HIV tấn công teen (kì cuối): Tia sáng nào cho người nhiễm HIV?

avatar DUY LÊ

Thứ bảy, 10/06/2023 22:38 (GMT+7)

Ở hai kì đầu, phóng viên đã đề cập những câu chuyện của các bạn trẻ vì một phút tò mò, dại dột quan hệ tình dục không an toàn nên đã bị nhiễm HIV. Câu hỏi đặt ra là teen cần phải làm gì nếu trót quan hệ không an toàn và nghi ngờ bản thân có thể mắc các bệnh tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS?

Anh Việt Nguyễn (Chuyên viên hỗ trợ cộng đồng tổ chức G3VN) đã giải đáp một số câu hỏi mà anh thường nhận được từ teen về HIV.

Kì cuối S.O.S HIV tấn công teen: Tia sáng nào cho người nhiễm HIV? - Ảnh 1.

Anh Việt Nguyễn xét nghiệm HIV lưu động cho một bạn trẻ. (Ảnh: Việt Nguyễn cung cấp)

@ Nếu quan hệ tình dục không an toàn hoặc gặp các "tai nạn" khi quan hệ như bị tuột bao, rách bao, hoặc giẫm phải kim tiêm… khiến bản thân có nguy cơ nhiễm HIV, mình cần làm gì?

Trong vòng 72 giờ đầu tiên kể từ lúc bị "tai nạn" bạn nên liên hệ, đến các trung tâm hỗ trợ hoặc các tổ chức cộng đồng để được tư vấn, xét nghiệm trước và sau khi sử dụng uống thuốc. Hiện nay, đã có nhiều loại thuốc phòng ngừa, điều trị HIV trước và sau khi phơi nhiễm như PrEP, Pep, ARV.

Nếu cần thiết bạn sẽ được tư vấn uống Pep sau phơi nhiễm. Pep sẽ được uống liên tục trong 28 ngày, sau đó bạn cần đi xét nghiệm xác định mình có nhiễm HIV hay không?

@ Vậy tình huống nào mình mới cần dùng PrEP?

PrEP là thuốc uống trước phơi nhiễm dùng cho những người chưa có nguy cơ nhiễm HIV nhưng thường xuyên tiếp xúc (như quan hệ tình dục, dùng chung kim tiêm…) với các đối tượng có nguy cơ nhiễm HIV hoặc đang nhiễm HIV. Vì vậy bạn có thể chủ động tìm hiểu cách dùng PrEP trước khi tiếp xúc với các đối tượng này để đảm bảo an toàn cho bản thân.

@ Đã uống PrEP trước phơi nhiễm vậy mình không cần dùng bao cao su khi quan hệ vẫn an toàn phải không?

Tuyệt đối không! PrEP chỉ ngăn ngừa nhiễm virus HIV hơn 90%. Hơn nữa PrEP chỉ có tác dụng với HIV, còn khi quan hệ không an toàn bạn vẫn có nguy cơ mắc các bệnh tình dục khác như sùi mào gà, giang mai… nên bao cao su vẫn rất cần thiết.

@ Trường hợp bản thân đã quan hệ tình dục không an toàn trước đó khá lâu, không có biện pháp gì bảo vệ. Bây giờ mình cần phải làm gì?

Không phải bất kì bạn teen nào cũng đủ mạnh dạn để bước đến phòng xét nghiệm HIV. Nếu teen nghi ngờ bản thân từng có nguy cơ nhiễm HIV, trước tiên bạn nên bình tĩnh, sau đó cần làm các bước sau:

Mạnh dạn đi xét nghiệm HIV tại các bệnh viện, hoặc tại trung tâm hỗ trợ cộng đồng. Hiện nay tại mỗi quận/huyện tại TP.HCM đều có trung tâm hỗ trợ cộng đồng. Ở đây sẽ có các nhân viên tư vấn giúp các bạn có những hướng xử lí phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Hoặc bạn cũng có thể tìm đến sự giúp đỡ của các tổ chức cộng đồng xét nghiệm miễn phí như G3VN, Sắc màu cuộc sống, Aloboy, Gline…

Trong trường hợp bạn không bị nhiễm HIV sẽ được chuyên viên tư vấn thay đổi hành vi để an toàn hơn cho tương lai. Không may các bạn dương tính sẽ được chuyên viên ổn định tâm lí và làm cầu nối giúp bạn liên kết với các cơ sở y tế ở địa phương để bạn có phương hướng điều trị như mua bảo hiểm, làm thủ tục cấp thuốc ARV…

HIV/AIDS không còn là căn bệnh thế kỉ mà được xem là bệnh mãn tính, người không may bị "dính" HIV sẽ có phác đồ điều trị với thuốc ARV để có thể đạt ngưỡng tải lượng an toàn K = K (viết tắt Không phát hiện = Không lây truyền). Nếu người bệnh HIV tuân thủ đúng phác đồ điều trị, đáp ứng thuốc tốt có thể sống được đến tuổi thọ tự nhiên của mình.


Một bạn teen mắc HIV, giang mai và đã điều trị khỏi giang mai, kiểm soát được tải lượng HIV nhờ tuân thủ đúng phác đồ điều trị. (Ảnh: Tấn Huỳnh)

Tự sự từ người đã nhiễm HIV

Bị dương tính với HIV ở tuổi 19, bạn Ngọc Thanh Lam (sinh năm 1999, Q.Phú Nhuận) muốn chia sẻ lại câu chuyện của mình, như là một bài học để các bạn trẻ khác hiểu cái giá phải trả cho sự tò mò, dại dột của tuổi trẻ và phải biết cách tự bảo vệ bản thân.

Mình là Ngọc Thanh Lam. Cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, mình lớn lên trong gia đình có đầy đủ tình yêu thương của ba mẹ. Nhưng từ nhỏ mình vẫn thấy đâu đó trong bản thân có nhiều điều khác biệt khiến mình luôn muốn tìm tòi, khai phá con người bên trong.

Đó là thời điểm năm lớp 7 mình đã biết đến smartphone, tập sử dụng các app hẹn hò. Tuổi nhỏ ngây thơ mình bắt đầu nghe lời dụ dỗ từ các mối quan hệ xấu. Họ là những người đàn ông lớn tuổi có nhiều lời hứa hẹn ngọt ngào, để từ đó là vô số lần mình bị lợi dụng tình dục.

Càng sa đọa vào các mối quan hệ mơ hồ qua app hẹn hò, mình càng trở nên lạc lối. Đỉnh điểm là năm lớp 10 mình đã phải học lại đến ba năm, để rồi cuối cùng mình quyết định xin nghỉ học, rời xa gia đình dọn ra ngoài và lao ra cuộc sống tự lập tự kiếm tiền với đủ nghề từ phục vụ, bán shop thời trang cho đến tập tành cộng tác viết báo…

Rời xa vòng tay của gia đình, cuộc sống của mình càng mất phương hướng. Tất cả những người hứa hẹn sẽ thương yêu mình thời điểm này cũng chỉ dừng lại là mối quan hệ mập mờ, tìm đến mình chỉ vì nhu cầu bản năng. Và sau tất cả mình phát hiện đã bị nhiễm HIV ở tuổi 19.

Trước đó mình cũng đã tự ý thức với lối sống buông thả của bản thân sẽ rất dễ nhiễm HIV, nhiều lần mình chủ động đi xét nghiệm nhưng may mắn vẫn âm tính. Cho đến một ngày cơ thể mình xuất hiện nhiều biểu hiện lạ: sốt kéo dài một tuần, cơ bắp bị uể oải, móng chân bầm đen không lí do… nên mình quyết định đi xét nghiệm HIV một lần nữa.

"Hai vạch rồi, dương tính nha em" – anh trai xét nghiệm cho mình thông báo kết quả. Chẳng hiểu sao lúc đó mình bình thản đến lạ lùng, không buồn không hốt hoảng đến mức anh ấy phải hỏi: "Em ổn không, em tính sao?". Đáp lại câu hỏi đó lại là một câu hỏi vô tư của mình: "Là tối nay em sẽ chết hay sau này em mới chết?"

Thật sự ngay thời điểm đó mình chẳng lo lắng với kết quả này đâu, nhưng điều khiến mình rơi vào vực sâu chính là bị người yêu mang ra bêu rếu. Mình đã chia sẻ bệnh tình cho anh ấy nghe những đổi lại anh ấy mang chuyện này kể trong nhóm chat có rất nhiều bạn bè của mình.

Dù được bạn bè cảm thông, an ủi nhưng mình cũng nhận về không ít thái độ gièm pha, cười chê, phân biệt. Mình là người không thích mọi chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát, tại sao bệnh tình của mình phải để cho người khác nói ra? Nên mình quyết định công khai trước gia đình.

Mẹ mình là một người rất nghiêm khắc với con cái. Hôm đó, khi mình để hồ sơ bệnh án lên bàn, mẹ nhìn thấy và lạnh lùng hỏi:

- Cái gì đó?

- Bệnh án, con bị bệnh.

- Mày bị gì?

- HIV!

Ngay lúc đó mình đã sẵn sàng tâm thế để đón nhận cơn thịnh nộ từ mẹ. Nếu như trước đây khi mình có lỗi lầm, mẹ thường "bù lu, bù loa". Nhưng không, ngay lúc đón nhận kết quả con trai dương tính HIV, mẹ nói trong tiếng thờ dài: "Thấy chưa tao nói rồi mà!", còn ba mình chỉ im lặng.

Nếu như trước đây mình có một khoảng cách vô hình với gia đình vì sự nghiêm khắc của mẹ, sự kì vọng của ba thì từ sau ngày biết tin mình bị HIV/AIDS, gia đình lại trở nên gần gũi với mình hơn. Mình cảm nhận được sự lắng nghe từ những người thân.

Đến nay mình vẫn uống thuốc điều trị theo phác đồ, sức khỏe và tâm lí đã ổn định hơn rất nhiều, tìm được lí tưởng cho bản thân. Hai năm qua mình dành thời gian hoàn thành được cuốn tự truyện mang tên Kỷ nguyên Aphrodite dự kiến xuất bản tháng 11 sắp tới. Mình cũng sẽ đi học thêm tiếng Anh giao tiếp để theo đuổi công việc hướng dẫn khách du lịch nước ngoài trong tương lai…

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: