Hạn mặn ở miền Tây, teen học cách thích ứng

Thứ tư, 24/04/2024 12:21 (GMT+7)

Những cánh đồng hanh hao, thửa đất nứt nẻ, dòng kênh trơ đáy… mùa hạn mặn ở miền Tây khiến cuộc sống của nhiều bạn trẻ phải đổi thay và học cách thích ứng.

Hạn mặn ở miền Tây, teen học cách thích ứng- Ảnh 1.

Bạn Bùi Đăng Khoa (lớp 11, Trường THPT Gò Công Đông, Tiền Giang) xách nước ngọt về để gia đình sử dụng- Ảnh: YÊN HÀ

Tròng trành những thùng nước ngọt

20h, Đăng Khoa (lớp 11, Trường THPT Gò Công Đông) đạp xe từ lớp học thêm về nhà nhanh hơn thường lệ, lòng có chút bồn chồn. Xe nước sạch từ thiện từ TP.HCM đã về đến nhà dì Thu đầu ngõ. 

Khoảng sân rộng đã lỉnh kỉnh can, xô, chậu từ ban sáng, nơi cả xóm “tập kết” hứng nước. Mùa hạn mặn ở miền Tây, nhịp sống bình thường của người dân có sự thay đổi.

Hạn mặn ở miền Tây, teen học cách thích ứng- Ảnh 2.

Cánh đồng đất khô nứt nẻ ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang - Ảnh: YÊN HÀ

Khoa cũng không ngoại lệ, cậu bạn sống chung với hạn mặn đã ba tuần. Xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang là một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Khi những dòng nước ngọt từ vòi yếu dần rồi dứt hẳn, mọi sinh hoạt dường như đảo lộn. Xóm trông đợi vào những chuyến xe nước thiện nguyện từ TP.HCM, Bình Dương, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đổ về hỗ trợ.

Hạn mặn ở miền Tây, teen học cách thích ứng- Ảnh 3.

Người dân xóm Khoa ở ấp 4, xã Tân Phước lấy nước hỗ trợ - Ảnh: YÊN HÀ

Gia đình Khoa có 6 người nhưng ông bà nội đã lớn tuổi, mẹ và em gái sức yếu, Khoa và ba thay nhau gánh nước về nhà. Cậu nắn nót viết tên lên bình, đặt ở điểm tập trung để bơm nước từ các xe bồn. Ba đi buổi sáng, Khoa đến buổi tối. 

Mỗi đợt bạn mang 20 can hứng nước nhưng xe chỉ chở được 2 can, cậu bạn phải di chuyển 10 lượt mới đủ số nước cho cả nhà dùng.

Khoa chia sẻ: “Thùng nước nặng nhưng mình phải di chuyển chậm để không đổ ra ngoài, vặn nắp thật chặt mới đẩy lên xe bởi nước rất quý giá. Mình xúc động và cảm kích trước sự hỗ trợ của bà con”.

Trong tối ngày 11-4, khi chiếc xe nước dừng trước nhà dì Thu, tiếng í ới gọi nhau ngày một dày. Người khỏe xách phụ người già, nhà ít người nhường nhà có nhiều trẻ nhỏ, người nấu hủ tiếu đãi nhóm tình nguyện chuyển nước.

Cái xóm nhỏ lao xao đến tận 10h đêm, đến khi mọi nhà trong ấp đều có đủ nước dùng.

Giống như Khoa, bạn Tấn Vinh (16 tuổi) cũng trở thành trụ cột trong việc gánh nước cho gia đình. Nhà Vinh nằm nép mình bên cánh đồng đất khô nứt nẻ, những luống hành dần vàng ngọn sau nhiều tuần “khát” nước. Gia đình chỉ có hai mẹ con, có thêm xưởng may nhỏ ở ấp 3, xã Tân Phước, khoảng 10 nhân công.

Vinh thương mẹ và các cô chú vất vả may giày trong luồng hơi nóng hầm hập, cậu bạn tình nguyện đi chở nước sinh hoạt. Nhận tin đoàn từ thiện nước về, bất kể sáng sớm hay tối muộn, Vinh đều đến hứng.

Nước rất quý giá trong những ngày hạn mặn ở miền Tây

Đi qua mùa hạn mặn gần 1 tháng, Vinh mới cảm nhận được sự quý giá của nước ngọt. Mẹ dùng nước bình mua để nấu ăn, quần áo gom nhiều ngày giặt một lần, nước rửa rau tiết kiệm để rửa chén hoặc dội nhà vệ sinh.

Mẹ dặn Vinh, tiết kiệm nước hết mức có thể. Một ly nước, một thau rửa rau, một can nước sạch được chở về, mẹ đều trân trọng. Mỗi ngày, mẹ con Vinh chỉ xài từ 2 đến 3 can nước, dành cho những ngày sau nếu lỡ không còn nước hỗ trợ.

Cách đó 3 km, Thành Vinh (lớp 12, THPT Gò Công Đông, Tiền Giang) lóng cặn phần nước còn sót lại trong can, chuẩn bị tưới cho bụi hành phía sau nhà. Cậu bạn nói: “May mắn nó không chết đi, công sức mình chăm cả tháng”. Vinh biết sự quý giá của nước bởi chính bạn là người đi chở hằng ngày.

Ba Vinh theo ghe đánh bắt cá nên mỗi tháng chỉ về một lần, mẹ mắc bệnh xương khớp. Tờ mờ sáng, mẹ ra trụ nước hứng đầy can rồi nhắn tin cho Vinh dặn đi học về chở bởi mẹ xách không nổi, sợ khớp xương lại đau nhức. Cậu trả lời “dạ mẹ” mà lòng xót xa vô cùng.

Vinh đến trụ nhận nước, chạy về trên con đường làng, một bên là ruộng bắp cháy gốc, một bên là dòng kênh gần cạn đáy, nước hụt so với mép hơn 1m6. Con kênh hồi đầu năm nước vẫn xâm xấp mé bờ, chiều gió thổi thốc lên từng luồng hơi mát rượi.

4 năm trước, nhà Vinh cũng lỉnh kỉnh túi, thùng xốp, thau, bồn vài mét khối chuẩn bị hứng nước sạch do hạn mặn. Năm nay tình hình nghiêm trọng hơn, cuộc sống mẹ con vất vả nhiều bề.

Vinh chia sẻ: “Vì gánh nước rất vất vả nên mình không dám xài hoang phí. Nước xài xong là đóng vòi thật chặt, không bao giờ để chảy tràn”.

Những ngày hạn mặn, group lớp của Vinh nhảy tin nhắn liên tục. Những bạn ở các ấp ít bị thiếu nước sinh hoạt dành nhiều lời hỏi thăm, cô chủ nhiệm cũng chia sẻ cách tiết kiệm, thông tin lấy nước ở nhiều nguồn khác nhau.

Một tối tháng 4, Vinh nghe xe nước đến xóm mình. Cậu gấp tập vở, xắn tay rồi vọng vào nhà sau: “Mẹ ơi, nước về”. Trong lòng Vinh khấp khởi vui mừng, từng can nước sạch sẽ tưới tắm cỏ cây, cho mẹ nấu ăn, rửa chén. 

Bạn cũng như nhiều người hy vọng rồi mùa hạn sẽ đi qua thật nhanh...

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: