Nổi loạn tuổi dậy thì, phụ huynh và teen làm thế nào để vượt qua?

Thứ tư, 03/04/2024 19:19 (GMT+7)

Đang ngồi ăn cơm, bạn An (lớp 9, Quận 3) bị mẹ rầy: “Ăn lo ăn chứ xem điện thoại là sao con?”. Cô gái đang tuổi dậy thì đã có những phản ứng bất ngờ.

Nổi loạn tuổi dậy thì, phụ huynh và teen làm thế nào để vượt qua?- Ảnh 1.

Minh họa: FREEPIK

Tuổi dậy thì - sơ hở là bị la

Lúc này, mặt An chầm dầm, mắt liếc nhẹ, miệng lẩm bẩm: “Suốt ngày bị la”. Rồi bạn cứ nhây nhây lướt mạng mặc cho mẹ nhắc nhở. Mẹ lớn giọng “bỏ ngay điện thoại xuống”, An nhíu mày cất vô, trong lòng ấm ức, bực bội. An đang trong giai đoạn tuổi dậy thì.

Bạn tâm sự nhiều lúc chán chẳng buồn nói chuyện với ba mẹ. Bởi lẽ sơ hở chút, bạn sẽ bị la. Kiểu như bạn đi học về, mệt, nằm dài ra ngủ chưa kịp giặt quần áo - bị la. Bạn ăn cơm xong, bỏ lên phòng, không dọn dẹp phụ - cũng bị la. Tối, bạn xem ti vi chưa học bài, mẹ cũng gào lên mắng.

Ủa, bạn có làm gì đâu mà căng vậy? Chuyện học là của bạn chứ có phải của ba mẹ. Ba mẹ quan tâm chi cho mệt. Trong lúc khó chịu, bạn nghĩ vậy.

* Mẹ An tâm sự hồi nhỏ, An rất ngoan. Một hai năm nay, An bắt đầu “giở chứng”. Mỗi lần cô kêu phụ việc nhà, bạn tìm cách né tránh. Nói gì thích cãi lại làm cô rất bực. Sống trong một gia đình, cô mong muốn bạn phải có trách nhiệm yêu thương, quan tâm và chung tay phụ việc nhà. Cô buồn vì bạn vô tâm, dửng dưng và chỉ lo cho bản thân.

Tuổi dậy thì là khi người ta “giở chứng”

Trong khi đó, Nguyễn (lớp 7, quận Phú Nhuận) vốn nhút nhát, ít nói. Mỗi lần đi ăn, bạn không dám gọi món mà phải chờ ba mẹ gọi giúp. Muốn xin cái ống hút, bạn ngại ngùng nhờ em xin giùm. Lúc đi chơi cùng bạn bè, Nguyễn hiếm khi nào mở miệng bắt chuyện hoặc làm quen trước. Vậy mà mấy tháng nay, bạn khác hẳn.

Một lần cả nhà đang ngồi ăn, hàng xóm tập hát karaoke ồn ào, Nguyễn đã ra nói: “Sao nhà chú không xây phòng cách âm đỡ làm phiền mọi người” trong sự ngỡ ngàng, bất ngờ của cả nhà.

Bạn còn cười cười nói với ba mẹ: “Gặp phải thằng liều” (ý nói bạn dám ra nói thẳng thắn với hàng xóm chứ không im lặng chịu đựng). Khi xem phim, bạn mở âm thanh rất to. Ba mẹ nhắc nhở bật nhỏ xuống một chút.

Lát sau, bạn tiếp tục mở lớn. Mỗi lần phát biểu hay dùng những lời lẽ “quá trớn” kiểu “sao thằng đó ngu quá”, “não có đờm”… khác hẳn với hình ảnh của bạn mấy tháng trước.

* Ba của Nguyễn chia sẻ thêm: Chưa kể, dạo gần đây, ba mẹ nói gì, bạn cũng phát biểu/làm ngược lại. Có khi, cả nhà đã thỏa thuận đi du lịch thì tối hôm trước, bạn một mực đòi ở nhà một mình vì “con thích vậy”. Thích thì chiều, chú gửi hàng xóm trông bạn giùm, còn cả nhà vẫn đi.

Vì một cái ống hút

Thích thể hiện và chứng tỏ mình của con cái là một trong những biểu hiện nổi loạn khiến ba mẹ cảm thấy bất ngờ lẫn khó chịu.

Nổi loạn tuổi dậy thì, phụ huynh và teen làm thế nào để vượt qua?- Ảnh 4.

Minh họa: FREEPIK

Mặc dù có nhiều quần áo mới, đẹp nhưng Ngọc (lớp 7, quận 5) vẫn thích mặc mấy bộ đồ cũ, có bộ còn giãn thun, bị thủng. Thậm chí vào trung tâm thương mại, khu vui chơi…, bạn cũng diện đồ nhàu nát, cũ mèm như vậy. Ở nhà, mẹ đã chải, buộc đầu tóc gọn gàng, xinh đẹp cho bạn, nhưng chỉ lát sau, bạn đã gỡ ra hết, tóc tai bù xù.

* Mẹ của Ngọc than: Nhà có 2 đứa con gái. Em của Ngọc ra đường tươm tất, chỉn chu, trong khi Ngọc nhìn nhếch nhác. Người khác nhìn vô chắc nghĩ cô không biết chăm chút cho con, thương đứa này bỏ đứa kia. Haizz…

Mà dạo này Ngọc làm cô dễ cáu. Tối hôm qua, Ngọc muốn uống sữa. Tuy nhiên, cái ống hút đi kèm hộp sữa bị mất. Cô kêu lấy ống hút khác uống hoặc đổ ra ly nhưng nhất định Ngọc không chịu. Cuối cùng, Ngọc không uống sữa luôn.

Nổi loạn là tiến triển tâm lý của tuổi dậy thì. Tuy nhiên, đừng để chuyện bé xé to. Nếu bạn và ba mẹ đang có những vấn đề gút mắc, cả nhà nên chia sẻ với nhau ngay từ những chuyện cỏn con. Con cái nổi loạn, ba mẹ nổi cáu thì mệt nha!

Ba mẹ không nên quá khắt khe với con cái

Buổi trưa, tự dưng hàng xóm nghe tiếng Minh (lớp 6, TP.Thủ Đức) gào thét: “Tại sao suốt ngày ba mẹ cứ la con? Con cũng có những điểm tốt kia mà!”. Trong tiếng khóc tức tưởi của Minh, mẹ bạn càng quát tháo um sùm làm không khí thêm căng thẳng.

Tiến sĩ Xã hội học, Thạc sĩ tâm lý trị liệu Phạm Thị Thúy góp ý với ba mẹ: Trong giai đoạn tuổi teen, con cái thường có tính vị kỷ rất cao, quan tâm đến bản thân rất nhiều. Đây là tiến triển tâm lý bình thường.

Vì vậy, ba mẹ nên bao dung và hướng dẫn con cái chứ không nên quá khắt khe. Nếu có những việc con cái cư xử chưa vừa lòng ba mẹ, cả nhà nên bày tỏ nỗi lòng, cảm xúc với nhau để tìm tiếng nói chung.

Ba mẹ “căng” quá, hay cằn nhằn sẽ “đẩy xa” con cái ra khỏi gia đình. Hãy mềm mỏng, uyển chuyển lắng nghe con cái và tôn trọng suy nghĩ, quan điểm của nhau vẫn tốt hơn.

Tuyệt chiêu giúp cả nhà bình yên

Biết là bạn đang trong độ tuổi nổi loạn. Tuy nhiên, bạn không nên vịn vào lý do này để làm những điều mình thích và bỏ mặc lời góp ý, chia sẻ của ba mẹ.

Khi các thành viên cùng tôn trọng đối phương, lắng nghe góp ý của nhau mới giữ được hòa khí trong gia đình. Từng thành viên hạnh phúc sẽ làm nên một gia đình hạnh phúc.

Vài gợi ý để bạn vẫn giữ được chất riêng nhưng không làm xáo trộn gia đình:

* Tự giác dọn dẹp vệ sinh góc riêng/phòng riêng của mình như ngủ dậy tự gắp chăn mền, quần áo dơ mang ra giặt, mang rác đi đổ… Mẹ của Ngọc (lớp 7, quận 5) cho biết bạn mặc đồ dơ xong hay nhét dưới nệm cả đống, mẹ thấy rất bực. Mà trường hợp này đâu chỉ riêng mình Ngọc, phải không?

* Chủ động làm việc nhà, ăn cơm cùng gia đình. Ba mẹ đi làm về rất mệt mà vẫn phải làm việc nhà, trong khi bạn lại nằm phè phỡn xem ti vi, chơi game, nghe nhạc… Vậy có ổn không nhỉ?

* Một số bạn gào lên Luật trẻ em quy định ba mẹ phải có trách nhiệm với con cái nào là lo cho đi học, ăn uống, vui chơi, phát triển… Tuy nhiên, bạn cũng quên mất con cái cũng phải có trách nhiệm với gia đình. Ngoài phụ làm việc nhà, học tập cũng là một trách nhiệm. Tự giác học hành chăm chỉ, ba mẹ cần chi phải nhắc.

* Bày tỏ ý kiến một cách nhã nhặn và lắng nghe một cách chân thành. Có bạn chưa nói hết câu đã gào lên ba mẹ không hiểu con, không xem con ra gì rồi đùng đùng bỏ đi. Bạn không nói ra sao ba mẹ hiểu bạn muốn gì. Với lại, bạn cần đưa ra ý kiến hợp lý, hợp điều kiện kinh tế/hoàn cảnh gia đình.

Bên cạnh đó, lựa chọn thời điểm chia sẻ với ba mẹ cũng rất quan trọng. Ba mẹ đang khó khăn, đang giải quyết công việc căng thẳng, bạn đòi mua điện thoại, đôi giày mới ngay và luôn thì hỏi sao ba mẹ không cáu.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: