avatar BS ĐỖ MINH TUẤN

Thứ tư, 04/10/2023 10:49 (GMT+7)

Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh phát triển. Teen cần làm gì để phòng bệnh?

Thời tiết mưa nắng thất thường khiến bệnh viêm xoang của mình lại được dịp “làm mình làm mẩy”. Dù đã phòng bị kỹ nhưng lần nào mình cũng đỡ không nổi, híc híc.

Ngọc Tiền (Châu Thành, Tiền Giang)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Bệnh viêm xoang thường “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia” với mũi. Việc các xoang “khóc lóc” theo thời tiết, dù gọi là viêm xoang thời tiết, thực ra là do viêm mũi dị ứng. Ngừa viêm xoang đồng nghĩa với ngừa viêm mũi.

Bạn ngừa viêm mũi bằng cách giữ ấm mũi, cổ, ngực, mang khẩu trang khi đi ra ngoài, hạn chế tắm lạnh. Ngoài ra, bạn cũng cần dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ mùng mền, hút bụi, hút lông chó mèo... Bạn cũng tránh khói thuốc lá, mùi hăng…

Khi cơ thể nắng mưa theo thời tiết - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Freepik

Ngoài ra, các bệnh về mũi có thể do lệch vách ngăn, polip. Lúc này bạn cần gặp bác sĩ để xử lý dứt điểm vấn đề. Nếu bạn đã rất kỹ nhưng vẫn bị xoang hành thì có thể phòng bị sai mục tiêu. Lúc này, thay vì đổ thừa xoang, bạn nên chuyển chú ý sang mũi.

Cách đây mấy hôm mình bị chảy máu mũi, ướt hết mấy miếng khăn giấy. Mình sợ quá, không biết như vậy có nguy hiểm không? Mình hy vọng chỉ là do thời tiết thôi.

Khánh Tường (Đức Hòa, Long An)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Ngoài viêm nhiễm, dị ứng, lệch vách ngăn…, chảy máu mũi còn có nguyên nhân từ không khí nóng, lạnh, thiếu độ ẩm. Độ ẩm thấp khiến niêm mạc mũi bị khô giòn, trở nên mong manh dễ vỡ. Đặc biệt, máy lạnh cũng là thủ phạm gây “đổ máu mũi”.

Để mũi khỏe mạnh, bạn cần cấp ẩm cho mũi bằng việc nhỏ nước muối sinh lý, uống nhiều nước, xông hơi, tắm nước nóng.

Bạn cũng cần cấp ẩm cho không khí bằng cách đặt thau nước, phun sương trong phòng máy lạnh... Bạn không nên ngoáy mũi, xì mũi mạnh, không cố thủ trong phòng máy lạnh quá lâu. Ăn nhiều rau xanh, quả mọng nước, kiêng cà phê, thuốc lá… để giúp mũi khỏe mạnh hơn.

Để biết chính xác tình trạng bệnh của mình, bạn nên đến cơ sở y tế thăm khám, bạn nhé!

Thời tiết này làm mình có cảm giác buồn bã, chán đời không cưỡng nổi.

Thu Thương (quận 5, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Thời tiết có tác động rất lớn đến tâm trạng! Ông bà xưa vẫn thường bảo “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” mà. Tiết trời thu đông, mưa bão u ám... có thể gây ra chứng rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD), gọi nôm na chứng rầu thúi ruột do thời tiết.

SAD bắt tay với trầm cảm có thể dẫn đến ý định tự sát. Việc thiếu ánh sáng làm giảm hormone tâm trạng (serotonin, melatonin). Để hóa giải cơn buồn man mác này, bạn nên thường xuyên ra ngoài đón ánh sáng tự nhiên.

Nếu ở trong phòng thì hãy bật hết đèn, đừng rúc trong phòng gặm nhấm nỗi buồn. Bạn có thể dùng thuốc nhưng nhất định phải theo chỉ định của bác sĩ.

Mấy hôm mưa rỉ rả, đầu gối mình có cảm giác nhức rất khó chịu. Mình nghe nói chỉ người già mới bị xương khớp. Mình mới tuổi teen, lẽ nào bị sớm thế?

Ngọc Tiên (quận Bình Tân, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Trừ viêm nhiễm, chấn thương, dị tật thì chứng nhức mình nhức mẩy ở tuổi teen là do chứng đau xương tăng trưởng hoặc viêm lồi củ xương chày. Cả hai bệnh này đều lành, đa phần điều trị đơn giản với thuốc giảm đau, kháng viêm (toa), xoa bóp, ăn đủ chất, thể thao vừa phải.

Nắng mưa thường chỉ gián tiếp can dự vào cơn đau xương dậy thì. Chẳng hạn các bạn chơi thể thao quá mức những ngày nắng đẹp hoặc ngược lại bó gối tronng những ngày mưa tù túng, thiếu hụt vitamin D.

Cả tháng nay mình luôn có cảm giác no ngang, hết hứng thú ăn uống. Mình nghe nói trời nắng mới chán ăn, còn mình lại chán ăn mùa mưa, kỳ vậy?

Trung Tính (Cần Thơ)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Tiết trời cũng ảnh hưởng đến bao tử. Thông thường mùa nắng người ta thường có cảm giác chán ăn, còn mùa lạnh thì ngược lại. Đây là kết quả của hormone, chuyển hóa, ánh sáng… Việc sáng nắng chiều mưa cũng ảnh hưởng đến bao tử không kém.

Bạn có thể dùng chiêu chống chán ăn mùa nóng: uống nước, bữa ăn hấp dẫn, ưu tiên món hấp nấu thay vì chiên xào… Đặc biệt, bạn phải xử lý tâm trạng trước đã. Không khí ủ dột khiến trung khu thèm ăn trên não cũng mất hứng theo.

Chứng trào ngược dạ dày của mình có vẻ tăng nặng thời gian gần đây. Có phải là thời tiết mưa nắng…

Huy Hoàng (Bình Dương)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Trào ngược dạ dày - thực quản (GERD) rất hay “té nước theo mưa”. Sở dĩ ợ chua, ợ nóng, bệnh GERD trở chứng vào mùa mưa, mùa lạnh là do nhiệt độ lạnh khiến niêm mạc dạ dày yếu mềm hơn, kích tăng tiết dịch vị.

Những ngày lạnh, nhiều bạn có xu hướng ăn no, ăn vặt, dùng chất kích thích, gia vị... nhiều hơn khiến trào ngược có điều kiện trỗi dậy.

Để khắc phục, bạn nên ăn uống điều độ, chia nhỏ bữa ăn, tránh món chua, cay, dầu mỡ, giờ giấc ăn ngủ khoa học, không vừa ăn vừa lo ra (điện thoại, ti vi, bài vở), giữ ấm cổ ngực, thể dục thể thao… Bạn tiếp tục dùng thuốc GERD nếu có, tăng liều nếu cần với toa bác sĩ .

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: