Cách teen vượt qua chuyện “ngại” chia sẻ với người lớn

avatar MTO

Thứ bảy, 29/07/2023 20:27 (GMT+7)

Tham gia diễn đàn "Đối thoại với người lớn", nhiều bạn đọc đã chia sẻ cách mình vượt qua nỗi e ngại khi muốn bày tỏ ý kiến, thậm chí là góp ý với ba mẹ, thầy cô.

Mình từng ngại chia sẻ với ba mẹ

Bản thân mình trước đây là người rất ngại chia sẻ với ba mẹ. Vì một phần mình nghĩ rằng ba mẹ sẽ không hiểu, hoặc sẽ chê trách và la mắng mình. Nhưng kể từ lần mình gặp vấn đề trong học tập và nhận được sự giúp đỡ của ba mẹ, mình bắt đầu thay đổi suy nghĩ và tập chia sẻ những vấn đề của mình cho họ nhiều hơn.

Vào năm lớp 10, mình rất thích tham gia các hoạt động phong trào của trường. Nhưng vì sợ ba mẹ nghĩ rằng đây là việc uổng phí thời gian nên thường nói dối là đi học nhóm với các bạn.

Cách teen vượt qua chuyện “ngại” chia sẻ với người lớn - Ảnh 1.

Hóa ra không như mình nghĩ, những lời nói ra đều được ba mẹ mình lắng nghe và thấu hiểu.

Một thời gian sau, vì quá sa đà vào các hoạt động khiến việc học có chút sa sút. Mình thường xuyên trễ nải bài tập, cũng như liên tục nhận về những bài kiểm tra điểm thấp.

Mình đã lo rằng những lời nói dối của mình sẽ bị phát hiện, và ba mẹ sẽ không cho mình tham gia các hoạt động phong trào nữa.

Thế nhưng, ba mẹ là người đã chủ động hỏi han mình về vấn đề học tập. Và mình cũng "thú nhận" sự thật với ba mẹ. Hóa ra không như mình nghĩ, những lời nói ra đều được ba mẹ mình lắng nghe và thấu hiểu. Mẹ đã cho mình những lời khuyên và đồng thời còn tâm sự ngược lại với mình nữa. Điều ấy đã khiến mình nhẹ nhõm đi rất nhiều.

Từ đó, mình đã bắt đầu sắp xếp lại thời gian học tập để vừa có thể tham gia tốt các hoạt động trong trường, vừa đảm bảo việc học trên lớp.

Mình thấy rằng, việc chia sẻ những vấn đề khó giải quyết, hoặc những quan điểm của bản thân cho người lớn là việc nên làm. Vì nó giúp ta hạn chế được những rủi ro, đồng thời còn biết được bản thân mình có điểm nào sai không, từ đó có thể cải thiện và phát triển bản thân.

Ái Phương (quận 1)

Có lần, trong tiết học toán, mình thấy thầy giáo ghi nhầm vài chỗ. Mình đã nêu ý kiến với thầy, vì sợ các bạn khác chép theo bị sai. Thầy cũng nhanh chóng nhận ra sơ suất đó rồi vui vẻ đính chính lại bài giảng. Mình nghĩ rằng, góp ý khi người lớn sơ suất tuy khó nhưng nếu khéo léo và chân thành thì ý kiến của bạn cũng sẽ được lắng nghe…
Bạn T (quận 6), Quỳnh Hương ghi

Không để chuyện nhỏ hóa to

Khi còn bé chúng ta luôn được dạy là phải nghe lời ông bà, cha mẹ và thầy cô. Đôi khi con cái sẽ bị cho là "trẻ hư" nếu tranh cãi. Điều này thường xuất phát từ việc người lớn dựa vào những kinh nghiệm sống, trong khi người trẻ lại cho rằng, suy nghĩ của họ mới "hợp thời" hơn.

"Mình và ba cũng tương đối "khắc khẩu" với nhau. Biết ba nóng tính nhưng vì cũng muốn tốt cho mình nên mình không đôi co. Đôi lúc ba lớn tiếng làm mẹ "ở giữa" cũng lo và chạnh lòng nhiều. Hiện tại mình còn là học sinh, vẫn còn phụ thuộc vào gia đình nhưng có lẽ về sau mình sẽ cố gắng nhiều hơn để có thể tự lập sớm và bớt phụ thuộc vào gia đình." - Phương Anh kể.

Mình khá may mắn vì có ba mẹ và khá "thoáng" và cởi mở, nhưng vẫn có những quy tắc nhất định cho con cái. Từ thời còn học cấp 3, mình được tự chọn trường chọn ngành chọn bạn để chơi và tự do tận hưởng những sở thích cá nhân. Nhưng mình vẫn biết những điều ba mẹ không thích và mình tránh nó. Mình gọi đó là sự tự do trong khuôn phép. Ba mẹ tôn trọng đời sống cá nhân của mình và mình cũng cần phải giữ phép tắc và tôn trọng ba mẹ.

Thực ra, với trách nhiệm chăm sóc gia đình, những bộn bề trong cuộc sống khiến cho ba mẹ đôi lúc không để ý đến những tín hiệu từ các con.

Tuy nhiên, theo nhiều bạn, chúng ta có thể trò chuyện, góp ý với ba mẹ, thầy cô một cách khéo léo chứ không nên biến nó thành những cuộc tranh cãi.

"Mình biết là chúng ta có tư duy tiến bộ, nhưng việc gân cổ lên để bày tỏ quan điểm với người lớn chưa bao giờ là hay ho cả. Tụi mình cũng cần hiểu là người lớn cũng có những suy nghĩ của riêng họ. Mình cần tìm hiểu lý do vì sao người lớn lại có thái độ như vậy và tìm cách giải thích một cách nhẹ nhàng những suy nghĩ của bản thân để hạn chế những cãi vả không hay." - bạn Anh Tú (Củ Chi) chia sẻ.

Cách teen vượt qua chuyện “ngại” chia sẻ với người lớn - Ảnh 5.

Lắng nghe để thấu hiểu

Millenials và gen Z là hai thế hệ được cho là có nhiều khao khát bước ra ngoài thế giới. Chúng ta đang trên hành trình đi tìm bản thân và không ngại bày tỏ chính kiến riêng dù có đi ngược lại với suy nghĩ của người lớn.

Tuy nhiên, trưởng thành vẫn là một giai đoạn đầy chông gai và thử thách. Quan niệm về "cái tôi" cũng có những khía cạnh khác nhau, tiêu cực và tích cực. Để vượt qua những cái tôi tiêu cực, đầu tiên hãy biết lắng nghe và học hỏi, chấp nhận và sàng lọc những ý kiến chưa tốt từ gia đình và xã hội, những ý kiến bất đồng đôi khi có thể cho ta những góc nhìn mới.

Yến Nhi ghi

Mình từng nghĩ "mẹ không quan tâm..."

Có lẽ, trong thâm tâm, các bạn rất muốn bày tỏ, chia sẻ, tâm sự cùng với cha mẹ rất nhiều điều. Nhưng cha mẹ đôi khi lại làm lơ, không quan tâm những điều ta muốn nói.

Các bạn biết không? Đôi khi mình có rất nhiều điều muốn trò chuyện, tâm sự với mẹ của mình, nhưng mỗi lần nói xong, mẹ lại hỏi mình: "Con vừa nói gì đấy?" hay chỉ lắng nghe qua loa, thậm chí là gạt đi, mà không cho mình một ý kiến, lời khuyên nào.

Mình cảm thấy rất buồn vì mẹ là người duy nhất để mình có thể tâm sự, chia sẻ những nỗi lòng, niềm vui... Mình luôn chọn thời điểm mẹ rảnh nhất để trò chuyện, nhưng mẹ lại gạt đi vì xem nó không quan trọng. Chính vì thế, mình cảm nhận được giữa mẹ và mình đang có "khoảng cách ".

Có một lần, mình đã mạnh dạn giãi bày với mẹ, mình muốn cho dù chuyện vui hay buồn, thì mình và mẹ có thể chia sẻ, trò chuyện, gắn kết với nhau hơn.

Mẹ mình đã xúc động và hiểu được tâm tư của mình. Từ đó, mẹ con mình đã bày tỏ, san sẻ với nhau nhiều điều hơn. Qua câu chuyện của bản thân, mình đã rút ra một bài học và muốn nhắn nhủ đến các bạn:

1. Nói với cha mẹ về những điều bạn bận lòng

Không cha mẹ nào lại không yêu thương con cái cả. Khi cha mẹ chưa hiểu thấu tâm tư của bạn, đừng ngại mà hãy mạnh dạn chia sẻ, giãi bày. Qua đó, cha mẹ và con cái sẽ cảm thông cho nhau hơn.

2. Tránh tranh cãi

Chúng ta cần thể hiện ý kiến và quan điểm của mình một cách rõ ràng, lịch sự với cha mẹ. Giữ thái độ điềm tĩnh, lễ phép. Tuyệt đối không tranh cãi, chỉ trích hay sử dụng ngôn từ không tôn trọng cha mẹ.

3. Chọn thời điểm thích hợp

Hãy chọn thời điểm phù hợp khi cha mẹ không bận rộn hoặc mệt mỏi. Đảm bảo không có những xung đột hoặc căng thẳng trong gia đình khi trò chuyện, chia sẻ vấn đề.

4. Đặt mình vào vị trí của cha mẹ:

Thử hiểu và cảm thông những lý do và quan điểm mà cha mẹ có. Điều này giúp chúng ta có một cái nhìn toàn diện và cũng giúp cha mẹ cảm thấy rằng chúng ta đang thấu hiểu và tôn trọng ý kiến của họ. Cuối cùng, mình muốn nói lời cảm ơn đến mẹ. Mẹ đã thấu hiểu, lắng nghe, trò chuyện với mình nhiều hơn. Qua đó, giữa mẹ và mình không còn là " khoảng cách " nữa, mà giờ đây chỉ còn lại niềm vui, hạnh phúc.

Bích Thảo (quận 12)

Góc nhìn pháp luật

Các pháp luật liên quan đến trẻ em như Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ trẻ em, Luật Phòng chống bạo hành gia đình… đều có những điều, khoản quy định nhằm hướng đến trẻ em được quyền "nói" lên suy nghĩ, quan điểm của mình, theo xu hướng tiến bộ là nâng cao quyền tự bảo vệ mình của trẻ em.

Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định về độ tuổi thành niên và dưới mức tuổi này là trẻ em, chưa thể tự mình tham gia, tự quyết định những quan hệ xã hội. Chính vì vậy, quy định pháp luật chung nhất là phải có người giám hộ, người phụ trách … để đảm bảo trẻ em được tham gia các quan hệ đúng quy định, đúng pháp luật. Đồng thời bảo vệ các quyền của trẻ em không bị xâm phạm.

Vì vậy, trẻ em nên thông qua người giám hộ, người phụ trách để phản biện, phản ánh hoặc góp ý là tốt nhất. Các em nên "nói" để được lắng nghe và hướng dẫn ứng xử theo hướng phát triển tích cực, phù hợp đạo đức và pháp luật.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ

Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội bảo vệ Quyền Trẻ em TP.HCM

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: