avatar THANH TÂM

Thứ năm, 24/08/2023 23:29 (GMT+7)

Bạn Đặng Nguyễn Như Quỳnh (lớp 9 trường THCS Linh Trung, TP.Thủ Đức) được trải nghiệm một ngày làm bà đỡ rùa biển tại Hòn Bảy Cạnh thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo.


Rùa biển sinh con nơi mình sinh ra - Ảnh 1.

Ảnh: KIM HẠNH, NVCC

Những "bà đỡ" của rùa biển

Vừa đặt chân đến, cô bạn khá bất ngờ với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Ấn tượng nhất là bãi biển với bờ cát trắng trải dài không một mảnh rác thải.

Vườn quốc gia Côn Đảo là khu bảo tồn rùa biển nổi tiếng nhất ở Việt Nam. Đây là ngôi nhà chung của rùa biển - loài động vật quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Mỗi năm từ tháng 4 đến tháng 9, rùa biển thường về đây để đẻ trứng.

Rùa biển sinh con nơi mình sinh ra - Ảnh 2.

Như Quỳnh (áo hồng) trải nghiệm thả rùa về biển - Ảnh: KIM HẠNH, NVCC

Như Quỳnh được các anh chị tình nguyện viên bảo tồn rùa biển dẫn đi tham quan và giới thiệu các bãi đẻ của rùa.

Được biết, rùa mẹ thường đẻ trứng vào ban đêm. Mỗi lần đẻ trung bình từ 100 - 200 trứng.

Giai đoạn ấp trứng kéo dài khoảng 45 ngày, nhiệt độ của cát sẽ quyết định giới tính của rùa con.

Cụ thể, nếu có ánh sáng nhiều, nhiệt độ cao trứng sẽ nở ra con đực và ánh sáng ít, nhiệt độ thấp trứng nở con cái.

Điều đặc biệt của loài rùa biển là dù có di cư kiếm ăn xa xôi đến đâu đi nữa thì chúng vẫn sẽ quay về chỗ cũ, đúng bãi cát nơi mình sinh ra để đẻ trứng. Sự vượt cạn ấy là cả một quá trình gian nan.

Sau bữa cơm tối, các anh chị tình nguyện viên bắt đầu ngồi lại, phân công nhiệm vụ cho ca trực tối nay. Ai nấy đều chuẩn bị sẵn cho mình đèn pin, bao tay, áo khoác… và vật dụng cần thiết để đỡ đẻ cho rùa biển.

Khí trời về đêm thật mát mẻ, Như Quỳnh hít thở thật sâu mùi của biển xông thẳng lên mũi dễ chịu vô cùng.

Ra đến bãi rùa dự định sẽ "nằm ổ", mọi người nhắc nhau tắt đèn pin, đi thật nhẹ nhàng, không phát ra âm thanh lớn và cũng không bật điện thoại bởi ánh sáng và tiếng động sẽ khiến rùa biển bỏ đi ngay.

Trong đêm tối mịt mờ, bỗng phát ra âm thanh sột soạt trên cát.

Chị Kim Hạnh (tình nguyện viên) nói nhỏ: "Rùa về đó!".

Từ phía biển, một bóng đen bò từ bờ biển lên bãi cát, đó là một rùa mẹ. Thông thường, rùa mẹ sẽ lên khảo sát địa hình nếu thấy an toàn sẽ lựa chỗ cát mềm để đẻ trứng.

Nếu thấy người và tiếng động lạ, mẹ rùa sẽ quay lại biển và tiếp tục cuộc thăm dò vào ngày hôm sau.

Rùa biển sinh con nơi mình sinh ra - Ảnh 3.

Ảnh: KIM HẠNH, NVCC

Di chuyển một cách chậm chạp, rùa mẹ bò sát một bụi cây, bắt đầu đào lỗ đẻ trứng.

Chúng dùng hai vây sau đào một hố sâu chừng 50 cm, rộng khoảng 20 cm rồi đẻ trứng vào đó. Rùa mẹ thở nặng nhọc, chảy cả nước mắt.

Sau khi đẻ xong, mẹ rùa sẽ cẩn thận lấp thật kỹ ổ trứng, dùng vây xóa dấu vết rồi trở về biển. Từ đó, rùa mẹ và rùa con không bao giờ gặp lại nhau nữa.

Rùa biển sinh con nơi mình sinh ra - Ảnh 4.

Rùa mẹ trưởng thành có thể nặng hơn 100 kg - Ảnh: KIM HẠNH, NVCC

Sau một lúc quan sát, mọi người bắt đầu ra hiệu cho nhau. Những "bà đỡ" bắt đầu nhiệm vụ "đi rùa". Ổ trứng được đánh dấu xong xuôi, các anh chị dùng tay đào cát, động tác thật nhẹ nhàng để tránh làm vỡ trứng.

Càng về đêm trời càng lạnh. Thỉnh thoảng, một vài cơn gió thổi qua khiến ai nấy xuýt xoa.

Thế nhưng, rùa mẹ này chưa đẻ xong đã thấy bóng rùa mẹ khác lên tìm ổ đẻ trứng. Mọi người loay hoay, bận rộn với công việc đỡ đẻ suốt đêm.

Trung bình mỗi đêm có khoảng 10 mẹ rùa lên đẻ trứng.

Chuyến du hành trong lòng đại dương

Rùa đẻ xong, lúc này phôi rùa tạm ngưng hoạt động trong vòng 4 tiếng. Nhiệm vụ của các anh chị tình nguyện viên là phải di dời trứng về hố ấp để đảm bảo an toàn và tránh hư hỏng.

Ở mỗi hố ấp trứng sẽ được ghi chú cẩn thận thông tin ngày tháng trứng được sinh ra, số thứ tự cũng như số trứng dưới tổ.

Đến thời điểm thích hợp, những chú rùa con sẽ phá tung vỏ bọc, đội cát ngoi lên và khẳng định sự có mặt của mình.

Rùa biển sinh con nơi mình sinh ra - Ảnh 5.

Bãi ấp trứng rùa biển - Ảnh: KIM HẠNH, NVCC

Khoảng 30 năm sau, rùa mẹ mới quay về đất liền, nơi bãi cát mà mình sinh ra để đẻ trứng. Mất 40 - 50 ngày để nở thành rùa con.

Tỉ lệ sống sót ở rùa con rất thấp, 1.000 quả trứng được sinh ra chỉ duy nhất một con sống sót, trưởng thành và quay trở về.

Rùa biển sinh con nơi mình sinh ra - Ảnh 6.

Ảnh: KIM HẠNH, NVCC

Bình minh một ngày mới ló dạng cũng là thời điểm thích hợp để thả rùa con về biển.

Như Quỳnh chia sẻ: "Tớ được các anh chị hướng dẫn rất kỹ về việc thả rùa.

Không nên bắt chúng bằng tay vì thân nhiệt, mồ hôi, vi khuẩn của cơ thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng xác định từ trường của rùa con.

Khi thả rùa, nên thả từ bãi cát cách mặt nước khoảng vài mét để chúng có thể cảm nhận được bãi cát quê hương nơi mình sinh ra".

Rùa biển sinh con nơi mình sinh ra - Ảnh 7.

Các anh chị tình nguyện viên thả rùa con về biển - Ảnh: KIM HẠNH, NVCC

Rùa biển sinh con nơi mình sinh ra - Ảnh 8.

Ảnh: KIM HẠNH, NVCC

Biển là nhà, về với biển, rùa con sẽ bắt đầu cuộc hành trình mới. Nếu sống sót, chúng sẽ thực hiện những chuyến du hành vĩ đại trong lòng đại dương.

Rùa biển không bao giờ sợ lạc đường, từ trường Bắc Nam chính là tấm bản đồ vô hình của chúng.

Rùa có thể xác định vị trí của mình ở bất kỳ đâu trong lòng đại dương và đại dương bao la chính là nhà của chúng.

"Có trải nghiệm thực tế tớ mới biết được sự khó khăn, vất vả của các cô chú bảo tồn rùa biển.

Hiểu thêm nhiều kiến thức mới, tớ thấy môi trường sống của rùa biển đang bị đe dọa do ô nhiễm môi trường, rác thải…

Tớ sẽ là một tuyên truyền viên đến bạn bè xung quanh có ý thức bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển", Như Quỳnh hào hứng nói.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: