Cách teen tự thanh lọc nội dung câu view, độc hại trên mạng xã hội

avatar THẢO NGÂN - DUY DƯƠNG

Thứ hai, 23/10/2023 11:19 (GMT+7)

Các teen nhận biết và đối mặt thế nào với những nội dung câu view, làm lố trên mạng xã hội?

Từ những trò câu view trên mạng xã hội

Dư âm xôn xao từ sự việc diễn viên, người mẫu N.T đăng tải video biểu diễn, lái xe mô tô gây nguy hiểm, vi phạm luật an toàn đường bộ còn chưa tan hết. Trên một số nền tảng mạng xã hội, video này vẫn xuất hiện và tiếp tục có thêm người xem.  Trong đó có không ít teen, với tâm lý tò mò, xem cho biết.

Cách teen tự thanh lọc nội dung "câu view" trên mạng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: FREEPIK

Trước đây, trên nền tảng TikTok từng xuất hiện những video với nội dung những cô gái có hành động quái lạ - ngồi lên băng chuyền hành lý sân bay. Video nhận lại tương tác khủng.

Nhiều bạn trẻ bày tỏ thái độ bức xúc, không đồng tình với hành động sáng tạo nội dung nguy hiểm, quá lố phục vụ mục đích thu hút “câu view”. “Một số video làm những hành động rất nguy hiểm. Chưa nói đến việc tiếp cận nhiều người xem, nhất là những bạn ở độ tuổi chưa hoàn thiện nhận thức có thể học theo hành động ấy”, bạn Phạm Hoàng Gia Phong (lớp 9, Trường THCS Ka Long, tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ.

Nhận biết những video độc hại

“Khi có một video đạt lượt view cao bất thường và rồi trang đó liên tục làm những nội dung giống hệt như vậy để giữ chân người theo dõi” là cách mà bạn Trương Minh Huy (lớp 12, Trường THPT Lai Vung 1, tỉnh Đồng Tháp) dùng để nhận biết video “câu view”.

Cách teen tự thanh lọc nội dung "câu view" trên mạng - Ảnh 3.

Một trong những cô gái thản nhiên ngồi trên băng chuyền hành lý để “câu view” - Ảnh chụp màn hình

Bạn Ngô Phạm Vân Anh (lớp 8, Trường THCS Phổ Phong, tỉnh Quảng Ngãi) cũng chia sẻ kinh nghiệm nhận biết: “Với một số nền tảng, những video khi chưa bấm phát sẽ có ảnh nền. Nếu nội dung ảnh giật tít vô lý thì mình biết ngay là... câu view".

Ngoài ra, một số người sẵn sàng làm những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức, chuẩn mực xã hội như đã đề cập ở trên. Những video này thường đánh vào tâm lý tò mò, nội dung gây sốc, gây tranh cãi để thu hút lượt tương tác, theo dõi.

Không quan tâm nội dung tiêu cực

Để tránh nội dung tiêu cực, bạn Trương Thanh Dung (lớp 11, Trường THPT Lai Vung 1, tỉnh Đồng Tháp) chỉ theo dõi những đối tượng mà bạn quan tâm, có ích cho việc phát triển và học tập.

“TikTok của mình xuất hiện livestream bán hàng, họ la hét, làm mọi trò dị thường để khách hàng tò mò, thậm chí họ văng tục chửi thề giữa người bán và người mua ở phần bình luận, thật kinh khủng. Mình sẽ không mua các sản phẩm từ những clip quảng cáo lố lăng trên mạng, dù đó có là hàng giảm giá sốc” - Huỳnh Hữu Phúc (lớp 11, Trường THPT Lai Vung 1, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ.

Ngoài ra, với những video “câu view”, Phúc chưa bao giờ dừng lại xem quá một phút. Nó khiến cậu bạn khó chịu, mất thời gian, không mang lại lợi ích gì cả.

Thầy Nguyễn Thanh Tuấn (giáo viên Trường THPT Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cho biết: “Thầy khuyến khích học trò tham gia vui chơi, hoạt động thể dục thể thao bên ngoài hơn là giải trí bằng điện thoại hay tivi, có thể hạn chế tối đa được nội dung mà giới trẻ không nên tiếp cận”.

Thuật toán của các trang mạng xã hội, nội dung càng được tương tác thì sẽ càng được đề xuất để tiếp cận thêm người dùng. Ngoài ra, những video với nội dung tương tự cũng sẽ xuất hiện trên trang newfeed của bạn. Do đó, khi bắt gặp những nội dung trên, không nên dừng lại xem, bình luận hay chia sẻ.

Không chỉ vậy, cần hành động khi cần thiết, cụ thể là chặn hoặc báo cáo những nội dung vi phạm. “Khi mình thấy nội dung quá khích trên mạng là mình chặn ngay. Dường như sau đó thì không xuất hiện trên trang mạng của mình nữa” - bạn Ninh Tấn Sang (lớp 10C01, Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn) cho biết.

Cách teen tự thanh lọc nội dung "câu view" trên mạng - Ảnh 4.

Thumbnail tiêu đề phản cảm, gây phẫn nộ cho người xem trên YouTube - Ảnh chụp màn hình

Mạng xã hội cho phép người dùng báo cáo nội dung không phù hợp hoặc vi phạm quy tắc, tiêu chuẩn cộng đồng. Vì vậy, người dùng có thể áp dụng biện pháp này để kiểm soát nội dung gây hại hoặc bất hợp pháp.

Tỉnh táo khi dùng mạng xã hội

Bạn Phạm Văn Linh (lớp 12, Trường THPT Phú Ngọc, tỉnh Đồng Nai) cho rằng việc học và giải trí, cả hai nên song hành cùng nhau.

Bạn cho biết: “Mình sẽ không thể học tốt và phát huy hết khả năng nếu không có internet và mạng xã hội. Để học tốt mình phải tự tìm tòi, siêng năng thì việc tiếp nhận tin tức cũng cần thực hiện một cách thông minh. Tích cực sàng lọc, lên án văn hóa phẩm gây hại, luôn giữ mình trong trạng thái tỉnh táo. Đặc biệt giúp đỡ bạn bè, kể cả người lớn tuổi nhận ra được tác hại từ hành vi “câu view”; tương tác với chúng là mình đang tiếp tay cho những kẻ xấu”.

Cách teen tự thanh lọc nội dung "câu view" trên mạng - Ảnh 5.

Cô Thanh Nhi - Ảnh: NVCC

Cô Đặng Thị Thanh Nhi (giáo viên Trường THCS Võ Thị Sáu, tỉnh Đồng Tháp) khuyên: “Khi gặp những video có nội dung xấu, các bạn nên báo cáo ngay bài viết hoặc cả tài khoản đăng tải chúng. Tuyệt đối không ủng hộ, thích hoặc chia sẻ các bài đăng, video “câu view” này. Bên cạnh đó các bạn cũng phải tự trau dồi, trang bị cho mình kiến thức, cập nhật tin tức để biết đâu là sự thật, tránh bị các nội dung độc hại ấy lừa dẫn đến lệch lạc tư tưởng, ý thức”.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: