Tại sao học sinh thích đăng bài ẩn danh trong group trường học?

avatar AN TÚ

Thứ ba, 24/10/2023 13:40 (GMT+7)

“Giáo viên toán giảng nhanh quá mình chẳng hiểu gì”, “Mình không muốn học bán trú nữa vì đồ ăn “ối giồi ôi” quá”... là những bài đăng ẩn danh phổ biến trong nhiều group của các trường THPT

Vì sao phải ẩn danh giấu mặt

Tính năng đăng bài ẩn danh trên các nền tảng mạng xã hội là nơi lý tưởng để teen chúng mình trút bầu tâm sự. Thông thường, khi bức xúc vấn đề nào đó, teen thường lựa chọn việc lên group trường để bày tỏ quan điểm dưới hình thức ẩn danh.

Bạn Hồ Minh Tùng (Trường THPT Diên Hồng, quận 10) cho biết: “Bản thân mình khi đăng một chuyện gì đó lên các group thường đăng ẩn danh vì lỡ ý kiến đó có trái chiều thì cũng không bị người quen chọc ghẹo hay bị người lạ soi trang cá nhân, đem hình ảnh của mình ra công kích”.

Hội "giấu mặt" trong các group trường - Ảnh 1.

Làm sao để nói ra ý kiến của mình? - Ảnh minh họa: CLB Nhiếp ảnh - Báo chí Trường THPT Mạc Đĩnh Chi

Có teen thay vì góp ý với giáo viên về cách dạy, giơ tay xin cô giảng lại vì chưa hiểu bài lại chọn cách đăng ẩn danh: “cô X dạy sử khó tính quá”, “cô Y cho bài tập về nhà nhiều quá”... Có thể vì bạn sợ bị để ý, sợ trở thành tâm điểm đám đông nên đành giấu mặt. Không chỉ các vấn đề gây tranh cãi, những câu hỏi về thông tin, danh sách lớp, thông báo ở trường cũng được đăng ẩn danh.

Học trò muốn ẩn danh không chỉ trên mạng

Ngoài đời thật, chúng mình cũng bị nỗi sợ lấn át mà chẳng dám nói lên quan điểm cá nhân hay bày tỏ cảm xúc. Như trường hợp của cô bạn Trần Thanh Thảo (Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn): “Mỗi khi thấy mình đi rót nước, các bạn tiện thể nhờ mình rót giùm. Dần dần các bạn xem đó là nhiệm vụ của mình, mỗi giờ ra chơi mình phải cầm hơn chục chai nước đi rót. Nhưng vì sợ bị ghét nên mình chẳng dám từ chối”.

Sợ trở thành tâm điểm đám đông, bị mọi người chú ý là những tình trạng rất phổ biến ở học sinh. Tuy nhiên nếu cứ mãi sợ sệt chúng mình sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi. Nếu cứ mãi tỏ tình giấu mặt thì làm sao “đằng ấy” biết được sự tồn tại của chúng mình? Nếu chỉ thể hiện sự bực tức về lời đùa vô duyên của nhỏ bạn thân, đứa học thêm xả rác ở bàn mình... trên group trường với chế độ ẩn danh thì sao người ta biết mà thay đổi? Vì vậy chúng mình nên tập khả năng bày tỏ ý kiến của bản thân bằng cách nói chuyện trực tiếp để vấn đề được giải quyết.

Bày tỏ quan điểm thế nào?

Để thoải mái nói lên ý kiến của mình cũng cần có bí quyết đó! Bạn Nguyễn Lan Anh (cựu học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên, quận 5) đã có kinh nghiệm trong vấn đề trên. Ban đầu Lan Anh là người khá nhút nhát, đến mức giơ tay phát biểu còn chẳng dám. Câu nào bạn chắc 100% đáp án, dò đi dò lại “7749” lần thì mới dám phát biểu. Khi thấy bản thân ngày càng rụt rè, bạn đã quyết tâm thay đổi.

“Đầu tiên, mình tập bày tỏ cảm xúc, ý kiến cá nhân với các thành viên trong gia đình. Khi bố mẹ hiểu sai hoặc có suy nghĩ khác với mình, mình trình bày rõ ràng, nêu lý do. Sau đó mình tập đưa ra ý kiến của bản thân mỗi lần có bài tập nhóm. Ban đầu cũng đấu tranh tâm lý nhưng mình luôn nhẩm câu thần chú “không nói bây giờ thì không bao giờ” để tự tin hơn” - Lan Anh cho biết.

Để việc bày tỏ quan điểm không trở thành cuộc cãi nhau, chúng mình cần bình tĩnh và nói với thái độ nhẹ nhàng không công kích. Bạn cũng nên hạn chế giải quyết qua mạng xã hội mà nói trực tiếp với nhau để tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Tập tìm dẫn chứng cho lời mình nói

Từng gặp nhiều trường hợp học sinh không dám nói ra quan điểm, cô Nguyễn Thị Phương Thảo (giáo viên bộ môn Văn trường THPT Ten-lơ-man, quận 1) đã khuyến khích các bạn bằng nhiều cách. Lần đó, trong buổi thuyết trình, một bạn học sinh được mời lên phản biện nhưng vì quá rụt rè nên bị nhóm thuyết trình áp đảo.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: NVCC

Sau lần đó, cô Thảo đã gặp riêng bạn ấy để hỏi lý do. Sau vài ngày trò chuyện, cô biết được ở nhà bạn thường xuyên bị ba mẹ áp đặt, không cho nêu ý kiến. Dần dần, bạn không dám bày tỏ quan điểm vì sợ nói sai.

“Cô phải động viên bạn rất nhiều, tập cho bạn đưa ra ý kiến khi làm bài tập nhóm, những lúc thuyết trình đều gọi bạn phát biểu. Sau đó, cô cổ vũ các bạn thử nói ra những gì mình suy nghĩ bằng cách tìm lập luận, dẫn chứng cho ý mình đang nói” - cô Thảo cho biết.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: