Thứ sáu, 19/01/2024 19:00 (GMT+7)

Vừa rồi, có kết quả thi học kỳ 1 và em rất “sốc” khi môn Toán chỉ được 4 điểm. Bởi lẽ bình thường, em thường 9 điểm Toán trở lên...

Ba mẹ em chia tay nhau đã lâu. Một mình mẹ nuôi em. Vì vậy, em muốn làm mẹ vui. Nhưng khi biết em điểm thấp, mẹ bất ngờ lẫn thất vọng. Em đang rất bối rối, không biết làm gì để vượt qua cảm giác chán nản, khó chịu này.

(Một bạn lớp 9, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang)

* Thầy Trần Tuấn Anh (thành viên CLB tư vấn, trợ giúp trẻ em TP.HCM): 

Chào em, trường hợp bị “sốc” như em sau khi biết điểm thi học kỳ không phải là ít đâu. Thậm chí có trường hợp bạn học tốt nhưng lại điểm thấp vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và không được vào trường như mong muốn. Em còn học kỳ 2 phía trước và có thể khắc phục kết quả.

Ngoài ra, nghe em chia sẻ, thầy cũng rất cảm động khi em biết quan tâm đến cảm xúc của mẹ và muốn làm mẹ vui.

Hiện giờ, thầy nghĩ em nên bình tâm nghiêm túc xem lại việc học của mình đang bị vướng ở đâu. Chẳng hạn làm sai chỗ nào, viết chữ-số rõ ràng chưa, trong bài làm có bôi xóa lung tung không… 

Hoặc có khi nào trên lớp, đề kiểm tra các dạng quen quen, em làm được điểm cao rồi chủ quan. 

Nếu chẳng may tính chủ quan này tiếp tục xuất hiện ở những kỳ thi quan trọng sẽ rất “nguy hiểm”. Em đang học lớp 9, cuối năm thi tuyển sinh. Nếu có tính chủ quan nên khắc phục, điều chỉnh nhé!

Em gửi câu hỏi đến Điều em muốn nói có nghĩa em rất quan tâm đến việc học của mình, điều này rất tốt. 

Thầy nghĩ em hãy xin lỗi mẹ, nhìn nhận lại sự việc để rút kinh nghiệm cho học kỳ 2. Nếu cần sự trợ giúp thêm của thầy cô và bạn bè trong quá trình học tập, em hãy mạnh dạn lên tiếng nha!

Bạn bè thi đua chứ không ganh đua

Nhân đây, thầy cũng nhắn gửi thêm với các bạn: học không phải vì điểm số để hơn bạn mà học để hơn chính bản thân mình ngày hôm qua.

Mình học để hôm nay ngoan hơn, giỏi hơn hôm qua. Chiến thắng vinh quang nhất là chiến thắng bản thân mình.

Bạn bè thi đua chứ không ganh đua. Trong quá trình học, nếu bạn khác hơn thì các em mừng. Ai không bằng, các em nên tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ trong khả năng của mình.

Có như vậy, kiến thức sẽ được truyền đạt từ người này sang người khác và giúp tập thể tiến bộ hơn.

Điều em muốn nói: Sốc vì kết quả thi học kỳ 1, em phải làm sao?- Ảnh 2.

Thầy Tuấn Anh nhắc các bạn muốn xây dựng tình bạn đẹp nên nhớ “Trâu buộc không ghét trâu ăn - Trâu ăn giúp trâu buộc” - Ảnh:TUẤN ANH

“Trâu buộc không ghét trâu ăn. Trâu ăn giúp trâu buộc”. Cùng xây dựng tình bạn đẹp các em ơi!

Chơi game thế nào để ba mẹ đồng ý?

Em đi học cả ngày mệt, buổi tối em thường chơi game giải trí. Nhưng hễ em cầm máy là bị ba mẹ la sao không lo học mà lo chơi. Mấy bạn em cũng hay bị la rầy như vậy. 

Em thấy chơi game cũng có nhiều lợi ích. Chẳng hạn em có một người bạn nước ngoài. Mỗi lần chơi online, tụi em hay trao đổi bằng tiếng Anh, nhờ vậy kỹ năng ngoại ngữ của em cũng tăng. Em nên làm gì để được ba mẹ cho chơi game mà không bị rầy la ạ?

(H.Nguyễn, lớp 7, TP.HCM)

* Thầy Trần Tuấn Anh (thành viên CLB tư vấn, trợ giúp trẻ em TP.HCM):

Để được chơi game mà không bị rầy la, thầy nghĩ em nên thực hiện những điều sau:

- Kết quả học tập của em đạt loại tốt để chứng minh với ba mẹ là việc chơi game không ảnh hưởng đến thành tích học tập của con.

- Chơi game có giờ giấc cụ thể, như: ở nhà không chơi trong giờ học, giờ ăn, đêm khuya và không chơi quá nhiều thời gian.

Điều em muốn nói: Sốc vì kết quả thi học kỳ 1, em phải làm sao?- Ảnh 3.

Nên xin phép ba mẹ trước khi chơi game nhé bạn! - Ảnh minh họa: NGUYỄN TÚ

- Nội dung game lành mạnh, không bạo lực.

- Phải phân bổ thời gian học, chơi và cả phụ việc nhà chứ không phải lúc nào cũng cắm đầu vào chơi và phớt lờ tất cả.

Thầy nghĩ có như vậy, ba mẹ sẽ tin tưởng và vui vẻ đồng ý cho em chơi game nè!

Góp mặt với chuyên trang Điều em muốn nói kỳ này có thầy Trần Tuấn Anh (giáo viên dạy giáo dục công dân Trường THCS Colette, quận 3, thành viên Câu lạc bộ tư vấn, trợ giúp trẻ em TP.HCM).

Thầy Trần Tuấn Anh thường lồng ghép nhiều dẫn chứng cụ thể, sinh động và giàu cảm xúc vào những tiết học dạy kỹ năng, đạo đức cho học trò.

Năm 2008, thầy được bình chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM.

Ngoài ra, thầy còn là trưởng bộ môn giáo dục công dân quận 3, đồng tác giả sách giáo khoa giáo dục công dân lớp 6, 7, 8, 9 bộ “Chân trời sáng tạo”.

Điều em muốn nói: Sốc vì kết quả thi học kỳ 1, em phải làm sao?- Ảnh 4.

Thầy Trần Tuấn Anh và các bạn Trường THCS Colette, quận 3 - Ảnh: CTV

Bạn bè tâm sự, thầy sẵn sàng lắng nghe và tư vấn.

Bạn có điều muốn nói? Khăn Quàng Đỏ sẵn sàng lắng nghe!

Đây là nơi bạn có thể nói lên suy nghĩ của mình về tất cả những điều bạn quan tâm. Khăn Quàng Đỏ sẵn sàng lắng nghe và chuyển những lời chia sẻ, góp ý, thắc mắc, đề xuất, mong muốn… của bạn đến nơi liên quan để cùng phối hợp tìm hiểu và giải quyết. Hãy gửi mail đến dieuemmuonnoi@kqd.vn ngay bây giờ nha bạn!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: