Nếu thấy không hài lòng điều gì ở ba mẹ, con cứ nói ra...

avatar BẢO TRÂN

Thứ tư, 12/07/2023 17:57 (GMT+7)

Thật khó để con cái nói ra những điều chưa hài lòng ở ba mẹ. Tuy nhiên không phải là không có cách bạn ạ.

Ba mẹ luôn yêu thương con cái, đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, đôi khi ba mẹ cũng mắc phải những sai lầm khiến tụi mình tổn thương.

Ba mẹ đôi khi cũng có sai lầm

Ba mình nóng tính lắm! Mỗi lần mình làm gì không đúng ý là ba lại nổi giận. Thậm chí, nhiều lần, ba mắng mình những câu rất khó nghe. Lúc đó, mình khó chịu lắm nhưng vì sợ nên không dám cãi lại.

Một lần, "tức nước vỡ bờ", mình chọn cách nói ra, đồng thời mạnh dạn chỉ ra những điều chưa đúng. Và điều khiến mình bất ngờ nhất là ba đã nói xin lỗi.

Ba bảo: "Sau này nếu thấy không hài lòng điều gì ở ba, con cứ nói ra. Người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm mà!". Kể từ đó, ba con mình hiểu nhau hơn.

Kết nối với ba mẹ, bạn làm được mà...

Bạn biết không, đôi khi ba mẹ cũng phạm phải sai lầm mà họ không nhận ra. Là con cái, chúng ta cũng thật khó để nói ra những điều chưa hài lòng ở ba mẹ.

Từ câu chuyện của bản thân, mình rút ra bài học ứng xử sau:

+ Nhìn nhận vấn đề nhiều chiều:

Khi bị mắng oan, mình cố gắng giữ bình tĩnh. Đợi đến lúc cơn giận đã nguội, mình bắt đầu nhìn nhận lại vấn đề, dưới góc nhìn của cả mình lẫn ba, để đưa ra quyết định sáng suốt hơn.

+ Liệt kê những điều cần nói

Mình ghi lại điều chưa hài lòng ở ba để dễ dàng trao đổi trong lúc nói. Mình nghĩ nên nói đúng trọng tâm vấn đề cần giải quyết. Đừng đào bới chuyện cũ trong quá khứ hay đổ lỗi, bởi điều đó sẽ làm cho mối bất hoà giữa hai bên nghiêm trọng hơn. Mình đã áp dụng và thấy rất hiệu quả!

+ Chọn thời điểm thích hợp để giãi bày

Thời điểm ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả của cuộc trò chuyện. Mình chọn lúc ba đang rảnh rỗi, tâm trạng thoải mái để dễ dàng giãi bày hơn.

Con cái nên làm gì khi ba mẹ hành xử chưa đúng? - Ảnh 2.

Muốn giải bày cùng ba mẹ nên chọn thời điểm thích hợp nha bạn. Ảnh: Bảo Trân

+ Nói với thái độ lễ phép

Mình thẳng thắn nói những lỗi sai của ba nhưng bằng ngôn từ tích cực cùng thái độ lễ phép. Đúng như mình nghĩ, ba chăm chú lắng nghe mình. Sau đó, ông nhận ra sơ suất và thấu hiểu cho mình.

+ Kết thúc cuộc trò chuyện bằng câu xin lỗi và cảm ơn

Khi mọi chuyện được giải quyết, mình xin lỗi ba vì có thể đã làm ba đau lòng. Mình cũng cảm ơn vì ba đã lắng nghe mình. Mình nghĩ điều này giúp cho không khí cuộc trò chuyện trở nên bớt nặng nề hơn. Hơn nữa, mình nghĩ người lớn sẽ cảm thấy đỡ bị tổn thương lòng tự trọng.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: