Quản trò không khó, để thầy tổng phụ trách chỉ cho!

avatar NGUYỄN TÚ

Thứ sáu, 17/11/2023 21:43 (GMT+7)

Trong các sinh hoạt tập thể, người quản trọ rất quan trọng. Thầy Nguyễn Văn Tán - một trong những phụ trách quản trò giỏi của Làng Đội TP.HCM - bật mí những kỹ năng quản trò giỏi

Thầy Nguyễn Văn Tán hiện đang là tổng phụ trách Đội của Trường Tiểu học Đặng Nguyên Cẩn (quận 6), thành viên Hội đồng Huấn luyện công tác Đội TP.HCM. Đồng thời thầy cũng là một trong những phụ trách quản trò giỏi của Làng Đội TP.HCM

Năm 2016, thầy đăng quang Én vàng Hội thi Olympic Cánh én TP.HCM, vinh dự nhận giải thưởng Cánh én hồng. Đây là phần thưởng cao quý dành cho các giáo viên làm tổng phụ trách Đội xuất sắc cả nước.

Quản trò không khó, để thầy tổng phụ trách chỉ cho!- Ảnh 1.

Quản trò sẽ giúp người tham gia gắn kết nhau hơn - Ảnh: TRẠI HÈ THANH ĐA

Quản trò là kỹ năng điều hành, tổ chức trò chơi nhằm khuấy động tinh thần, giúp các thành viên gắn kết với nhau. Ngoài ra, trò chơi cũng là hình thức giáo dục, có thể trang bị, chuyển tải những điều cần biết đến người tham gia.

Người quản trò rất quan trọng trong sinh hoạt tập thể. Người quản trò nên có nghiệp vụ sư phạm để biết gửi gắm thông điệp qua trò chơi, đồng thời thuyết phục, mời gọi mọi người tham gia.

Ngoài ra, người quản trò còn cần thêm các yếu tố, kỹ năng khác, như phán đoán và quan sát nhanh để ứng xử kịp thời các tình huống; biết nhiều trò chơi và có thể sáng tạo trò chơi; truyền tải nội dung ngắn gọn, dễ hiểu. 

Bên cạnh đó, chuyện trò hóm hỉnh, duyên dáng là một lợi thế của người quản trò.

Thầy Tán đang quản trò vui nhộn nè! - Ảnh: ĐỨC QUY

Thầy Nguyễn Văn Tán làm quản trò cho các bạn nhỏ tại một chương trình - Ảnh: ĐỨC QUY

Người quản trò cần lưu ý 7 điều sau:

1. Cần nắm rõ luật chơi để truyền tải nội dung chính xác đến người tham gia. Tránh không chơi những trò chơi khi mình không đủ hoặc không vững kiến thức về nội dung đó.

2. Nói to rõ, ngắn gọn và dễ hiểu khi quản trò.

3. Cần quan sát nhóm đối tượng tham gia, địa điểm vui chơi để chọn trò chơi phù hợp. Chẳng hạn chơi ngoài trời thì chọn các trò chơi động, di chuyển, còn chơi trong phòng nhỏ, hẹp ưu tiên các trò chơi tĩnh, sử dụng nhiều bằng lời nói…

4. Trò chơi khi chơi phải đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Như vậy, người chơi mới nắm bắt kịp điều luật trò chơi.

5. Phạt trong lúc chơi là cách nhắc nhở nhau, qua đó động viên người chơi cố gắng hơn. Vì vậy, hình phạt nên nhẹ nhàng, tế nhị, tránh kiểu cố tình hạ thấp, phỉ báng người chơi.

6. Lúc chơi mọi người đều bình đẳng trước luật chơi. Vì vậy, người quản trò không nên thiên vị hoặc cố tình bắt cho được một người nào đó vì ý định riêng của mình.

7. Tránh mọi hiện tượng chê bai, xem thường các quản trò khác khi họ quản trò không thành công. Cần có thái độ từ tốn, động viên, khuyến khích để họ chơi tốt hơn

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: