Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần

Thứ năm, 11/04/2024 16:00 (GMT+7)

Những viên đá lấp lánh, màu sắc bắt mắt và có kết cấu độc nhất là thành quả sau quá trình nuôi tinh thể trong vòng vài ngày đến vài tháng của các bạn trẻ.

Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 1.

Tinh thể KDP do Trà Mơ nuôi có nhiều gai nhọn và trong suốt - Ảnh: ĐỖ THỊ TRÀ MƠ

Nuôi tinh thể là quá trình tạo mầm từ liên kết giữa nguyên tử, phân tử trong chất hóa học. Những mầm tinh thể sẽ tiếp tục phát triển kích thước, hình dáng tùy thuộc vào chất ban đầu.

Nuôi tinh thể giúp học hóa thú vị hơn

Thú vui này bắt đầu được chú ý vào khoảng năm 2017. Đến nay, vẫn còn nhiều bạn trẻ quan tâm và yêu thích việc nuôi tinh thể. Các bạn thường tiếp cận với bộ môn này qua môn hóa, qua mạng rồi tự học.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều hội nhóm nuôi tinh thể thành lập với 1.000 đến hơn 18.000 người. Trong đó, các bạn cùng chia sẻ hình ảnh tinh thể hoặc hỏi kinh nghiệm của những người đi trước.

Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 2.

Trà Mơ bảo quản tinh thể trong hộp để tránh bụi và gắn đèn cho thêm lung linh - Ảnh: ĐỖ THỊ TRÀ MƠ

Là thành viên hoạt động tích cực trong nhóm, bạn Đỗ Thị Trà Mơ (lớp 10A10, Trường THPT Lê Thành Phương, tỉnh Phú Yên) thường đăng hình về tinh thể mình nuôi được. Cuối năm 2023, bạn học nuôi tinh thể qua mạng. Ngoài ra, bạn cũng được giáo viên hóa hướng dẫn và khuyến khích tham gia thi tinh thể tại trường.

Trà Mơ chủ yếu nuôi tinh thể từ KDP - KH2PO4 (Kali Dihydro Photphat). Bạn thường pha 100g KDP cùng với 250ml nước cất rồi khuấy đều sao cho còn 1 ít KDP ở đáy ly để tạo mầm. Sau khoảng 2 ngày, bạn lọc lại dung dịch, rồi nhúng lại vào dung dịch để mầm phát triển thêm trong khoảng 1, 2 tuần.

Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 3.

Trà Mơ chụp ảnh cùng tinh thể KDP mà mình nuôi được - Ảnh: ĐỖ THỊ TRÀ MƠ

Trà Mơ cho biết, bước pha trộn dung dịch là quan trọng nhất. Nếu pha sai tỉ lệ, dung dịch sẽ không thể bão hòa để nuôi lớn tinh thể. Điều khiến bạn thích tinh thể là thành phẩm luôn đa dạng hình thù và màu sắc.

Cảm giác cầm trên tay “đứa con” do mình nuôi cũng giúp Mơ tận hưởng quá trình chờ đợi mầm. Ngoài ra, mỗi lần thất bại, Mơ lại có khao khát chinh phục thử thách thêm lần nữa.

“Nuôi tinh thể không khó và cũng không cần bạn quá giỏi hóa mới có thể làm được. Mình yêu môn hóa hơn từ khi tập nuôi tinh thể. Vì mình tận mắt thấy được sự kỳ diệu của hóa học. Tinh thể có thể dùng làm vật trang trí, quà lưu niệm hoặc sản phẩm để kinh doanh”, Trà Mơ chia sẻ.

Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 5.

Tinh thể mà bạn yêu thích nhất là KDP màu xanh lá được cấy trên đá san hô - Ảnh: ĐỖ THỊ TRÀ MƠ

Hóa chất, dụng cụ nuôi tinh thể được bán tại sàn thương mại điện tử với giá dưới 100 nghìn đồng. Nhiều cửa hàng còn bán theo combo với nguyên liệu chia sẵn theo định lượng và hướng dẫn đi kèm.

Cần cẩn thận, khéo léo và kiên trì khi nuôi tinh thể

Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 6.

Tinh thể KDP của Phước lấp lánh như đá quý khi được chiếu sáng bởi đèn pin của điện thoại - Ảnh: NGUYỄN NGỌC PHƯỚC

Cùng có sở thích nuôi tinh thể, bạn Nguyễn Ngọc Phước (sinh viên năm 3, khoa Khoa học ứng dụng Trường đại học Tôn Đức Thắng) có nhiều lợi thế khi học đại học. Ngọc Phước bắt đầu nuôi tinh thể từ năm lớp 12 nhưng tạm ngưng. Đến năm 2 đại học, Phước tiếp tục niềm đam mê này cho đến hiện tại.

Từ việc nuôi tinh thể sớm, Ngọc Phước đã biết và hiểu về một số phức chất mà đến khi lên đại học bạn mới được học. Là một sinh viên ngành hóa học, bạn cũng thường xuyên học về tinh thể.

Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 7.

Nguyễn Ngọc Phước đang là sinh viên ngành Hóa của khoa Khoa học ứng dụng - Ảnh: NVCC

“Mình học bài nhanh và ghi nhớ lâu hơn vì đã thực hành trước đó bằng việc nuôi tinh thể”, Ngọc Phước nhớ lại.

'Người nuôi tinh thể cần rèn luyện tính kiên nhẫn, khéo léo và cẩn thận. Ngoài ra, người nuôi phải có kỹ năng bảo hộ để phòng tránh những rủi ro có thể xảy ra. Với những chất có độc tính thấp, người nuôi nên đeo khẩu trang và bao tay cao su. Với những chất có độc tính cao phải mang kính bảo hộ và giày kín để bảo vệ chân." - Ngọc Phước chia sẻ.

Trong quá trình nuôi tinh thể, Ngọc Phước lưu ý về một số tai nạn có thể xảy ra như trầy xước tay do tinh thể cứa và rát vì hóa chất len lỏi vào vết thương, đổ hóa chất,...

Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 8.
Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 9.
Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 10.

Một số tinh thể của Phước như phèn crom (màu tím), CUSO4 cấy trên đá bazan (màu xanh) và KDP cấy trên đá bazan (trắng hồng) - Ảnh: NGUYỄN NGỌC PHƯỚC

Tinh thể thành phẩm thường trong suốt, bề mặt nhẵn mịn và không bị dính bụi, đa tinh. Nhiệt độ, độ ẩm và bụi bẩn là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của tinh thể. Vì thế, Phước khuyên rằng người nuôi nên đặt tinh thể ở vị trí không chênh lệch quá 2 độ C so với nhiệt độ phòng.

Ngọc Phước đã nuôi được khoảng 20 tinh thể từ nhiều chất khác nhau. Bạn còn sáng tạo với việc nuôi tinh thể trên hoa giả. Tháng 4-2023, Ngọc Phước còn giành chiến thắng tại cuộc thi nuôi tinh thể do khoa tổ chức. Sản phẩm của bạn mô phỏng công viên với dòng suối, các con vật và cây xanh từ tinh thể.

Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 11.

Tinh thể phèn chua bám trên đóa hoa hồng bằng vải - Ảnh: NGUYỄN NGỌC PHƯỚC

Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 12.
Nuôi tinh thể - thú vui giúp bạn yêu môn hóa học thêm tỷ lần- Ảnh 13.

Sản phẩm đạt giải Nhất của cuộc thi nuôi tinh thể do Phước và đồng đội thực hiện - Ảnh: NGUYỄN NGỌC PHƯỚC

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: