Mách teen cách thoát nỗi sợ thuyết trình trước cả lớp

avatar AN TÚ

Thứ ba, 10/10/2023 18:27 (GMT+7)

Lên cấp 3, các tiết thuyết trình diễn ra thường xuyên khiến nhiều teen lúng túng.

Team thuyết trình than trời

Chia lớp thành nhiều nhóm để thuyết trình là hoạt động quen thuộc của tiết ngữ văn của nhiều trường. Mỗi nhóm đảm nhận một bài thơ, đoạn văn khác nhau và giáo viên nhận xét, bổ sung ý còn thiếu.

Cách học này đòi hỏi chúng mình phải có khả năng tư duy, sáng tạo. Teen cần dành thời gian tìm tòi kiến thức, luyện tập kỹ năng nói, nghĩ ra các trò chơi, cắt ghép video, làm slide… “Chỉ với một tiết thuyết trình, nhóm mình phải chuẩn bị khoảng ba tuần, dành ra nhiều buổi để chạy thử. Đôi khi còn phải thức đêm để học cắt ghép video, làm poster, chỉnh sửa hiệu ứng” - bạn Nguyễn Hồ Anh Thư (lớp 12 trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh) cho biết.

Đập tan nỗi sợ trong giờ thuyết trình - Ảnh 1.

Teen sử dụng nhiều kỹ năng vi tính để làm bài thuyết trình - Ảnh minh họa: Marguelicot - HHT MEDIA CLUB

Việc tìm hiểu nhiều thứ giúp teen chúng mình rèn kĩ năng, nhớ bài lâu. Tuy nhiên, việc này khiến nhiều bạn quá tải khi môn nào cũng... thuyết trình. Thư bộc bạch: “Có khi một ngày tụi mình phải thuyết trình tận hai, ba môn. Cả nhóm quay cuồng cả ngày để chỉnh slide, làm clip…”.

Từ team work thành… “tui work”

Không chỉ vậy, việc thuyết trình cũng khiến teen gặp nhiều khó khăn như các thành viên không hợp tác, bất đồng quan điểm... Khi nhóm đang thuyết trình nhưng bên dưới các bạn làm việc riêng, không lắng nghe…, nhiều bạn cảm thấy bất công vì phải làm rất nhiều nhưng điểm thì như nhau.

Đập tan nỗi sợ trong giờ thuyết trình - Ảnh 2.

Teen soạn bài thuyết trình - Ảnh: AN TÚ

Có những nhóm dù đã chia nhiệm vụ rõ ràng nhưng vẫn bị “bể kèo”. “Khi mình nhắc làm bài thì bạn ấy viện đủ lí do. Cuối cùng bạn ấy nói sẽ đảm nhận thuyết trình nên không soạn nội dung. Thế nhưng hôm đó bạn ấy lại nghỉ học khiến mình phải đứng trước lớp trình bày chỉ trong 5 phút chuẩn bị. Cũng vì thế mà bài đó điểm không cao và bị nhận xét là không chuẩn bị chu đáo” - bạn Trần Nguyễn Trâm Anh (cựu học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh) chia sẻ.

Team lắng nghe

Các bạn lắng nghe cũng hoang mang không kém khi nghe từ đầu đến cuối buổi vẫn không hiểu hết vấn đề được thuyết trình. Như trường hợp của bạn Trần Hoài Thanh (trường THPT Nguyễn Văn Linh, quận 8), nhóm thuyết trình nói quá nhỏ và nhanh khiến bạn không nghe được. Không chỉ vậy, có nhiều nhóm thay vì thuyết trình lại cầm giấy đọc đều đều khiến người nghe đi lạc vì không biết nội dung trọng tâm là gì.

Nhiều teen cho rằng việc học theo phương pháp này khiến các bạn khó ghi chép: “Các bạn phải trình bày trong thời gian quy định nên không thể dừng lại cho tụi mình ghi bài. Giáo viên nhận xét, bổ sung nội dung thiếu hay sai của nhóm chứ không giảng lại. Vì thế những tiết thuyết trình là tập mình lại trống trơn”- bạn Phạm Minh Thư (trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, huyện Hóc Môn) chia sẻ.

Nguyên tắc khi học tiết thuyết trình

Sau khi nghe tâm tư của học sinh, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy (giáo viên trường THPT Trần Văn Giàu, quận Bình Thạnh) đã chia sẻ một số tips để chúng mình học tốt hơn giờ thuyết trình.

1. Tránh đưa quá nhiều thông tin vào bài thuyết trình, hãy trình bày ngắn gọn, đúng trọng tâm.

2. Hãy nói to, rõ, mạch lạc, có điểm nhấn, trình bày ý chính, phụ, thay vì nói đều đều, không nhấn nhá.

3. Khi làm việc nhóm, teen nên chia đều nhiệm vụ làm tại nhà, dành 1-2 buổi để tập dượt thuyết trình, tránh họp quá nhiều buổi dẫn đến việc các thành viên thấy quá tải, mất thời gian.

4. Hãy dựa vào thế mạnh của từng thành viên để phân công việc cụ thể, hợp lý.

5. Với team lắng nghe, thay vì nghe một cách thụ động, hãy chủ động đọc trước bài và tìm câu hỏi ở nhà. Khi nghe các bạn trình bày, hãy ghi lại các nội dung quan trọng, ý chính do các bạn tìm hiểu được.

VỚI TEAM HỎI:

Đặt câu hỏi ngắn gọn, đúng trọng tâm. Chúng mình nên hỏi từ dễ đến khó. Khi hỏi xong, hãy dành 5-10 giây để nhóm thuyết trình suy nghĩ. Tránh hỏi những câu mang tính đánh đố, ngoài bài học.

VỚI TEAM TRẢ LỜI:

Nếu bạn thấy chưa rõ về câu hỏi, đừng ngần ngại hỏi lại. Đây là một cách rất thông minh để giúp mình có thêm thời gian suy nghĩ. Bạn cũng đừng ngại nhờ sự trợ giúp của lớp, thầy cô hay team mình khi gặp câu hỏi phức tạp.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: