Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em lên tiếng vụ thiếu nữ 15 tuổi bị đánh đập, lột áo

avatar NGUYỄN TÚ

Thứ năm, 14/09/2023 08:46 (GMT+7)

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao bởi một số đoạn video quay cảnh bạn M.(15 tuổi, ngụ quận 3) bị một nhóm người đánh, lột đồ.

Cô bạn 15 tuổi bị đánh hội đồng nhưng không dám phản kháng

Câu chuyện bắt đầu từ việc M. (15 tuổi) và V. (17 tuổi) có mâu thuẫn cá nhân. Tối ngày 9-8-2023 V. đến nhà M. để nói chuyện. Sau đó, hai bạn chở nhau đến một địa điểm khác để giải quyết mâu thuẫn. Khi đến nơi, M. xin lỗi nhưng V. không đồng ý. V. gọi thêm vài người khác tới, đánh, kéo lê, túm tóc và lột áo của M. Chưa dừng lại ở đó, nhóm này ghi hình, dọa sẽ tung lên mạng nếu M. kể cho gia đình biết.

M. về nhà với nhiều vết thương trên mặt. Nhưng khi được gia đình hỏi, cô bạn sợ bị trả thù và sợ bị tung clip lên mạng nên không dám nói ra sự thật. 

Đến ngày 9-9-2023, một số đoạn video clip quay cảnh M. bị đánh bị tung lên mạng xã hội. Hàng xóm nhà M. vô tình thấy được và báo cho mẹ của bạn. Ngay sau đó, người mẹ đã làm đơn trình báo công an.

Nhận được tin báo, các cơ quan chức năng lập tức vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc. Sáng 12-9, bà Lê Thị Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường 11 (quận 3) - đại diện chính quyền phường cũng đã đến thăm hỏi và động viên M. và gia đình.

Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM vào cuộc

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội Luật sư, Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM) cho biết: Vào ngày 12-9, mẹ của M. đã gửi yêu cầu luật sư đến Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM. 

Ngay sau khi tiếp nhận, Hội tiến hành hỗ trợ tư vấn cho M. Ngoài ra, Hội cũng hỗ trợ, tạo điều kiện để bạn được đến trường nếu gia đình có yêu cầu.

Về phía pháp luật, cô Nữ cho biết thêm: Theo quy định thì người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Điều 104 Bộ luật hình sự quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ thương tật trên 11% hoặc dưới 11% nhưng sử dụng hung khí nguy hiểm như dao, gạch… thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu hậu quả xảy ra chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì những người hành hung sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013 quy định người nào đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau thì bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.

Ngoài ra, những hành vi như lột đồ người khác hoặc bắt liếm tay, liếm chân để lăng mạ bạn tại nơi đông người hoặc đăng hình ảnh ấy lên mạng có thể bị xử lý thêm về tội làm nhục người khác. Khoản 1 Điều 121 Bộ luật hình sự quy định người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Cụ thể trong trường hợp trên, người đánh là V. đã 17 tuổi (V. sinh năm 2006). Thế nên V. sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Nếu chẳng may bị người khác đánh, bạn cần làm gì?

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ khuyên nạn nhân, đặc biệt là trẻ em phải vừa chạy vừa hét thật to để có người nghe thấy và cứu bạn. Hoặc bạn phải tìm cách chạy thoát ra khỏi đám người hung hăng chứ đừng ở yên một chỗ chịu trận.

Nếu có nhà gần bên, nạn nhân có thể chạy đến kêu cứu và tạm lánh. Sau đó, nạn nhân nhờ gọi các số điện thoại 111,113,18009069 để được giúp đỡ.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ

Bạo hành trẻ em là gì?

Trước khi tìm hiểu về hành vi bạo hành trẻ em, ta cần biết người bao nhiêu tuổi thì được gọi là trẻ em. Theo Điều 1 Luật Trẻ em 2016 thì trẻ em là người dưới 16 tuổi.

Theo quy định tại khoản 6, Điều 4 Luật Trẻ em 2016 bạo lực trẻ em là hành vi:

- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập;

- Xâm hại thân thể, sức khỏe;

- Lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

- Cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần trẻ em.

Như vậy, bạo hành trẻ em được hiểu là các hành vi gây tổn hại về cả thể chất lẫn tinh thần đối với trẻ em, trong đó:

- Bạo lực thể chất là hành vi dùng vũ lực với mục đích gây thương vong, tổn hại đến sức khỏe của người khác như: đánh đập, trói hoặc có hành động khác gây tổn thương cơ thể.

- Bạo lực tinh thần còn được gọi là bạo lực tình cảm, bạo lực tâm lý. Hành vi bạo lực tinh thần có thể bao gồm: chửi mắng, hạ nhục với những lời lẽ thô thiển, nặng nề; gây áp lực thường xuyên về tâm lý hoặc hành động khác gây tổn thương tinh thần. Những hành vi này mặc dù không tác động trực tiếp đến thể chất nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và sự phát triển tâm lý của trẻ em.

2. Hành vi bạo hành trẻ em bị xử lý như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Luật Trẻ em 2016 thì bạo lực đối với trẻ em là một trong số các hành vi bị cấm. Do đó, hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Tuỳ vào từng mức độ vi phạm mà hành vi bạo hành trẻ em có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: