S.O.S HIV tấn công teen: Giọt nước mắt muộn màng

avatar DUY LÊ

Thứ sáu, 09/06/2023 20:30 (GMT+7)

24 giờ đêm chuông điện thoại của anh Ngô Tấn Huỳnh (Chuyên viên hỗ trợ cộng đồng, DNXH The Gate) reo, bên kia đầu dây là bạn B.A (19 tuổi, quận 6, TP.HCM) giọng nói hớt hải xen lẫn tiếng khóc...

"Anh ơi em mới quan hệ với người lạ nhưng em bị tuột bao rồi, em có nhiễm HIV không? Em phải làm sao?", B.A cầu cứu. 

Trong nỗi âu lo phơi nhiễm HIV

Trường hợp của B.A không quá bất ngờ đối với anh Tấn Huỳnh. Gắn bó với công việc hỗ trợ xét nghiệm HIV miễn phí 5 năm qua, anh Tấn Huỳnh đã tiếp xúc với hàng trăm trường hợp đặc biệt, cấp bách và cả nghĩ quẩn. Với kinh nghiệm của mình anh Tấn Huỳnh lập tức trấn an và hẹn gặp B.A để hướng dẫn uống thuốc Pep chống phơi nhiễm HIV.

Đủ thời gian quy định, 28 ngày sau B.A được anh Tấn Huỳnh hẹn gặp để xét nghiệm xác định có nhiễm HIV hay không. Trong vai trò là trợ lí của anh Tấn Huỳnh, tôi được anh cho phép ngồi cạnh để theo dõi ca xét nghiệm HIV thực tế sẽ diễn ra như thế nào. B.A xuất hiện trước mặt tôi với tinh thần khá lo lắng, nét mặt dè dặt.

Để B.A bớt căng thẳng, anh Tấn Huỳnh vừa xét nghiệm vừa trò chuyện với cậu bạn:

- Em mới đi đâu về nên ghé qua xét nghiệm luôn à? Nếu nay xét nghiệm kết quả dương tính thì sao?

-Thì thôi, em cũng không biết phải làm sao? Coi như xui!

Kì 2 S.O.S HIV tấn công teen: Giọt nước mắt muộn màng  - Ảnh 1.

Anh Tấn Huỳnh xét nghiệm HIV cho bạn B.A. (Ảnh: Duy Lê)

Vài phút sau có kết quả, nghe anh Tấn Huỳnh thông báo: "Ổn nha em!". Để yên tâm hơn, B.A hỏi lại lần hai: "Chắc chắn chưa bị gì phải không anh?". Được anh Huỳnh khẳng định không bị gì cả, phản ứng đầu tiên của B.A là tiếng thở phào nhẹ nhõm, cậu bạn vui vẻ ra về như trút được gánh nặng mà bản thân đã phải chịu đựng gần một tháng qua. 

Nhưng không phải ai cũng may mắn..

Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng may mắn như B.A, trong nhiều năm làm nghề của mình anh Tấn Huỳnh đã chứng kiến không ít những câu chuyện đau lòng khi người nhiễm là các bạn teen chỉ mới 16, 17 tuổi thậm chí là 14 tuổi không biết HIV, giang mai, sùi mào gà… là gì.

T.H chỉ mới 14 tuổi, ba mẹ li dị nên bạn sống cùng với bà. Vì hoàn cảnh gia đình nên cậu bạn đã nghỉ học, T.H quen được bạn trai lớn tuổi hơn mình. Sớm "vào đời" và có người yêu "sành đời" nên những lần "vui vẻ" với người yêu, T.H đều không sử dụng các biện pháp an toàn vì anh người yêu khẳng định bản thân khoẻ mạnh, đã yêu nhau thì phải tin tưởng nhau. 

Một thời gian sau cả hai chia tay và T.H tiếp tục quen người khác qua app hẹn hò, lúc này anh người yêu mới phát hiện T.H có nhiều nốt đỏ dưới da, nghi ngờ đó là triệu chứng của HIV nên dẫn cậu bạn đến gặp anh Tấn Huỳnh xét nghiệm. Nhận được kết quả dương tính với HIV và cả bệnh giang mai, với tâm lí của một bạn teen chỉ mới 14 tuổi, T.H nghĩ đơn giản rằng bệnh thì uống thuốc thôi!

Kì 2 S.O.S HIV tấn công teen: Giọt nước mắt muộn màng  - Ảnh 2.

T.H được bác sĩ tư vấn. (Ảnh: Tấn Huỳnh)

"Khi tôi dẫn T.H sang bệnh viện để điều trị bệnh, cả bác sĩ cũng cho rằng T.H bị dị ứng hoặc nổi phát ban dưới da thôi. Có thể thấy ngay cả người lớn chúng ta ít ai tin rằng một đứa trẻ chỉ mới 14 tuổi như T.H đã bị nhiễm nhiều bệnh xã hội nói chi đến các bạn lớn tuổi hơn", anh Tấn Huỳnh chia sẻ.

Kì 2 S.O.S HIV tấn công teen: Giọt nước mắt muộn màng  - Ảnh 3.

Cánh tay đầy nốt đỏ do bệnh giang mai của T.H. (Ảnh: Tấn Huỳnh)

Nếu như T.H vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc, không có sự chở che của ba mẹ, thiếu "sức đề kháng" đối với xã hội thì câu chuyện của H.S hoàn toàn ngược lại. H.S chỉ mới 16 tuổi hiện đang là học sinh lớp 11 tại quận 3. Dù đã lớn nhưng H.S luôn sống trong sự bảo bọc tuyệt đối của gia đình. 

Đi học hay đi chơi, chỉ cần H.S ra đường đều có người lớn đưa đón. Vì lí do này, H.S có tâm lí muốn được "thoát ra" khỏi vòng tay ba mẹ. Và biến cố đến với H.S từ một buổi chiều tan học, phụ huynh đến đón muộn hơn mọi ngày. 

Lúc này H.S đã đồng ý "đi chơi" với một người lớn mà bạn quen biết trước đó. Sau tất cả, sự việc này cũng bị mẹ H.S phát hiện, ba tháng sau mẹ quyết định dẫn H.S tìm đến anh Tấn Huỳnh để xét nghiệm HIV. Nhận được kết quả con mình dương tính, mẹ H.S đã xỉu ngay tại phòng xét nghiệm.

Theo lời bác sĩ Huỳnh đó chỉ là một trong rất nhiều phản ứng phổ thông thường gặp khi bệnh nhân biết mình dương tính với HIV.

Câu chuyện từ trung tâm cộng đồng

Một buổi chiều cuối tuần, tôi theo chân anh Việt Nguyễn (Chuyên viên hỗ trợ cộng đồng của tổ chức G3VN) đến Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng HIV/AIDS quận 3 để cùng hỗ trợ cho một cặp đôi LGBT không may bị dương tính. 

Tuy thời điểm tôi đến Khoa khám là 13 giờ chiều nhưng số lượng bệnh nhân khá đông. Có gần 10 bạn đang ngồi chờ để được khám, cấp thuốc. Và chỉ trong 20 phút có gần đến 20 trường hợp ra vào nơi đây để thăm khám và tất cả đều là các bạn nam trẻ tuổi.

"80% các bạn đến đây là bệnh nhân xin cấp thuốc điều trị HIV, 20% còn lại là các trường hợp khác", anh Việt Nguyễn chia sẻ. Qua quan sát của tôi, có không ít các bạn trẻ được phụ huynh dẫn đến.

Kì 2 S.O.S HIV tấn công teen: Giọt nước mắt muộn màng  - Ảnh 4.

Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng HIV/AIDS quận 3. (Ảnh: Duy Lê)

Đúng 13 giờ 30 phút chiều, H (17 tuổi, quận Phú Nhuận) và D (28 tuổi, quận Phú Nhuận) là hai bệnh nhân được anh Việt Nguyễn hỗ trợ xuất hiện. Trong lúc chờ để được gọi tên vào làm thủ tục, tôi đến bắt chuyện với H. H cho biết bạn quê ở miền Tây nhưng từ năm 14 tuổi đã nghỉ học và lên TP.HCM để làm phụ bếp. 

Đi cùng H là anh người yêu tên D, trước đó cả hai tìm đến anh Việt Nguyễn để được xét nghiệm HIV và nhận kết quả dương tính. Hôm nay cả hai đến trung tâm hỗ trợ cộng đồng xét nghiệm lại và làm thủ tục xin cấp thuốc điều trị bệnh.

Kì 2 S.O.S HIV tấn công teen: Giọt nước mắt muộn màng  - Ảnh 5.

Các bạn nam chờ khám tại Khoa tham vấn hỗ trợ cộng đồng HIV/AIDS quận 3. (Ảnh: Duy Lê)

H rụt rè chia sẻ với tôi: "Cả hai quen nhau khá lâu nên tin tưởng không sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ. Gần đây cảm thấy bản thân có nhiều dấu hiệu khác lạ nên đi khám, không ngờ dương tính". Không rụt rè như H, anh D lo lắng hơn cho tương lai của cả hai: "Bản thân mình bị bệnh không sao nhưng H còn nhỏ, không biết gia đình sẽ phản ứng ra sao?".

Kì 2 S.O.S HIV tấn công teen: Giọt nước mắt muộn màng  - Ảnh 6.

H trong lúc ngồi chờ gọi tên vào khám (Ảnh: Duy Lê)

Làn sóng HIV ở nông thôn

Không chỉ ở thành thị, tại nông thôn tình trạng lây nhiễm HIV cũng khá phức tạp. Trong một dịp về quê nghỉ lễ anh Tấn Huỳnh đã đồng ý xét nghiệm HIV cho tám bạn nam trẻ tuổi tại một xã vùng sâu vùng xa của huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long). Trong đó đã có hai ca dương tính.

Anh Tấn Huỳnh chia sẻ: "Trong tám bạn này mỗi bạn đều có những câu chuyện khác nhau như: người yêu cũ đi làm xa về thăm quê lâu ngày gặp lại nên "giao lưu" tí; Tết quen được anh trai trên thành phố về quê chơi… Dù mỗi bạn là một câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả đều cùng một lí do đó là quan hệ tình dục không an toàn dẫn đến nhiễm HIV một cách đáng tiếc".

***

Không phải bạn teen nào cũng có đủ kĩ năng, kiến thức cơ bản để đối diện với HIV. Trong kì cuối, phóng viên sẽ giúp teen biết thêm những điều cần làm ngay nếu bản thân từng "trót dại" và nghi ngờ mình có nguy cơ nhiễm các bệnh tình tục, đặc biệt là HIV/ AIDS. 

Bên cạnh đó với góc độ của một người bị nhiễm HIV, bạn Ngọc Thanh Lam (sinh năm 1999, quận Phú Nhuận) sẽ tự kể lại câu chuyện của chính mình như là một bài học để nhắn gửi đến các bạn trẻ. Mời bạn đón đọc kì cuối: Tia sáng nào dành cho người nhiễm HIV?

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: