Nhận diện, đối mặt và vượt qua những trò bạo lực học đường kiểu tinh vi

avatar DUY DƯƠNG - NGUYỄN NHI

Thứ hai, 06/11/2023 09:26 (GMT+7)

Lên mạng xã hội đăng hình chế giễu hoặc lập nhóm chat để nói xấu bạn, đó chính là bạo lực học đường. Đừng thờ ơ khi bạn chứng kiến những hành động này.

Muôn kiểu bạo lực học đường

Ngoài hành vi làm tổn hại đến thân thể, tinh thần thông qua các hành động, lời nói, bạo lực học đường hiện nay còn xuất hiện dưới dạng chế ảnh, đăng tải bài viết sai sự thật, lập nhóm kín để nói xấu...

Chứng kiến bạn mình bị bạo lực học đường suốt hai năm qua, bạn N.V.H (lớp 9, Nghệ An) tìm cách để giúp nhưng không thành công. Bạn của H. bị ném đồ lên người, lập nhóm riêng để tẩy chay. Dù phụ huynh của bạn đã nhờ giáo viên bộ môn can thiệp nhưng tình hình vẫn không thay đổi

Bạo lực ở “ngôi nhà thứ hai” - Ảnh 1.

Bạo lực có thể đến từ lời nói - Ảnh: Freepik

Còn bạn L.H.K.L (lớp 9, Trường THCS Thủy Phù, Thừa Thiên Huế) cho biết, ban đầu bạn có xích mích với một bạn nam trong lớp. Giờ ra chơi, bạn nam ấy giấu ba lô và nhổ nước bọt vào ghế của L. Các bạn trong lớp chứng kiến nhưng không ai ngăn cản.

Đến hiện tại, L. vẫn vẫn bị lập nhóm nói xấu trên mạng, đặt điều, miệt thị. L. tìm tới giáo viên, nhưng cô giáo cho rằng bạn bè đùa giỡn nên không giải quyết. Mỗi lần bước tới cổng trường, cô bạn lại thấy ám ảnh...

Vết thương khắc sâu sau bạo lực

Dù thời gian đã qua khá lâu nhưng N.H.T (22 tuổi, Đà Nẵng) vẫn nhớ về quá khứ từng bị bạn bè trêu chọc vì gia cảnh. T. bị bạn bè chế giễu vì không có ba, mẹ làm công việc buôn bán bình dân.

“Lúc đó, mình hờn trách mẹ sao làm nghề buôn bán để mình bị trêu chọc. Mình trở nên cộc cằn với chính người thân của mình”, T. kể.

Có khoảng thời gian T. chỉ làm bạn với cuốn nhật ký- nơi bạn có thể trút hết tâm sự. T. đã tin tưởng một người bạn thân và tâm sự tất cả, kể cả “mật khẩu” của nhật ký. Thế nhưng, người bạn này lại lan truyền những thông tin cá nhân của T cho bạn bè. Điều này khiến T cảm thấy xấu hổ, chán nản. Thậm chí, bạn đã từng rạch tay để tự tử.

Câu chuyện của bạn C.K.L (21 tuổi, Đà Nẵng) còn nghiêm trọng hơn. Ngoài bị bạo lực bằng lời nói, bị bạn bè vu khống là “đồ ăn cắp”, L. còn bị những bạn khác giới sàm sỡ, nghe những lời tục tĩu.

Rất nhiều lần, L. bị bạn cùng lớp nhét dụng cụ học tập vào cặp rồi hô to, đổ cho bạn tội ăn cắp. Bên cạnh đó, sau giờ Sinh học, bạn cùng lớp còn ghép tên và trêu chọc L. Điều này khiến cô bạn thấy bị xúc phạm nhưng vì yếu thế hơn nên bạn chỉ biết nhẫn nhịn.

Bên cạnh những vết thương thể xác, nạn nhân của bạo lực học đường còn mang theo những “vết thương” tinh thần khó lành.

Cách teen đi qua bạo lực học đường

Năm lớp 9, bạn P.T.M.Lan (lớp 10, Quảng Ninh) từng là tâm điểm của những lời nói xấu, miệt thị ngoại hình từ một số bạn bè trong lớp. Thậm chí, Lan còn từng bị bạn đổ keo lên đầu, ném giấy vào người. Đến hiện tại, Lan đã vượt qua được khó khăn ấy.

Cô bạn cho biết, đối với nạn nhân bạo lực học đường, điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là giữ tâm lý thật ổn định để tránh những hành động dại dột.

“Điều này không khó cũng không dễ. Nếu các bạn bị bạo lực ngôn từ, cứ bỏ ngoài tai những lời nói ấy. Để bản thân thoải mái, nếu khó chịu quá có thể khóc. Sau đó, cố gắng ngăn chặn việc bạo lực tiếp diễn bằng cách báo với người lớn để can thiệp”, Lan chia sẻ.

Tiếp theo, để thoát khỏi khoảng thời gian tiêu cực, Lan tự tìm cho mình một điều tích cực nào đó làm động lực. Động lực của Lan đến từ một người bạn thân. Bạn ấy cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Kinh nghiệm chia sẻ từ người bạn này giúp Lan nỗ lực, sống tích cực. Bạn cũng chủ động chia sẻ vấn đề với mọi người và tìm hướng giải quyết.

Trong hành trình vượt ra khỏi “bóng ma” tâm lý sau khi bị bắt nạt, bạn N.H.T trong câu chuyện ở trên đã tìm đến một môi trường tốt - nơi bạn có thể dũng cảm chia sẻ câu chuyện của bản thân để tìm được sự an ủi và đồng cảm. Nhờ đó, T. trở nên tự tin hơn và đăng ký tham gia những hoạt động ca hát mà bạn yêu thích. Ngoài ra, bạn cho biết: “Trong thời gian bị bạo lực học đường, tìm xem những nhân vật có tầm ảnh hưởng để nghe họ chia sẻ cũng là một cách giúp mình nguôi ngoai”.

Còn bạn L. ở Đà Nẵng khi đã trưởng thành hơn, bạn bắt đầu tham gia những dự án xã hội, nơi mà bạn có những bài học về việc bảo vệ bản thân. Ngoài ra trong khoảng thời gian bị bạo lực về tinh thần, phim ảnh và ca nhạc chính là “bạn thân” xoa dịu tâm trạng của L.

Vượt qua bạo lực học đường, giúp lại nạn nhân khác

Bạn P.N (19 tuổi, hiện đang sinh sống ở Hoa Kỳ) cũng từng bị bắt nạt trong môi trường học đường. Sau những vụ việc không hay xảy ra, P.N đã mở rộng những mối quan hệ mới, cố gắng học tập để đỗ vào ngôi trường mong muốn.

P.N chia sẻ thêm, khi đến với môi trường mới, bạn gặp một trường hợp tương tự như bản thân lúc trước. Lúc này, P.N đã bắt chuyện với bạn nữ bị bắt nạt và động viên an ủi bạn ấy vượt qua.

Câu chuyện của P.N truyền thông điệp rằng, đừng thờ ơ khi chứng kiến bắt nạt trong học đường. Không cần trực tiếp đấu tranh, hãy là người âm thầm hỗ trợ tinh thần, báo với những người có khả năng can thiệp để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: