Bất ngờ những định nghĩa ‘không giống ai’ của học trò về ‘lớp học hạnh phúc’

avatar MAI TRÚC

Thứ hai, 27/11/2023 20:49 (GMT+7)

Lớp học hạnh phúc là những “tế bào” quan trọng góp phần tạo nên một trường học hạnh phúc. Không lớn lao, phức tạp, lớp học hạnh phúc qua “lăng kính” của gen Z là những điều nhỏ bé và ấm áp diệu kỳ.

Tháng 10 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có quyết định về việc ban hành và triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí Trường học hạnh phúc đối với các cơ sở giáo dục trong địa bàn thành phố.

Bộ tiêu chí gồm 18 khoản, chia thành 3 nhóm tiêu chuẩn: con người, dạy học và hoạt động giáo dục, môi trường.

Bất ngờ những định nghĩa ‘không giống ai’ của học trò về ‘lớp học hạnh phúc’- Ảnh 1.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành 18 tiêu chí về Trường học hạnh phúc - Đồ hoạ: MAI TRÚC

Không chỉ riêng TP.HCM, việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc được các cơ sở giáo dục trên cả nước quan tâm, với mục tiêu giúp học sinh có môi trường học tập lành mạnh. 

Trong quá trình đó, lớp học hạnh phúc luôn là những nhân tố có vai trò quyết định tạo nên trường học hạnh phúc – nhiều lớp học hạnh phúc sẽ tạo ra một trường học hạnh phúc.

Vậy thế nào là một lớp học hạnh phúc? Khác với suy nghĩ của đa số người lớn, khái niệm lớp học hạnh phúc trong mắt gen Z là những câu trả lời ngộ nghĩnh, thú vị và có phần hài hước.

Lớp học hạnh phúc khi có bạn bè

Khi được hỏi thế nào là một lớp học hạnh phúc, bạn P.T.T (Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11) chia sẻ: “Hôm Quốc tế Nam giới (19-11), bọn con trai tụi mình đến lớp thì thấy trong hộc bàn mỗi người đều có vài viên kẹo và tấm thiệp chúc mừng, do các bạn nữ trong lớp cố tình đi học sớm rồi “lén” để vào. Tự nhiên hôm đó thấy siêu hạnh phúc, không nghĩ con gái lớp mình lại tâm lý đến thế!”.

“Mỗi ngày đến lớp được gặp gỡ bạn bè, “tám” với nhau đủ chuyện trên trời dưới đất với mình là hạnh phúc rồi. Năm cuối rồi nên mình trân trọng khoảng thời gian gắn bó với bạn bè lắm”, bạn Thanh Trúc (lớp 12, Trường THPT Gò Vấp, quận Gò Vấp) tâm sự.

Bất ngờ những định nghĩa ‘không giống ai’ của học trò về ‘lớp học hạnh phúc’- Ảnh 4.

Tình bạn tác động tích cực đến cảm giác “hạnh phúc” của teen trong lớp học - Ảnh minh hoạ: Đoàn Trường THPT Phú Nhuận

Những tưởng đây là những câu trả lời hết sức vô tư, thế nhưng điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chí thứ nhất (thuộc nhóm tiêu chuẩn về con người) của Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc được Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành, nội dung: Tình bạn và mối quan hệ tích cực trong nhà trường dựa trên nền tảng tin tưởng, tôn trọng, bao dung, công bằng”.

Hạnh phúc là khi được thầy cô giảng dạy nhiệt tình, giảng đến khi học trò thực sự hiểu

Đối với khía cạnh học tập, bạn Thành Nhân (THCS Bàn Cờ, quận 3) thấy vui khi có thể hiểu bài ngay tại lớp, không cần phải về nhà xem lại bài hoặc hỏi lại bạn bè. Điều này chứng minh việc đi học của bạn là có hiệu quả.

“Ví dụ như học môn Văn, mình đặt câu hỏi cho những thắc mắc không có trong sách giáo khoa, mà vẫn được cô giáo kiên nhẫn giải đáp. Viết văn thì được thoải mái bộc lộ quan điểm, suy nghĩ. Cô cho lời phê cụ thể, giải thích cặn kẽ chứ không áp đặt lý thuyết rập khuôn. Lúc đó, mình thấy đi học thực sự rất vui, rất... hạnh phúc".

Bạn Vân Anh (quận Tân Bình) chia sẻ một loạt “gạch đầu dòng” khiến bạn thấy hạnh phúc khi đi học, gồm: giáo viên không dạy quá giờ; được giảng dạy bằng những “câu chuyện” thực tế bên cạnh lý thuyết bài học; có các buổi thực hành, thuyết trình nhóm không… chấm điểm.

Bất ngờ những định nghĩa ‘không giống ai’ của học trò về ‘lớp học hạnh phúc’- Ảnh 5.

Khuyến khích tư duy phản biện và phương pháp học tập sáng tạo giúp teen tiếp thu kiến thức trên lớp dễ dàng hơn - Ảnh minh hoạ: Đoàn Trường THPT Nguyễn Tất Thành

Vân Anh giải thích: “Mỗi buổi tụi mình học 5 tiết, thời gian nghỉ giữa các tiết chỉ có khoảng 5 phút. Đôi khi giáo viên giảng quá “say mê” hoặc cố giảng cho xong bài học. Việc này khiến tụi mình không có thời gian nghỉ ngơi để bắt đầu tiết học mới, nhiều lần như vậy sẽ cảm thấy rất mệt mỏi, học kém hiệu quả.

Ngoài ra, tụi mình cũng thích cách thầy cô kể những câu chuyện thực tế - bên cạnh lý thuyết trong sách giáo khoa - để lấy ví dụ cho bài học. Học sinh mà, cứ nghe giáo viên kể chuyện là chú ý ngay. Cách này cũng giúp tụi mình tập trung hơn nếu có lỡ lơ đễnh.

Trường mình rất hay tổ chức các hoạt động thực hành nhóm, hoặc thuyết trình để lấy điểm. 

Làm thì vui, nhưng đôi khi mình rất áp lực điểm số. Bởi các hoạt động này diễn ra thường xuyên, chỉ cần “tuột dốc” một lần thì môn học cũng có khả năng bị “kéo điểm”. 

Mình ước được làm bài nhóm không cần chấm điểm một lần, chỉ làm để hiểu bài hơn, và cho… vui thôi”.

Những chia sẻ tưởng chừng đơn giản này cho thấy các yêu cầu về việc phát huy các phương pháp dạy học mới, sáng tạo, có tính ứng dụng cao; giao nhiệm vụ học tập hợp lý, công bằng; đổi mới các hoạt động kiểm tra, đánh giá; không tạo áp lực về thành tích, điểm số; phát huy tinh thần hợp tác trong làm việc nhóm và khuyến khích tư duy phản biện của học sinh… trong Bộ Tiêu chí Trường học hạnh phúc là hoàn toàn phù hợp, đúng đắn.

Lớp học hạnh phúc khi mỗi cá nhân đều được thấu hiểu và tôn trọng

Bạn N.T.Q (lớp 12, ngụ quận Phú Nhuận) khẳng định: “Mình là nam, ý thức bản thân thuộc cộng đồng LGBT từ sớm, mình ở lớp không hề bị bạn bè kì thị hay bắt nạt. 

Các bạn nam đối xử với mình rất nhẹ nhàng, “ưu ái” trong các hoạt động thể chất. Bạn nữ ở lớp thì thân thiết với mình như “chị em” trong nhà. Mình vô cùng hạnh phúc vì điều đó”.

Chia sẻ dễ thương này cũng cho thấy các nội dung trong tiêu chí thứ 3 và 15 của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM được đảm bảo: “...tôn trọng sự đa dạng và khác biệt về văn hoá, tôn giáo, giới tính, bản dạng giới, xu hướng tính dục hay các khó khăn, khuyết tật về thể chất và học tập”, “Môi trường học tập thân thiện, an toàn, không có bạo lực, bắt nạt, kể cả bắt nạt trực tuyến”.

Ngoài ra, các bạn học sinh gen Z còn có những quan điểm siêu bất ngờ về lớp học hạnh phúc như: hội con gái được “du di” không mặc đồng phục áo dài vào những ngày “đèn đỏ”; được sự ủng hộ của thầy cô mỗi khi cả lớp sắp xếp tạo bất ngờ vào những ngày lễ, ngày kỷ niệm.

 “Tụi mình ai cũng thích nhìn thấy niềm vui và sự hạnh phúc của thầy chủ nhiệm mỗi khi lớp bí mật tạo bất ngờ cho thầy. Những hôm ấy thầy cũng cho nghỉ tiết để ăn mừng với cả lớp.

Tụi mình không ngại học bù vào hôm sau. Nhưng sợ nhất là bị giáo viên khó chịu, quát nạt, thậm chí là ghi sổ đầu bài giống bạn nữ trong clip “tặng hoa cho cô giáo” trên TikTok những ngày gần đây!”, bạn Bảo Trân (lớp 9, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình) khẳng định.

Bất ngờ những định nghĩa ‘không giống ai’ của học trò về ‘lớp học hạnh phúc’- Ảnh 7.

"Lớp học hạnh phúc" là khi teen dành thật nhiều tình cảm đặc biệt cho thầy cô và cũng nhận lại điều tương tự - Ảnh minh hoạ: Trường TH - THCS - THPT Thanh Bình

Hạnh phúc là khi trường có nhiều CLB cho ai cũng có cơ hội được toả sáng

Một trong những câu trả lời được các bạn học sinh nhắc đến nhiều nhất khi được hỏi về từ khoá “hạnh phúc” là việc được tham gia hoạt động ngoại khoá, văn nghệ, hội trại hoặc các câu lạc bộ của trường.

Bạn mê viết lách có câu lạc bộ Văn học; bạn thích ca hát, nhảy múa thì thoả sức “tung hoành” ở các câu lạc bộ chơi guitar, hát hò, múa đương đại; gen Z “học bá” cùng kết hợp với nhau trong các nhóm đọc sách, nghiên cứu khoa học; những bạn ưa nhìn thì tham gia các hoạt động nét đẹp học đường, hoa khôi trường học; hội “mày râu” thì tha hồ “oanh tạc” trong các hội nhóm Karate, Taekawondo…

Bất ngờ những định nghĩa ‘không giống ai’ của học trò về ‘lớp học hạnh phúc’- Ảnh 8.

Các hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá và các câu lạc bộ được tổ chức hiệu quả cũng khiến các bạn học sinh có cảm giác gắn kết với trường lớp hơn - Ảnh minh hoạ: Đoàn Trường THPT Nguyễn Tất Thành

Ở đó, các bạn được là chính mình, được “toả sáng lấp lánh” theo cách của riêng mình mà không một ai cảm thấy bị “bỏ lại” phía sau. 

Về vấn đề này, Bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cũng nêu rõ: “Các hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá và các sự kiện ở trường được tổ chức hiệu quả. Xây dựng các câu lạc bộ đội nhóm, sân chơi, hoạt động phong trào, nghiên cứu khoa học”.

Hạnh phúc đến từ những điều ‘không ngờ tới’

Những chia sẻ tưởng chừng vô tư và hài hước này có gây bất ngờ cho bạn?

Bất ngờ những định nghĩa ‘không giống ai’ của học trò về ‘lớp học hạnh phúc’- Ảnh 9.

Một “lớp học hạnh phúc” đôi khi được tạo nên từ những điều nhỏ bé và hết sức bình thường - Ảnh minh hoạ: VY THẢO

Hạnh phúc vốn không có hình dạng, nên hạnh phúc chỉ “có thật” khi chúng ta thật sự cảm nhận được nó. Và hạnh phúc đôi khi lại xuất phát từ những điều giản đơn, nhỏ bé đến “không ngờ”.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 3 nhóm tiêu chuẩn về con người; dạy học và hoạt động giáo dục; môi trường.

    Trong đó, nhóm tiêu chuẩn về con người gồm 6 tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục có 8 tiêu chí và nhóm tiêu chuẩn về môi trường có 4 tiêu chí.

    Xem thêm

    Đáp án: