Giải đáp "nóng" về dịch cúm nCoV: Người già hay người trẻ dễ nhiễm bệnh?

Thứ sáu, 31/01/2020 08:53 (GMT+7)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã giải đáp những thắc mắc "nóng" của nhiều người về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới (nCoV).

Vật nuôi có lây truyền virus corona mới (nCoV)?

Đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng nào khẳng định những vật nuôi như chó hoặc mèo có thể bị nhiễm nCoV. Tuy nhiên, việc rửa tay sau khi tiếp xúc với vật nuôi luôn là điều cần thiết. Điều này có thể giúp bạn phòng tránh bị nhiễm các loại vi khuẩn phổ biến khác như E Coli, ngộ độc thực phẩm.

Người già hay người trẻ dễ nhiễm virus nCoV?

Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm nCoV. Người già và những người mắc bệnh nội khoa từ trước (như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim) dường như dễ bị bệnh nặng hơn. WHO khuyên mọi người ở mọi lứa tuổi nên thực hiện các bước để bảo vệ bản thân khỏi virus, ví dụ như rửa tay, đeo khẩu trang đúng cách.

Kháng sinh có giúp ngăn ngừa và điều trị hữu hiệu nCoV?

Không, kháng sinh không có tác dụng chống lại virus, chỉ có tác dụng đối với vi khuẩn. nCoV là một loại virus, do đó, không nên sử dụng kháng sinh như một biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị. Tuy nhiên, nếu nhập viện do nCoV, người bệnh có thể sẽ được dùng kháng sinh vì có thể đã bị nhiễm vi khuẩn cùng lúc.

Có bất kì loại thuốc cụ thể nào ngăn ngừa và điều trị nCoV?

Cho đến nay, chưa có loại thuốc nào được khuyến nghị để ngăn ngừa và điều trị nCoV. Tuy nhiên, những người bị nhiễm virus nên được chăm sóc thích hợp để làm giảm và điều trị các triệu chứng. Người bệnh nặng cần được chăm sóc, hỗ trợ tối ưu tại các cơ sở y tế. Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được nghiên cứu và sẽ được thử nghiệm lâm sàng. WHO đang giúp thúc đẩy các nỗ lực nghiên cứu và phát triển với một loạt đối tác.

NAM TRÂN (theo WHO)
Đồ họa: MTO

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: