Mùa nóng đề phòng cảm cúm, lưu ý khi uống nước, sử dụng máy lạnh

Thứ năm, 28/03/2024 20:05 (GMT+7)

Cảm cúm thường tác oai tác quái vào mùa lạnh, tuy nhiên, mùa nóng cũng có nhiều sơ hở để căn bệnh này có điều kiện tấn công.

Mùa nóng đề phòng cảm cúm, lưu ý khi uống nước, sử dụng máy lạnh- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Hỏi: Mùa nóng nhưng sao lại có nhiều người mắc cảm cúm thế ạ, có ngược đời không?

Đình Vinh (quận 3, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Nguyên nhân là do sốc nhiệt, từ máy lạnh đi ra nắng hoặc ngược lại, đi nắng về tắm ngay.

Ngoài ra, nắng nóng còn làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến chúng ta ăn không ngon ngủ không yên, tạo cơ hội cho cảm cúm tấn công.

Đó là chưa kể khi trốn nắng trong phòng kín đông người, chúng ta trở thành mồi ngon cho virus cảm cúm. Do đó, phòng cảm cúm mùa nóng cần quan tâm không kém mùa lạnh.

Hỏi: Làm cách nào giảm bớt các triệu chứng khó chịu do cảm cúm mang lại?

Đức Tuấn (Cần Thơ)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Triệu chứng cảm cúm nào cũng khó chịu, nhưng lợi hại hơn cả là đau mình, ho, rát họng, nghẹt mũi. Tùy mục tiêu mà tìm cách đối phó.

Nếu đau mình thì chườm nóng hoặc lạnh, uống thuốc giảm đau, nghỉ ngơi. Nếu ho nên uống nhiều nước để làm loãng nhày, xông hơi, uống thuốc ho. 

Nghẹt mũi thì rửa xịt nước muối sinh lý, ngủ cao đầu, tăng độ ẩm phòng, thuốc thông mũi. Đối phó với đau họng thì uống nhiều nước, súc họng bằng nước muối, uống trà gừng/chanh/mật ong...

Để giảm khó chịu “trọn gói”, chúng ta cần tăng cường đề kháng, dinh dưỡng tốt, ăn ngủ đầy đủ.

Hỏi: Nước dừa giải khát rất tốt nhưng mẹ nói vừa đi ngoài nắng về không được uống nước dừa, vì sao thế ạ?

Tiến Thành (Tiền Giang)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Dù mùa nóng hay lạnh thì việc lạm dụng nước dừa có thể dẫn đến những tác dụng phụ như rối loạn điện giải, hạ huyết áp, lạnh bụng tiêu chảy, tăng đường huyết...

Vấn đề là nước dừa là món giải khát, giải nhiệt ưa chuộng vào mùa nóng nên dễ quá liều, khiến xác suất gặp sự cố tăng theo. Chưa kể, nước dừa khi bị mang ra khỏi vỏ gặp nóng dễ bị hư hỏng, cộng với chế biến kém vệ sinh khiến bạn bị tiêu chảy.

Nên chọn nước dừa tươi, làm lạnh không dùng đá, uống không quá 1 - 2 ly/ngày là an toàn.

Hỏi: Mùa nóng uể oải mình thường cầu cứu nước tăng lực, chỉ cần ực một phát là phấn chấn lại liền. Nhưng mình nghe nói không nên uống nhiều?

Ngọc Dung (quận 5, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Nước tăng lực gây khó ngủ, tăng nhịp tim, huyết áp, tiểu nhiều... Khi “bắt tay” cùng nắng nóng, hậu quả sẽ nặng nề hơn. Chẳng hạn bạn đang dọa sốc nhiệt mà tim nhảy lô tô, huyết áp tăng thì sẽ... lành ít dữ nhiều.

Hỏi: Ngủ nhiều vào mùa nóng không tốt chút nào?

Hải Tiền (quận 7, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Ngủ được thì tốt (giúp khỏe người, tăng đề kháng, tinh thần vui vẻ) nhưng trong bối cảnh nắng nóng lại lợi bất cập hại: ngủ trưa làm khó ngủ buổi tối (trong khi đây là giấc giúp sức khỏe hưởng lợi nhất), ngủ lúc trời oi bức thức dậy dễ bị đau đầu, mệt mỏi.

Cơ thể thường bị mất nước qua mồ hôi nhiều bởi không được can thiệp khi ngủ mê. Tốt nhất tránh ngủ nhiều vào mùa nóng, nếu có nên ưu tiên cho giấc ngủ tối.

Hỏi: Ra ngoài mùa nắng đổ lửa thì trang bị quần áo chống nắng hay dùng ô che tốt hơn ạ?

Lệ Thúy (quận Bình Thạnh, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Cả hai đều “kẻ tám lạng người nửa cân”, chọn phụ kiện nào tùy sở thích và điều kiện của bạn nhé!

Nắng nhẹ có thể dùng ô để che mặt và phần trên cơ thể, thoát mồ hôi tốt. Ngược lại nếu nắng gay gắt thì quần áo chống nắng giúp che phủ tốt. Tương tự thời gian ngoài trời ngắn thì cân nhắc với ô và ngược lại. Tuy nhiên, để chống tia UV thì trang phục sẽ tốt hơn ô.

Hỏi: Cách chỉnh nhiệt độ máy lạnh chuẩn nhất vào mùa nóng?

Khánh Băng (quận 6, TP.HCM)

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn: Nhiệt độ lý tưởng nhất là 26 - 28 độ C, có thể sử dụng chế độ hẹn giờ vào buổi tối. Khi chỉnh nên để cánh quạt hướng lên trên để gió phủ khắp phòng, chọn tốc độ quạt vừa đủ. Nên thường xuyên vệ sinh điều hòa, bộ lọc bụi.

Một số mẹo sử dụng máy lạnh trong mùa nóng

* Dùng rèm, mành che cửa sổ, cửa ra vào chặn bớt nhiệt bên ngoài vào, vừa đỡ vất vả cho máy lạnh vừa tiện cho người dùng.

* Tắt bớt các thiết bị tỏa nhiệt, nhất là đặt gần máy lạnh.

* Tăng độ ẩm phụ thêm máy lạnh bằng thau nước, quạt phun sương.

* Gọi thêm viện binh quạt điện, vừa đỡ tốn tiền điện, vừa giúp việc cấp lạnh của điều hòa nhanh hơn.

* Uống nhiều nước tránh mất nước.

* Bố trí cây xanh quanh nhà, hoặc đặt chậu hoa trong phòng.

Lời khuyên cho bạn là không nên ỷ lại vào máy lạnh. Lạm dụng máy lạnh cũng gây rắc rối không kém tiết trời oi bức.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: