Học bằng diễn xướng dân gian Nam Bộ - lạ tai và hay bất ngờ

Thứ tư, 17/04/2024 14:50 (GMT+7)

Đó là cảm nhận chung từ buổi Tìm hiểu về diễn xướng dân gian Nam bộ của Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình) vào sáng ngày 17-4.

Phần hướng dẫn học sinh toàn trường hát thể điệu Tử quy từ - Clip: THẢO NGỌC

Thích thú mê say khi tiếp cận với diễn xướng dân gian Nam bộ

“Non sông ta gấm hoa đẹp xinh. Bắc Trung Nam cảnh quang hữu tình. Bến nước cây đa bờ tre ruộng lúa. Rừng núi cảnh sắc hùng vĩ". Bạn Trần Kim Xuân (lớp 12C20) ngân nga giai điệu này cùng học sinh cả trường và các thầy cô để tập hát thể điệu Tử quy từ. Đây là hoạt động nổi bật trong buổi sinh hoạt chuyên đề Tìm hiểu về diễn xướng dân gian Nam bộ của Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình).

Học bằng diễn xướng dân gian Nam Bộ - lạ tai và hay bất ngờ- Ảnh 1.

Học sinh, thầy cô và các khách mời cùng hòa giọng - Ảnh: THẢO NGỌC

Theo Kim Xuân, những giai điệu này khá lạ tai nhưng dễ học. Bạn chỉ cần nghe mẫu vài lần và hát nhẩm theo là thành công. Khoảnh khắc cả trường tập hát là một trong những điều mà bạn yêu thích nhất tại buổi sinh hoạt.

Ngoài ra, bạn cũng mê tít trích đoạn Trưng Nương khởi nghĩa. Trích đoạn xoay quanh giai đoạn Trưng Trắc cùng Trưng Nhị phát động tấn công chống lại nhà Đông Hán sau khi bà vượt qua nỗi đau mất đi người chồng Thi Sách.

“Là học sinh của ngôi trường mang tên Hai Bà Trưng, mình cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào khi theo dõi trích đoạn này. Khoảnh khắc Hai Bà Trưng phất cao ngọn cờ khởi nghĩa qua diễn xuất của các cô và các bạn đã trở nên hào hùng hơn bao giờ hết”, Kim Xuân cho biết.

Học bằng diễn xướng dân gian Nam Bộ - lạ tai và hay bất ngờ- Ảnh 5.
Học bằng diễn xướng dân gian Nam Bộ - lạ tai và hay bất ngờ- Ảnh 6.
Học bằng diễn xướng dân gian Nam Bộ - lạ tai và hay bất ngờ- Ảnh 7.

Trích đoạn Trưng Nương khởi nghĩa do các thầy cô, nghệ sĩ và học sinh cùng trình diễn - Ảnh: THẢO NGỌC

Đóng vai người dân, bạn Đinh Lê Hoàng Nghĩa (lớp 12C1) dành một tuần để luyện tập. "Mình cảm thấy vui khi được góp mặt trong tiết mục. Qua hoạt động, mình cảm thấy đã rút dần khoảng cách với lịch sử, được sống lại thời kỳ đó chứ không phải chỉ đọc qua sách vở", Hoàng Nghĩa chia sẻ.

Buổi chuyên đề lồng ghép các tiết mục diễn xướng, cải lương, đờn ca tài tử như Hồn thiêng đưa đường (trích tuồng Sơn Hậu), Thiếu phụ Nam Xương,... Đặc biệt, các tiết mục trong chương trình được thầy cô Tổ Ngữ văn - Giáo dục địa phương viết lời kết hợp với các làn điệu âm nhạc truyền thống mà không sử dụng trích đoạn có sẵn trên các phương tiện truyền thông.

Học kiểu sáng tạo và tăng trải nghiệm

Thầy Hồ Hoài Khanh (giáo viên ngữ văn Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng) đóng vai Thi Sách trong buổi sinh hoạt chuyên đề. Theo thầy, quá trình chuẩn bị cho ngày công diễn kéo dài trong 3 tuần với các khâu chọn nhạc, soạn lời và luyện tập trình diễn.

Thầy cô đã lựa chọn các làn điệu mang giai điệu vui tươi để gần gũi hơn với học sinh. Điều quan trọng là phần lời không bị cưỡng âm và giữ đúng tinh thần của câu chuyện.

Học bằng diễn xướng dân gian Nam Bộ - lạ tai và hay bất ngờ- Ảnh 8.

Thầy Hạ Nắng trình diễn thể điệu Lưu thủy trường (Truyện Kiều) - Ảnh: THẢO NGỌC

Thầy Hoài Khanh cho biết: “Việc sân khấu hóa các tác phẩm này giúp việc học văn trở nên gần gũi hơn với các bạn học sinh. Thay vì cầm quyển sách đọc, các bạn tiếp xúc với tác phẩm thông qua mắt nhìn và tai nghe âm nhạc. Vì thế mà các bạn sẽ được khơi gợi sự tò mò hứng thú về tác phẩm và tự mình tìm hiểu thêm về tác phẩm đó.”

Cô Vũ Thị Thu Trang (tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Giáo dục địa phương) cho biết, buổi sinh hoạt chuyên đề là hoạt động liên môn Ngữ Văn và Giáo dục địa phương. 

Những năm qua, Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng là trường ngoài công lập tích cực đổi mới sáng tạo, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh thông qua những buổi sinh hoạt chuyên đề như thế này.

Học bằng diễn xướng dân gian Nam Bộ - lạ tai và hay bất ngờ- Ảnh 10.

Cô Phùng Thị Ngọc Thúy (phụ huynh của bạn Khoa Huân lớp 11B1) độc tấu nhạc cụ - Ảnh: THẢO NGỌC

Sau buổi sinh hoạt, các học sinh sẽ thực hiện bài thu hoạch bằng nhiều hình thức như vẽ tranh, hát, quay video. Điểm số của các bạn sẽ phản ánh trực tiếp chất lượng giáo dục và đào tạo bằng phương pháp đổi mới này.

Mục đích của buổi chuyên đề là làm sống lại các giá trị truyền thống dân tộc, các loại hình văn hóa nghệ thuật. Các bạn học sinh được thoát khỏi không gian lớp học để sống trong các tác phẩm nghệ thuật. Thông qua phương pháp dạy học đổi mới, nhà trường định hướng giáo dục học sinh trở thành công dân toàn cầu.

Dịp này, nhà trường cũng tổ chức buổi tọa đàm Đổi mới sáng tạo - Tăng cường trải nghiệm cho học sinh qua môn Giáo dục địa phương. Tại đây, thầy Trần Văn Cường (chuyên viên Nghệ thuật của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) nhận định buổi chuyên đề mang đậm tính nghệ thuật và cần được lan tỏa rộng rãi đến các trường khác trong thành phố.

Học bằng diễn xướng dân gian Nam Bộ - lạ tai và hay bất ngờ- Ảnh 11.

Thầy Trần Văn Cường (chuyên viên Nghệ thuật của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, thứ ba từ phải sang) trao đổi tại tọa đàm - Ảnh: THẢO NGỌC

Một phần nhỏ trong trích đoạn Hồn thiêng đưa đường - Clip: THẢO NGỌC


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: