avatar TÂM HUỲNH

Thứ sáu, 11/08/2023 07:00 (GMT+7)

Nước biển trong xanh nhìn đến tận đáy, từng đàn cá dạn dĩ bơi xung quanh mình, những rặng san hô óng ánh đủ màu sắc… Đó là những gì mà em Nguyễn Lê An Nhiên (Lớp 6, Trường Vinschool, Hà Nội) cùng bạn bè tận mắt nhìn thấy khi được trải nghiệm cùng thiên nhiên trên đảo Hòn Cau.

Có một thế giới phía ngoài đại dương

Hòn Cau (còn gọi là Cù Lao Câu thuộc tỉnh Bình Thuận) là khu bảo tồn biển đa dạng bậc nhất Việt Nam. Trong đó, có hệ sinh thái thảm cỏ biển và rạn san hô với hơn 239 loài, trải dài hơn 20 km.

Biển Hòn Cau là ngôi nhà chung của nhiều loài sinh vật biển, trong đó có các loài quý hiếm như cá voi, cá heo và rùa biển - loài động vật đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Không chỉ có hệ sinh thái dưới biển, mà các loài thực vật trên đảo cũng rất đa dạng, một số loài thuộc Sách đỏ cần được phát triển và bảo tồn.

Con tàu rẽ sóng băng băng về phía trước. Những đợt sóng cứ nở ra trắng xóa dưới nắng trưa rực rỡ. Xa xa, trạm bảo tồn biển Hòn Cau dần hiện ra với lá cờ Tổ quốc bay phấp phới trong gió. Tàu vừa cập bến, các bạn vui mừng reo lên: "Wow! Đẹp quá!"

Sống xanh ở Hòn Cau - Ảnh 1.

Bãi biển trong xanh ở Hòn Cau.

Sống xanh ở Hòn Cau - Ảnh 2.

Một góc khu bảo tồn.

Sắp xếp hành lý xong xuôi, các bạn được các cô chú trong khu bảo tồn giới thiệu một vòng quanh quanh đảo. Mặt biển tĩnh lặng như hồ. Nắng chiếu xuống biển làm cảnh vật hiện rõ mồn một. Theo lời kể của các cô chú, san hô khu vực này trước đây rất đẹp, nhưng môi trường biển đang bị ô nhiễm nên chết dần.

Cô chú còn dặn không được dẫm đạp hay chạm vào san hô, không nên bôi kem chống nắng vì trong kem chống nắng thành phần gây ảnh hưởng đến san hô.

Chính vì thế, để bảo vệ môi trường biển, nhiều hành động liên quan đến môi trường đã được mọi người trên đảo nhắc nhở nhau thực hiện như: không dùng ống hút, túi nylon, chai nhựa; không xả rác ở bãi biển, khuyến khích mang rác thải về đất liền... Điều đó khiến các bạn phải bật chế độ sống xanh một cách nghiêm khắc.

Sống xanh ở Hòn Cau - Ảnh 4.

Thảm thực vật trên đảo rất đa dạng.

Hòn Cau - ngôi nhà chung của rùa biển

Trái ngược với không gian sống động bên ngoài, nhịp sống trên đảo rất trong lành và bình yên. Các bạn được các cô chú tập huấn công tác bảo tồn rùa biển, hệ sinh thái và nhiều loại sinh vật biển khác.

Sống xanh ở Hòn Cau - Ảnh 5.

Các bạn cùng nhau nhặt rác

Để giữ cho môi trường biển đảo sạch đẹp hơn, các bạn đã rủ nhau nhặt rác thải nhựa xung quanh đảo. Những đôi chân nhỏ bám chặt trong bờ cát trắng, đôi tay thoăn thắt cứ thấy chai nhựa, rác thải là nhặt lên liên tục. Thoáng chốc, đường bờ biển đã trở nên sạch sẽ.

Không chỉ thế, các bạn còn được trải nghiệm buổi tuần tra đầy thử thách cùng nhân viên. Mọi người chuẩn bị túi ngủ, vác lều đi canh bãi rùa. Ai nấy đều rất hào hứng với đêm đầu tiên được ngủ trên đảo.

"Chiếc giường ở nhà êm lắm, nhưng cảm giác được ngủ cùng thiên nhiên thú vị hơn nhiều. Chỉ cần mở mắt ra là thấy cả bầu trời đầy sao, bên tai là tiếng sóng vỗ rì rào, hít thở bầu không khí trong lành thật là thích" – An Nhiên hào hứng kể.

Sống xanh ở Hòn Cau - Ảnh 6.

An Nhiên tập lặn bằng ống thở.

Có trải nghiệm mới biết được sự vất vả của các cô chú ở khu bảo tồn. Để bài học được thực tế hơn, các cô chú còn mô phỏng dấu vết của rùa lên đẻ trứng, ổ rùa… và dạy cho các bạn nhận diện cũng như di dời trứng về hố ấp an toàn.

An Nhiên chia sẻ: "Tớ đã làm hẳn một poster về kiến thức mà tớ học được. Rùa đẻ trứng như thế nào, cách làm ổ, khả năng tồn tại của rùa. Khi biết tỉ lệ sinh sản của rùa chỉ được 2 hoặc 3 con trên 1000 con ở tuổi trưởng thành. Tớ càng có ý thức bảo vệ môi trường hơn. Tớ sẽ chia sẻ kiến thức này đến bạn bè để cùng tuyên truyền giữ gìn vệ sinh biển đảo, ngôi nhà chung của rùa biển".

Sống xanh ở Hòn Cau - Ảnh 8.

Truy vết rùa và đào ổ rùa.

Thích nhất là những hoạt động dưới nước, các bạn được chia đội chơi game lặn tìm kho báu khiến mọi người thích mê. Sau khi được dạy lặn ống thở snorkerling, các bạn khá bất ngờ vì bên dưới làn nước trong xanh kia chính là một thế giới rộng lớn. Những thảm san hô đủ màu sắc óng ánh trải dài, là nơi trú ẩn của các tôm, cua, cá…

Sống xanh ở Hòn Cau - Ảnh 7.

Bảo Châu đang thực hành chưng cất nước ngọt từ nước mặn.

Bạn Đỗ Lê Bảo Châu (lớp 7, trường True North School, Hà Nội) kể: "Nước ngọt trên đảo rất hiếm, phải vận chuyển từ đất liền, dùng năng lượng mặt trời để tạo ra nguồn điện. Vì thế, ở trên đảo, mọi người nhắc nhở nhau phải sống thật tiết kiệm. Mỗi ngày chỉ có 30 phút để sử dụng điện thoại. Vì thế, tớ đã dành toàn bộ thời gian của mình để thích ứng, kết nối với thiên nhiên. Sau chuyến đi, tớ đã học được cách tiết kiệm nước, sử dụng điện hợp lý khi trở về nhà".

Sống xanh ở Hòn Cau - Ảnh 9.

Những bé san hô "noel" rất dễ thương.

Chị Xuân Sami (CEO, Founder Tổ chức giáo dục KiraKira, chuyên gia điều phối và tổ chức các hoạt động dành cho thanh thiếu niên) cho biết: "Sau chuyến đi, nhiều bạn đã trở thành đại sứ môi trường bằng cách lan tỏa đến bạn bè và gia đình đừng ăn trứng rùa, đừng mua san hô... Các bạn được hiểu và biết tác hại của rác thải nhựa đến môi trường biển. Do thời tiết trên đảo còn khắc nghiệt nên những ngày đầu tiên các bạn còn than vãn, kêu la. Nhưng qua từng ngày, các bạn đã trưởng thành hơn, biết cảm nhận nhịp sống trên đảo bằng tất cả các giác quan và có được những trải nghiệm tuyệt vời cùng thiên nhiên".

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: