trên đất sét thiếu không khí thì củ sẽ bị biến dạng xấu xí. Vì vậy, để không “chia tay” cây quá sớm, chúng ta phải lưu ý khi chọn “nhà” cho cây.

“Trùm cuối” của các nguyên nhân là mầm bệnh: các loại virus, vi khuẩn và nấm bệnh. Chúng tấn công trực tiếp đến các bộ phận của cây hoặc gây bệnh gián tiếp đến cây nhờ các “shipper” trung gian.

Những “shipper” này mang mầm bệnh trực tiếp xâm nhiễm cây trồng thông qua vết thương hở của cây, qua khí khổng - loại tế bào thực vật giúp trao đổi khí, qua thủy khổng - cơ quan tiết nước của cây và qua tuyến mật từ mật hoa.

Quả dưa hấu mà ngày Tết mình hay ăn rất dễ bị bệnh sương mai do nấm gây ra. Quả dưa hấu bị bệnh trông nhỏ hơn và nhạt vị hẳn đi, thậm chí khô cứng và không chín nữa.

Bệnh thán thư trên cây xoài cũng là do nấm. Trái xoài vướng bệnh này có nhiều vệt đen không đẹp mắt, dễ bị chín non giống người lớn hay nói “Chưa xanh vỏ mà đòi đỏ lòng” và có khi bị thối trái trong lúc cất trữ luôn.

Cây trái hay bệnh kiểu này thì cực nhọc cho cô chú nông dân lắm nhỉ!

Cây có hệ thống miễn dịch “đỉnh của chóp”

Đừng tưởng chỉ những sinh vật biết động đậy mới có hệ miễn dịch nha, cây cối cũng có đó bạn! Hệ miễn dịch của cây đóng vai trò như một “lớp bảo vệ” thứ hai vậy đó.

Khi những “khiên tự vệ” bên ngoài không hiệu quả thì “lớp bảo vệ” này sẽ được vận hành.

Nhưng không phải hệ miễn dịch nào cũng giống nhau đâu, hệ miễn dịch của cây khác với động vật ở chỗ nó không có những tế bào bảo vệ linh hoạt và một hệ thống miễn dịch thích ứng nhanh nhạy.

Nhưng không sao đâu bạn ơi, cây có đặc tính miễn dịch bẩm sinh mà, nên không dễ bị các virus xấu xa kia tấn công đâu nhé!

“Sương sương” thì cây có 2 cơ chế miễn dịch cơ bản:

- Cơ chế thứ nhất là cây cối nhận biết và phản ứng lại các phân tử chung. Cơ chế này vận hành dựa vào những thụ thể đặc biệt có khả năng nhận biết cấu trúc xuyên màng, giống như khả năng “nhìn xuyên thấu” của các siêu anh hùng vậy đó. Ngầu ghê ha! Nhờ vào khả năng này mà cây mới có thể “tự vệ” kịp thời lúc phát hiện có “vật thể lạ” xâm nhập.

- Cơ chế thứ hai là cây cối phản ứng lại các yếu tố mang độc lực của “kẻ địch”, khi chúng không ngừng gia tăng sức mạnh và tấn công trực tiếp hoặc gián tiếp vào cơ thể của cây.

Nhưng đừng lo cho cây quá nha, nhờ có protein NB-LRR nên cây đã có thể “tự vệ” kịp thời. Tuy nhiên, loại protein này còn có điểm hạn chế, đó là khả năng kháng bệnh nhờ vào nó chỉ có hiệu quả đối với các sinh vật gây bệnh ký sinh trong mô vật chủ, nhưng lại không có tác dụng đối với những sinh vật phân hủy mô vật chủ.

Tùy vào trường hợp mà cây có cách “ứng phó” nhất định. Ai nói cây cối thực vật yếu ớt chứ cây thật sự “mạnh mẽ” từ bên trong đấy!

Công tắc Khoa học sẽ giúp bạn tiếp cận kiến thức khoa học khó nhằn với góc nhìn gần gũi, sinh động và hài hước, khiến mọi thứ trở nên dễ hiểu bất ngờ.

Dự án Công tắc Khoa học được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: