Vì sao chúng ta trở thành 'người khác' trên mạng xã hội?

Thứ sáu, 01/12/2023 19:00 (GMT+7)

Trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ dường như trở thành một phiên bản khác hoàn toàn với con người ngoài đời thật của mình.

Một số gen Z có thói quen tìm đến các nội dung tiêu cực, độc hại trên mạng xã hội để “mua vui”. Họ cho mình quyền phán xét, bình phẩm người khác.

Lý giải theo góc độ tâm lý học, teen đang mắc phải những “chiếc bẫy tâm lý” mà bản thân các bạn cũng khó lòng nhận ra. Nguyên nhân xuất phát từ những nhu cầu rất đỗi “con người”.

Não bộ luôn ‘thiên vị’ tin xấu

Có thể điều này rất khó chấp nhận. Tuy nhiên mặt tiêu cực và tích cực trong cảm xúc của chúng ta luôn không công bằng. Thiên kiến tiêu cực (Negativity bias) chỉ ra rằng, bộ não luôn có khuynh hướng “ưu ái” những thông tin xấu nhiều hơn tin tốt.

Negativity bias cho thấy chúng ta luôn để ý, ghi nhớ và phản ứng mạnh mẽ hơn với những thứ tiêu cực. Ví dụ: bài văn của bạn được giáo viên nhận xét là có ý tưởng hay, tổng thể khá tốt, chỉ có một số lỗi chính tả cần cải thiện. Khi về nhà, điều khiến bạn để ý và nhớ đến nhiều nhất không phải lời khen, mà là những lỗi sai đã mắc phải.

Đây là biểu hiện của thiên kiến tiêu cực. Điều này gần như không thể thay đổi, bởi nó có nguồn gốc từ thời xa xưa, được cho là một trong những chức năng tiến hoá của loài người – bản năng chú ý vào những điều tiêu cực để tồn tại.

Vì sao chúng ta trở thành 'người khác' trên mạng xã hội?- Ảnh 2.

Các hội nhóm "bốc phốt", "hóng drama" trên mạng xã hội luôn có rất đông các bạn trẻ tham gia - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Vì vậy, những màn “bót phốt”, khẩu chiến, chửi bới nhau trên mạng xã hội trở nên rất thu hút. Điều này cũng giải thích vì sao teen mê “hóng phốt”, “hít drama” thậm chí ghi nhớ nó dễ dàng hơn những nội dung “sạch”. Một số bạn không ngại tranh cãi bên dưới các nội dung độc hại để thể hiện quan điểm.

Vì sao chúng ta trở thành 'người khác' trên mạng xã hội?- Ảnh 3.

Rất nhiều bình luận tỏ thái độ quan tâm đối với các cuộc "chiến" trên mạng xã hội - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Những thông tin tiêu cực tưởng chừng chỉ để giải trí này khiến cho bộ não phản ứng dữ dội, kích thích gia tăng sự hoạt động ở vùng xử lý thông tin. Lâu dần, hành vi của chúng ta sẽ vô thức bị định hình bởi những tin tức, trải nghiệm tiêu cực.

Hiệu ứng tâm lý Schadenfreude

Có một hiện tượng tâm lý được gọi là Schadenfreude – hiện tượng khoái cảm trước những bất hạnh của người khác. Cụm từ “Schadenfreude” được ghép bởi hai từ tiếng Đức là “schaden” (thiệt hại, tổn hại) và “freude” (vui sướng).

Các trường hợp Schadenfreude trong đời thực xảy ra thường xuyên, đôi khi chúng mình còn không nhận ra. Ví dụ bạn sẽ vô thức bật cười khi trông thấy một người vấp ngã trên đường, thấy tự hào nếu điểm bài kiểm tra cao hơn bạn cùng bàn…

Cảm giác hả hê khi nhìn thấy sự thiếu sót, yếu kém hoặc lố bịch của người khác tạo cho chúng ta cảm giác “hơn người”, giá trị bản thân được nâng cao.

Vì sao chúng ta trở thành 'người khác' trên mạng xã hội?- Ảnh 4.

Xuất hiện nhiều bình luận giễu cợt, miệt thị bên dưới một tài khoản TikTok được netizen cho là cư xử lố bịch - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, đây là một dạng cảm xúc – hành vi không được đạo đức xã hội tán thành, nên teen buộc phải “giấu nhẹm”. Lúc này, quyền được ẩn danh, được trực tiếp phán xét, bình phẩm người khác kích thích tột độ cảm giác vui sướng và thoả mãn. Việc này gây ra các hành động giễu cợt, chê bai, miệt thị người khác trên mạng xã hội.

Tìm đến những nội dung giải trí dạng này thường xuyên có thể biến teen trở thành một người đen tối, có tính cách “xấu xí” và độc hại.

Mặt tối ‘thích chống đối’ của mỗi người

Bên trong mỗi chúng ta đều có khao khát được làm những thứ mới mẻ, khác ngày thường, khác những người xung quanh. Những thứ này đôi khi gây ra sự nổi loạn ngầm và mong ước chống đối lại những điều người khác bảo ta phải làm. Điều là một tâm lý thường gặp ở lứa tuổi mới lớn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có can đảm nổi loạn trực tiếp, thoải mái thể hiện con người thật. Thông thường, các góc khuất ấy sẽ bị kìm nén, không thể giải toả. Việc này lý giải vì sao những nội dung giải trí liên quan đến các vấn đề nhạy cảm như tôn giáo, tình dục, xã hội… lại được teen quan tâm.

Điển hình là những video âm nhạc, hài kịch có nội dung thô tục; những chiếc trend ngang ngược như: thử thách rớt môn cũng không học bài, thử thách 6 ngày 6 đêm không tắm… 

Ngoài ra, sự xuất hiện của các “thánh chửi” - những người ăn nói tục tĩu trên các nền tảng mạng xã hội - cũng thu về hàng triệu lượt xem và chia sẻ chóng mặt. 

Vì sao chúng ta trở thành 'người khác' trên mạng xã hội?- Ảnh 5.

Tâm lý muốn thoát ly, "nổi loạn" ở lứa tuổi mới lớn khiến teen bị thu hút bởi các nội dung giải trí không chuẩn mực - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Hành động ủng hộ, chia sẻ các nội dung độc hại này này liên quan đến chủ nghĩa thoát ly trong tâm lý học. Nó cho phép teen giải phóng những suy nghĩ mà thường ngày bản thân phải cố đè nén, để làm tròn vai một học sinh ngoan. Chúng mình dễ bị kích thích bởi những điều bản thân từng muốn làm, nhưng không dám.

Cảm giác được “nói hộ nỗi lòng” rất dễ gây nghiện. Nếu không được kiểm soát đúng mực, hành vi của teen ngoài đời thực cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc muốn “thoát kén” nổi loạn, làm những điều tiêu cực.

Những hành vi “xấu xí” có thể gây “sát thương” lên tinh thần người xung quanh, ảnh hưởng đến hành vi của teen trong đời thực. Vì vậy, chúng mình cần tỉnh táo thoát khỏi những “cái bẫy” tâm lý kể trên.

  • Trước hết, teen nên có thái độ quyết liệt, cứng rắn, tuyệt đối không để bản thân có những hành vi kém văn minh trên mạng.

  • Mỗi khi lướt thấy nội dung tiêu cực, nên nhanh chóng lướt qua tránh bị “mê hoặc”, báo cáo hoặc chặn thẳng tay các tài khoản này.

  • Tìm kiếm hoặc thường xuyên xem các nội dung lành mạnh, để thuật toán tiếp tục đề xuất các nội dung “sạch” cho bảng feed.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: