Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo!

avatar ĐẶNG HỒNG THẮM

Thứ tư, 19/07/2023 08:53 (GMT+7)

"Không cần bằng cấp", "không quy định độ tuổi", "việc nhẹ lương cao"... là những lời hứa hẹn mà các đối tượng lừa đảo dùng để dẫn dụ học sinh, sinh viên khi xin việc online.

Nhận thấy nhu cầu xin việc online của học sinh, sinh viên tăng mạnh trong dịp hè, nhiều đối tượng đã lợi dụng để giăng bẫy lừa đảo.

Những "bẫy" xin việc online

Nghỉ hè, N.T.H.T (học sinh lớp 11 ở Thanh Hoá) tranh thủ tìm việc làm thêm để đỡ đần gia đình. Qua mạng xã hội, cô bạn đọc được thông tin một quán cà phê đang tuyển nhân viên phục vụ. Sau khi nhắn tin, H.T nhận được phản hồi quán đã đủ nhân sự nhưng chủ quán đang cần người "kiểm duyệt đơn hàng".

Thấy người tư vấn nhiệt tình, lại không đưa ra bất kì yêu cầu khó khăn nào nên H.T nhận lời. Cô bạn được hướng dẫn từng bước. Đầu tiên là bấm vào link Shopee (link giả mạo - PV), nhập mã mời do người tư vấn cung cấp để tạo tài khoản. Sau khi có tài khoản, một loạt sản phẩm hiện lên, mỗi sản phẩm đều có mức giá cụ thể.

Nếu muốn nhận hoa hồng, H.T phải chọn sản phẩm, nạp vào tài khoản số tiền tương đương với giá trị sản phẩm đó rồi nhấp vào nút "gửi đơn hàng". (Thực tế đây chỉ là thủ thuật lừa đảo, hoàn toàn không có đơn hàng nào tồn tại và đơn hàng cũng không được gửi đến bất kì ai - PV).

Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo! - Ảnh 1.

Đối tượng chủ động "mời" H.T làm công việc "duyệt đơn hàng". Ảnh: NVCC


Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo! - Ảnh 2.

Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo! - Ảnh 3.

Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo! - Ảnh 4.

Đối tượng nhiệt tình hướng dẫn "con mồi". Ảnh: NVCC

Sau khi "gửi thành công" 4 đơn (tổng trị giá 250.000 đồng), tài khoản của H.T được hoàn lại 280.000 đồng (trong đó có 30.000 đồng tiền hoa hồng). Cô bạn càng có động lực tiếp tục "nhiệm vụ".

Thế nhưng, những sản phẩm mà H.T nhận được có mức giá ngày càng cao, đỉnh điểm là chiếc đồng hồ trị giá 2.540.000 đồng. Do không có đủ tiền nạp vào tài khoản nên H.T đã nhắn tin "cầu cứu" đối phương. Bạn được gợi ý "mượn đỡ tiền người thân nạp vào, đơn hàng có giá trị càng cao thì hoa hồng càng nhiều".

Tính đến thời điểm đó, H.T đã nạp vào tài khoản tổng cộng 2.000.000 đồng và chỉ nhận về vỏn vẹn 30.000 đồng tiền hoa hồng.

Cảm thấy bất an, cô bạn liên tục nhắn tin xin nghỉ làm và rút lại tiền nhưng đối phương thẳng thừng từ chối, yêu cầu H.T hoàn thành đủ số đơn hàng mới cho rút.

Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo! - Ảnh 5.

Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo! - Ảnh 6.

Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo! - Ảnh 7.

Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo! - Ảnh 8.

Đối tượng liên tục hối thúc bị hại nạp thêm tiền. Ảnh: NVCC

Xin việc online: coi chừng sập bẫy lừa đảo! - Ảnh 9.

Bật chế độ... "im lặng là vàng". Ảnh: NVCC

Cách đây 1 năm, T.T.S.K.N.K (học sinh lớp 12 ở Kiên Giang) đã bị lừa 1.300.000 đồng. Đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn tương tự trường hợp của H.T. Giá trị đơn hàng cao nhất mà N.K nhận được lúc đó lên đến hơn 4.000.000 đồng.

Nhận diện các chiêu lừa đảo

Tình trạng lừa đảo mua hàng để nhận tiền hoa hồng đã hoành hành từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các đối tượng lừa đảo đã "tung chiêu" khiến nhiều người dễ dàng sập bẫy.

Cụ thể, các đối tượng sử dụng tài khoản mạng xã hội "ảo" để đăng bài trên các group tuyển dụng với nội dung "tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử". Theo đó, mỗi lần mua hàng, "cộng tác viên" sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm tiền "hoa hồng" dao động từ 10 - 20% giá trị đơn hàng.

Sau khi bị hại nhận làm "cộng tác viên mua bán hàng", đối tượng lừa đảo sẽ gửi một đường link sản phẩm thật trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Shoppe, Lazada, Tiki… rồi yêu cầu bị hại tạo đơn hàng và thanh toán, sau đó "hệ thống" sẽ hoàn tiền kèm theo hoa hồng.

Những đơn hàng đầu tiên thường có giá trị nhỏ, "cộng tác viên mua bán hàng" nhận được tiền hoàn trả và tiền hoa hồng rất nhanh chóng. Dần dần, số lượng đơn hàng nhiều hơn, giá trị lớn hơn, các đối tượng lừa đảo lại liên tục đưa ra nhiều lí do như cú pháp soạn tin sai, hệ thống bị lỗi… để không trả tiền cho "cộng tác viên".

Bị hại muốn nhận lại tiền thì phải chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ số tiền trước đó. Với tâm lí sợ mất của, nhiều "cộng tác viên" liên tục "bơm tiền" cho các đối tượng đến khi không còn khả năng chi trả. Mãi đến lúc này họ mới phát hiện mình đã bị lừa. Dĩ nhiên, đối tượng lừa đảo đã chặn liên lạc và "cao chạy xa bay".

Quay trở lại câu chuyện của các bạn học sinh, sinh viên. Thời điểm nghỉ hè, nhiều bạn khao khát tìm được việc làm để có thêm chi phí đỡ đần gia đình, xoay sở cho năm học mới. Lợi dụng tâm lý đó, các đối tượng lừa đảo xem các bạn là "con mồi" béo bở. Đa phần học sinh, sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm sống nên việc "sập bẫy" là không thể tránh khỏi.

Với kinh nghiệm "lăn lộn" xin việc 4 năm, bạn Nguyễn Trần Liên Hoa (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) chia sẻ: "Khi nhận công việc gia sư, mình đều nhận việc qua những trung tâm uy tín. Bạn có thể inbox hỏi các bạn đã nhận lớp từ trung tâm đó để chắc chắn không lừa đảo vì thường để nhận được lớp của một trung tâm thì mình phải đặt cọc tầm 300.000 - 500.000 đồng)".

Cũng theo Liên Hoa, những bài đăng tuyển dụng các công việc online kèm tiêu chí việc nhẹ lương cao đa phần đều là lừa đảo hoặc đa cấp. Tốt nhất các bạn nên truy cập vào trang web, page chính thức của những công ty, doanh nghiệp hoặc chịu khó đi khảo sát trực tiếp để tránh tiền mất tật mang".

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an khuyến cáo mọi người:

- Không tham gia vào các nhóm "tuyển mẫu nhí" khi chưa có thông tin xác thực.

- Không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ trên không gian mạng.

- Các doanh nghiệp sở hữu thương hiệu cần cảnh báo/thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về những hành vi lừa đảo nêu trên trên.

- Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tội phạm lừa đảo qua mạng.

Gần đây nhất, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an đã cảnh báo thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo trên mạng. Cụ thể, các đối tượng đăng bài quảng cáo trên website, mạng xã hội với nội dung "tuyển người mẫu nhí tham gia chụp ảnh làm đại diện thương hiệu". Mục tiêu chúng nhắm đến là phụ huynh học sinh.

Sau khi dẫn dụ thành công, chúng sẽ đưa "con mồi" vào nhóm chat, mời họ làm "cộng tác viên online" dưới hình thức mua sắm các sản phẩm của sàn thương mại điện tử để hưởng hoa hồng và tăng khả năng "trúng tuyển" cho con mình. Nhìn chung, thủ đoạn lừa đảo rất giống với trường hợp của H.T và N.K. Hầu hết nạn nhân chỉ bị phát hiện mình lừa sau khi đã chuyển khoản cho các đối tượng từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng và bị chúng xóa khỏi các nhóm chat.

Bạn nên làm gì nếu lỡ "sập bẫy"?

- Teen hãy hết sức cẩn trọng với công việc "cộng tác viên bán hàng cho các sàn thương mại điện tử", tuyệt đối không được chuyển tiền đặt cọc theo yêu cầu đối phương.

- Thông thường, các đối tượng lừa đảo sẽ sử dụng thông tin giả mạo, tài khoản "ảo" để hành nghề. Do đó, rất khó để các bạn tự mình giải quyết. Nếu lỡ "sập bẫy", hãy tìm tới cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ nhé.

- Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 01/2017, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm gồm: Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát các cấp; Các cơ quan, tổ chức khác: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác. Hoặc bạn có thể gọi điện đến Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053.

- Đừng quên chụp màn hình toàn bộ tin nhắn để làm bằng chứng nhé!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: