10 thói quen tưởng vô hại nhưng có thể gây ra cháy nổ

avatar ĐẶNG HỒNG THẮM

Thứ sáu, 15/09/2023 20:00 (GMT+7)

Những vụ cháy thường có nhiều nguyên nhân, trong đó có thể xuất phát từ những thói quen mà nhiều bạn vẫn tưởng là vô hại.

Vừa sạc pin vừa dùng điện thoại

Đây có lẽ là thói quen "kinh điển" của nhiều teen! Các chuyên gia khuyến cáo chúng ta tuyệt đối không được sử dụng điện thoại trong lúc sạc.

Khi sạc, pin điện thoại sẽ nóng lên. Nếu cùng lúc đó bạn dùng điện thoại để gọi, chơi game hay lướt mạng xã hội, độ nóng sẽ nhân lên. Cuối cùng, pin phồng to và phát nổ.

10 thói quen tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao - Ảnh 1.

Hạn chế sử dụng điện thoại khi đang sạc pin, bạn nhé! - ẢNH: PIXABAY.

Không khóa van gas sau khi nấu ăn

Gas tồn tại dưới dạng khí nén có khả năng bắt lửa và phát nổ mạnh. Một lượng nhỏ gas trong bình chứa có thể thoát ra bên ngoài mà chúng ta khó phát hiện được. Khi gặp điều kiện thuận lợi, bình gas sẽ phát nổ.

Sau khi nấu ăn xong, bạn hãy cẩn thận khóa van gas lại nhé! Ngoài ra, việc khóa gas sau khi sử dụng còn giúp bạn tiết kiệm chi tiêu hàng tháng đấy.

Sạc xe điện qua đêm

Nhiều teen có thói quen tận dụng thời gian dài ban đêm để sạc đầy xe điện. Tuy nhiên, hành động này được khuyến cáo là không nên.

Nếu bạn mua phải những chiếc xe kém chất lượng, tính năng ngắt sạc không ổn định. Việc sạc liên tục sẽ khiến ắc quy bị nóng, lâu dần bị chảy nhựa, phồng rộp dẫn đến phát nổ.

Nguyên nhân cháy nổ cũng có thể xuất phát từ việc bạn sạc điện trong điều kiện nhiệt độ cao; sạc ngay sau khi sử dụng khiến ắc quy chưa kịp nguội; sạc gần nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt; sạc gần các vật dụng, hàng hóa dễ cháy, nổ.

10 thói quen tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao - Ảnh 2.

Theo khuyến cáo, bạn không sạc xe điện quá 8 giờ liên tục - ẢNH: PIXABAY.

Dùng cồn để nướng thức ăn

Cồn (ethanol) là chất lỏng không màu, dễ bay hơi và dễ bắt cháy. Đặc biệt, bỏng cồn thường xảy ra khi người sử dụng tiếp thêm cồn trong lúc lửa vẫn cháy âm ỉ.

Lửa cồn có màu xanh, rất khó nhận ra. Ngay cả khi bạn không nhìn thấy ngọn lửa, nó vẫn có thể bùng lên bất ngờ. Nếu xung quanh có các vật dụng dễ bắt cháy, hỏa hoạn là điều khó tránh khỏi.

Bỏ đi nơi khác khi đang nấu ăn

Nhiều teen có thói quen bỏ đi phơi đồ, tưới cây, thậm chí xem phim khi đang nấu ăn. Hành động này vô cùng nguy hiểm.

Khi nấu ăn, bạn phải luôn có mặt trong bếp, để ý nồi cơm điện, lò nướng, ấm đun siêu tốc… Chúng có thể bị chập điện bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, đừng để những đồ đạc, hóa chất dễ cháy trên kệ bếp hoặc gần bếp. Chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Thắp hương, thắp nến, đốt vàng mã

Thắp hương, đốt vàng mã, ... tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn nếu teen không để ý. Các vụ cháy do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ việc nơi thờ cúng có không gian hẹp, hương được cắm gần nhau...

Nếu không để ý, tàn lửa lan bay lung tung, bén sang các vật dụng xung quanh...

Nhiều teen có thói quen thắp nến thơm trong phòng. Tuy nhiên, nếu để nến gần rèm hoặc các thiết bị điện thì hậu quả thật khó lường.

10 thói quen tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao - Ảnh 3.

Teen cẩn thận khi đốt nến ban đêm nhé! - ẢNH: ĐHT

Nhà cửa nhiều bụi bẩn

Có thể bạn chưa biết: môi trường có lượng bụi nhiều cũng là nguyên nhân gây ra hỏa hoạn. Các vụ nổ bụi được hình thành trong không gian kín, khi nồng độ cao các hạt bụi mịn tiếp xúc với tia lửa điện, than hồng kim loại, tàn thuốc hoặc nguồn đánh lửa khác.

Bụi có thể tích tụ trong và xung quanh các thiết bị điện, ổ cắm điện. Tốt nhất bạn nên hút bụi, dọn dẹp nhà cửa thường xuyên.

10 thói quen tưởng vô hại nhưng tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn cao - Ảnh 4.

Teen tranh thủ cuối tuần dọn dẹp nhà cửa, hút bụi các ngõ ngách nhé! - ẢNH: ĐHT

Tùy tiện đốt rác

Ở những khu dân cư, xóm trọ, mọi người có thói quen tự gom rác thành đống rồi đốt. Nếu không cẩn thận, "bà hỏa" có thể hỏi thăm đấy!

Bạn tuyệt đối không tự ý đốt rác tại khu vực có nhiều cỏ khô, gần công trình. Tuyệt đối không được đốt vào buổi trưa hoặc lúc có gió lớn. Nếu đốt phải giám sát cẩn thận và chuẩn bị các biện pháp kiểm soát, chống cháy lan.

Đặt các thiết bị điện tử quá gần nhau

Những thiết bị điện tử như tivi, tủ lạnh, máy tính...khi đặt gần nhau sẽ không có đủ không gian để tản nhiệt, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Bạn không nên để chúng tập trung một chỗ. Mặt khác, bạn nên cắm trực tiếp các thiết bị vào ổ cắm trên tường thay vì sử dụng bộ chia ổ điện. Một số thiết bị như tủ lạnh, máy điều hòa, lò vi sóng nên sử dụng ổ cắm riêng.

Không rút các thiết bị điện khi đi vắng

Để hạn chế tình trạng cháy nổ, bạn nên duy trì thói quen rút hết các thiết bị điện như tivi, quạt, điều hòa, sạc máy tính, điện thoại... khi rời khỏi nhà. Biện pháp này vừa giúp bạn tiết kiệm tiền điện, vừa bảo vệ an toàn cho gia đình khi có sự cố chập điện xảy ra.

Riêng với tủ lạnh, bạn có thể duy trì ổ điện vì thiết kế bảng mạch điện của tủ lạnh khá an toàn.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: