Đối mặt với thời khoá biểu dày đặc, teen chia sẻ cách vượt qua

avatar PHƯƠNG AN

Thứ năm, 02/11/2023 14:00 (GMT+7)

Nhiều teen “than trời” vì một ngày phải học 3 tiết Ngữ Văn, 3 tiết Toán hay những môn khó nằm dồn hết trong một ngày. Làm thế nào để sống ổn với thời khoá biểu của trường đây?

Thời khoá biểu dày đặc

Mỗi ngày teen chúng mình sẽ học 2 buổi và thời khóa biểu sẽ thay đổi sau 1 – 2 tuần học. Có những ngày teen chỉ học các môn phụ nhưng cũng có những ngày dồn các tiết Toán, Văn, Anh khiến nhiều bạn cảm thấy "ngộp thở". Bạn Nguyễn Đan Tâm An (Trường THPT Võ Trường Toản, quận 12) chia sẻ: "Vào thứ 4 hằng tuần, mình sẽ học 3 tiết Toán và 3 tiết Anh nên phải chuẩn bị bài tập rất nhiều. Không những thế, mình phải học nhiều bài và tiếp thu kiến thức nhiều hơn. Điều này khiến mình cảm thấy "ngán" mỗi khi bắt đầu ngày học."

Thời khóa biểu quá nhiều môn, phải làm sao đây? - Ảnh 1.

Teen chăm chú học bài trước khi vào lớp - Ảnh: CLB BÁO CHÍ TRƯỜNG THPT NGUYỄN HỮU HUÂN

Không chỉ có Tâm An mà cậu bạn Nguyễn Nhật Anh (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, quận 5) cũng cảm thấy đuối vì ngày nào thời khoá biểu cũng có môn Toán. Bạn cho biết: "Môn Toán được chia đều mỗi ngày 1 tiết. Ngày nào cô cũng cho bài tập về nhà và kiểm tra bài cũ khiến mình cảm thấy khá căng thẳng."

Không chỉ vậy, cứ mỗi lần kiểm tra 15 phút các bạn phải soạn bài và làm bài liên tục. Một số trường xếp một ngày 7 môn khác nhau, teen phải học "tất tần tật" các môn cho ngày hôm sau. "Ngày nào mà kiểm tra 15 phút là mình xác định tối hôm đó không ngủ. Có những hôm, mình phải thức tới 2 – 3 giờ sáng để học bài nhưng vẫn chưa xong." – bạn Trần Hào Phong (Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh) than.

Nhiều teen còn cảm thấy mệt mỏi vì phải học tiết Thể Dục vào tiết 3 – 4 buổi sáng hoặc tiết 1 – 2 buổi chiều. Vì đây là khoảng thời gian khá nắng nóng, việc vận động nhiều cũng khiến cho chúng mình dễ bị cảm nắng hoặc đã hết năng lượng.

Tại sao thời khoá biểu lại được sắp xếp như vậy?

Thời khóa biểu quá nhiều môn, phải làm sao đây? - Ảnh 3.

Ảnh: CLB BÁO CHÍ TRƯỜNG THPT NGUYỄN HỮU HUÂN

Chia sẻ về vấn đề này, thầy Đoàn Văn Trung (giáo viên Trường THPT Bình Chánh, Huyện Bình Chánh) cho biết: "Việc sắp xếp một ngày 3 môn là để các bạn học bài một cách liền mạch, không bị gián đoạn kiến thức. Nên thông thường, trường sẽ xếp các môn chính theo tiết đôi hoặc tiết 3. Còn các môn phụ sẽ được xếp xen kẽ giữa các môn chính để các em cảm thấy "dễ thở" hơn."

Để có một thời khóa biểu hoàn chỉnh, nhà trường phải "cân đo đong đếm" rất nhiều vì khối lượng môn học quá nhiều nên sẽ có những ngày các bạn có một môn 2 – 3 tiết. Tuy nhiên, cứ 1 – 2 tuần sẽ đổi thời khóa biểu một lần nên học sinh sẽ không cần cảm thấy áp lực vì phải học quá nhiều môn học bài trong một ngày hay một ngày học 3 tiết Toán."

Thầy Hoàng Hiệp (giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Quận 3) chia sẻ: "Theo thầy, thời khóa biểu lí tưởng nhất sẽ là các môn tự nhiên xen kẽ với xã hội. Còn các môn chính sẽ học 2 tiết một ngày, không nên học liên tục 2 môn chính. Ví dụ sau 2 tiết Toán sẽ là một tiết Sử và tiết Sinh. Còn các môn học ngoài trời sẽ xếp vào tiết 1 – 2 buổi sáng hoặc 3 – 4 buổi chiều. Hạn chế xếp vào các khung giờ nắng nóng. Ngoài ra, các môn sẽ xếp cách nhau 1 ngày để học sinh có thời gian soạn và làm bài tập về nhà, tránh trường hợp dồn dập khiến các bạn cảm thấy "ngộp thở".

Teen nên làm gì để thích nghi?

Cô bạn Tâm An ở câu chuyện trên đã chia sẻ cách để không cảm thấy "choáng" khi nhà trường xếp thời khóa biểu không như ý. Bạn sẽ tận dụng giờ ra chơi để hoàn thành bài tập của các môn trước. Về nhà, bạn sẽ tiếp tục học và soạn bài các môn còn lại. Hạn chế, để bài tập của các môn hôm nay sang hôm sau mới làm vì như vậy sẽ dồn bài nhiều hơn. "Những môn nào học bài, mình sẽ để sáng hôm sau dậy sớm để học. Tối mình chỉ làm bài tập và soạn bài cho ngày hôm sau. Với tuyệt chiêu này thì thời khóa biểu có thay đổi như thế nào mình cũng "cân" được hết."

Còn cô bạn Vũ Ngọc Anh Thư (Trường THPT Đào Sơn Tây, thành phố Thủ Đức) lại "bật mí": "Để không cảm thấy chán nản mỗi khi học, mình sẽ tạo cảm hứng bằng cách dọn dẹp góc học tập. Cứ cuối tuần, mình sẽ dành 1 – 2 tiếng trang trí bàn học theo nhiều phong cách khác nhau. Việc đổi mới góc học tập cũng khiến cho mình cảm thấy hứng thú hơn mỗi khi ngồi vào bàn. Không những thế, mình còn tập làm thời khóa biểu cá nhân bằng các ứng dụng quản lý thời gian, lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày và luôn tuân thủ."


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: